12/12/2024 lúc 21:48 (GMT+7)
Breaking News

Hà Tĩnh: Sản phẩm OCOP – đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn

Hà Tĩnh xác định xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Thực tế đã chứng minh, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng, khẳng định uy tín với người tiêu dùng, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh kiểm tra, thẩm định các sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao

Nâng hạng sản phẩm OCOP - “chìa khóa” mở rộng thị trường

Tháng 10/2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh Hà Tĩnh đã công nhận thêm 8 sản phẩm của 8 chủ thể đạt chuẩn OCOP 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP 4 sao của Hà Tĩnh lên 14 sản phẩm. Đây là niềm vui lớn đối với các chủ cơ sở sản xuất bởi những nỗ lực trên chặng đường nâng hạng sản phẩm OCOP đã được đền đáp xứng đáng. Sản phẩm OCOP 3 sao được nâng cấp lên 4 sao là “tấm thẻ bài” để họ mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và tham gia xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Sau khi nâng hạng 4 sao, HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm đã nhận thêm nhiều đơn hàng.

Ông Lê Văn Duẩn – Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm phấn khởi: “Từ khi sản phẩm được nâng hạng lên OCOP 4 sao cấp tỉnh, đơn hàng trong tháng 10 này đã đạt trên 800.000 bánh (tăng hơn 200.000 bánh so với tháng 9/2024), đưa tổng sản lượng tiêu thụ 10 tháng năm 2024 tăng trên 20% so với 10 tháng năm 2023".

Được biết, những tháng cuối năm, HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm nỗ lực để đạt mục tiêu sản xuất 5,5 triệu bánh, doanh thu 8 tỷ đồng. Đặc biệt, việc nâng hạng sản phẩm là tiêu chuẩn quan trọng để đơn vị từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ và một số nước châu Âu.

Thời điểm này, HTX Mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm, Hương Sơn) cũng đang tập trung cho công tác chế biến sản phẩm theo dây chuyền công nghệ để đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường dịp cuối năm.

Sản phẩm của HTX Mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm, Hương Sơn) đạt chuẩn OCOP 4 sao

Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga chia sẻ: “Mật ong Cường Nga vừa được công nhận đạt chuẩn 4 sao cấp tỉnh đã giúp nâng tầm sản phẩm, đơn hàng của HTX không ngừng gia tăng giai đoạn cuối năm. Tính riêng trong tháng 10/2024, sản lượng xuất ra thị trường tăng trưởng hơn 30% so với tháng 9/2024. Theo đó, 10 tháng năm 2024, chúng tôi đã xuất ra thị trường trên 7.000 lít mật ong, doanh thu trên 2,8 tỷ đồng. Từ nay đến tết Nguyên đán 2025, HTX dự kiến tiêu thụ trên 7.000 lít mật ong, nâng tổng doanh thu năm 2024 gần 6 tỷ đồng”.

Sau 5 năm thực hiện, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" trên địa bàn Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá, công nhận 354 sản phẩm, trong đó 254 sản phẩm có hiệu lực chứng nhận OCOP, gồm 14 sản phẩm 4 sao và 240 sản phẩm 3 sao.

Nhờ đầu tư chế biến sâu, sản phẩm nhung hươu Hương Sơn (Hà Tĩnh) được Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn nâng tầm giá trị và trở thành sản phẩm xuất khẩu đầy tiềm năng

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình - phụ trách bộ phận OCOP (Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh), tín hiệu đáng mừng là các sản phẩm sau khi đạt chuẩn đều tăng trưởng nhanh; doanh số bán hàng bình quân tăng 40%, thậm chí có những sản phẩm tăng 2 – 4 lần so với trước đó; nhiều sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn và dần khẳng định được thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước.

Nhiều sản phẩm OCOP Hà Tĩnh tham gia các hội chợ trong nước, được người tiêu dùng đánh giá cao

Đột phá hiệu quả trong phát triển kinh tế nông thôn

Hà Tĩnh xác định cốt lõi trong xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người dân, trong đó chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem giải pháp đột phá của mục tiêu đó. Thực tế, đầu tàu OCOP đã mang lại nhiều khởi sắc cho NTM khi thu nhập của người dân tham gia chương trình từng bước được nâng cao.

Chị Tô Thị Hương – chủ cơ sở sản xuất Miến gạo Hương Tâm (thôn Trung Trinh, xã Việt Tiến) phấn khởi chia sẻ: “Cơ sở sản xuất các loại bún, miến của chúng tôi thành lập vào năm 2016 với quy mô nhỏ lẻ, sản lượng mỗi ngày chỉ xấp xỉ trên dưới 1 tạ, doanh thu ít. Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, sau khi mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư máy móc hiện đại, tham gia vào chương trình OCOP với sản phẩm “Miến gạo Hương Tâm” đạt tiêu chuẩn 3 sao, doanh thu của cơ sở tăng gấp 2 lần, bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất trên 144 tấn miến, doanh thu trên dưới 2 tỷ đồng...”.

Nhờ chương trình OCOP, sản phẩm nước mắm Hà Tĩnh đã vươn xa ra thị trường các tỉnh trong cả nước

Thời gian qua, chương trình OCOP được triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả nhất định. Các địa phương đã khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa, tạo ra sinh kế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Theo thống kê, có hơn 2.000 lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở OCOP với mức lương 4-6 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động gián tiếp. Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm OCOP ngày càng được mở rộng. Một số mặt hàng trước đây chỉ bán trong xã, trong huyện hiện đã tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt có 6 sản phẩm xuất khẩu sang các nước, gồm: bánh ram Anh Thu (Hàn Quốc), bánh ram Nam Chi (Hàn Quốc), cu đơ Bà Hường (New Zealand), bánh đa vừng Nguyên Lâm (Nga, Nhật Bản), sứa Mai Dung (Nhật Bản), nước mắm Luận Nghiệp (Nga, Australia).

Ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, chương trình OCOP với những cách làm bài bản, sáng tạo, hiệu quả đang góp phần đưa lại diện mạo mới cho NTM Hà Tĩnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện, ngày càng văn minh, hiện đại, giàu có hơn. Trong xu thế hiện nay, chương trình OCOP sẽ là trụ cột trong phát triển kinh tế nông thôn.

Tại các cơ sở sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn OCOP đã tạo việc làm cho nhiều lao động trong vùng với mức lương 4-6 triệu đồng/người/tháng

Để chương trình OCOP đi vào chiều sâu, Văn phòng NTM tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa. Cùng đó, các cấp, ngành sẽ tư vấn, hỗ trợ các cơ sở OCOP mở rộng quy mô sản xuất, đạt tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu. Tổ chức liên kết sản xuất giữa các cơ sở OCOP có cùng loại sản phẩm tiềm năng để dần hình thành và xây dựng thương hiệu lớn, thương hiệu tập thể.

Anh Bình – Bảo Châu

...