23/12/2024 lúc 07:21 (GMT+7)
Breaking News

Hà Tĩnh long trọng kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm

Tối 11/6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, 15 năm thành lập thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương đã tham dự.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh tình yêu thương sâu nặng.

Những lời chỉ bảo ân cần, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi đường, dẫn lối cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh phát huy thành tích, sửa chữa kịp thời những khuyết điểm, tạo động lực mới để vượt qua mọi khó khăn, lập nên nhiều kỳ tích trong những giai đoạn tiếp theo.

Trong thời kỳ đổi mới, Hà Tĩnh đã có những đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vượt qua khó khăn của một tỉnh có điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, đến nay kinh tế có bước phát triển nhanh; tiềm năng, lợi thế được đánh thức, khai thác hiệu quả. Cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân Hà Tĩnh đang đổi thay nhanh chóng. Quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Mảnh đất Thành Sen - nơi vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, đang phát triển nhanh, toàn diện trên các mặt. Từ một thị xã nhỏ bé, nay được công nhận đô thị loại 2. Diện mạo thành phố Hà Tĩnh ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Hà Tĩnh - mảnh đất của những mạch nguồn văn hóa được kết tinh, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, mảnh đất của địa linh nhân kiệt, mảnh đất của truyền thống cách mạng.

Từ khi có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, những truyền thống tốt đẹp của quê hương Hà Tĩnh lại được phát huy mạnh mẽ, tạo thành sức mạnh to lớn, góp phần cùng Nhân dân cả nước giành thắng lợi vĩ đại trong các cuộc cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh đã đạt được trong suốt chặng đường 65 năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới, Hà Tĩnh cần phải xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh, bền vững. Với tinh thần dựa vào nội lực như con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên, Hà Tĩnh cần nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, biến truyền thống đoàn kết, văn hóa thành nguồn lực, biến di sản thành nguồn tài nguyên để thực hiện hiệu quả lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng khảo sát mỏ sắt Thạch Khê

Trước đó, sáng ngày 11/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đã đến khảo sát tại khu vực moong mỏ sắt Thạch Khê (xã Thạch Khê).

Thông tin nhanh tại chuyến khảo sát, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện dự án đang tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó, chưa đủ điều kiện tin cậy để khai thác, nhất là từ độ sâu -145m đến -550m; lý do có thể xảy ra thảm họa bất ngờ gây tụt bờ moong mỏ khi khai thác xuống sâu từ - 145m.

Dự án còn có nhiều nguy cơ như: tụt nước ngầm, sa mạc hóa; đổ nước thải ra biển gây ô nhiễm; tác động biến đổi khí hậu, bão, nước dâng,... Quá trình vận chuyển sản phẩm dự án bằng đường bộ khó khả thi, gây ô nhiễm trong khi khu vực mỏ là biển ngang, chưa có chi phí xây dựng cảng.

Ngoài ra, dự án cũng ảnh hưởng đến phát triển du lịch – đô thị biển hiện hữu, ảnh hưởng đến môi trường, thủy hải sản, việc làm, đời sống người dân trên địa bàn...

Qua nghe báo cáo, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hiện đang xuất hiện ý kiến trái chiều giữa lợi ích kinh tế từ dự án và quy hoạch phát triển du lịch, đời sống người dân địa phương. Do đó, cần phải có sự tính toán theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai dự án phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi. Sau đánh giá, trường hợp có lợi thì tổ chức triển khai, nếu chưa có lợi thì dừng lại và tiếp tục nghiên cứu.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, việc này phải sớm có quyết sách đúng đắn để ổn định đời sống dân cư địa phương. Quyết sách này phải đảm bảo cơ sở khoa học và hợp lòng dân.

Anh Bình