14/09/2024 lúc 11:15 (GMT+7)
Breaking News

Hà Tĩnh: Điểm sáng về chuyển đổi số trong chương trình OCOP

Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu hiện nay trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhất là trong bối cảnh phải đối diện với “thách thức kép” - vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ở Hà Tĩnh, việc áp dụng CĐS cũng được xem là xu thế tất yếu trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Là giải pháp quan trọng để các sản phẩm OCOP nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị; góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Ông Phạm Văn Thành - PCT UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các đại biểu tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã gần 100 sản phẩm và công tác tham gia gian hàng của tỉnh Hà Tĩnh tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh, hè 2022.

Từ xu thế tất yếu của chuyển đổi số

Trên bình diện chung, CĐS thực hiện với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Để thực hiện thành công chương trình này, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2022 để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động.

Thực hiện chủ trương chung và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18/02/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 424/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025” nhằm hướng đến thực hiện toàn diện mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, thực hiện thành công Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp; góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có kinh tế phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, chính trị ổn định.

Nằm trong chủ trương chung của tỉnh về CĐS, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bao gồm OCOP, đang ngày càng đi vào chiều sâu trong việc thực hiện CĐS, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình.

Đến chuyển đổi số trong chương trình OCOP

Một trong những thành tựu của Hà Tĩnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng Nông thôn mới (NTM) những năm qua là Chương trình OCOP. Tuy vậy, OCOP Hà Tĩnh vẫn còn những khó khăn, nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, gây nhiều trở ngại cho việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thực tế đó đòi hỏi phải đưa các sản phẩm OCOP tiếp cận với nền thương mại điện tử và công nghệ 4.0 nhằm mở rộng kênh phân phối, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Điều đó càng khẳng định CĐS là một xu hướng tất yếu không thể không thực hiện.

Được sự lãnh đạo của UBND tỉnh, sự phối kết hợp của các ban, ngành trong Tỉnh, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh là cơ quan trực tiếp tổ chức, điều hành quá trình thực hiện CĐS trong Chương trình OCCOP. Văn phòng coi trọng công tác tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về CĐS, ứng dụng công nghệ số cho các chủ thể có sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Trong cả hành trình, Hà Tĩnh đã tích cực đưa vào ứng dụng các tiến bộ KHCN; Xây dựng cơ sở dữ liệu NTM với một số tiện ích như: Kiểm tra thông tin cơ bản về kết quả thực hiện NTM, OCOP của tỉnh; Phát hành thông tin về sản phẩm OCOP thông qua quét mã QR; Cập nhật thông tin lô sản xuất; Hiển thị thông tin cơ sở sản xuất trên bản đồ số… Nhờ vậy, đến nay Hà Tĩnh là một trong những tỉnh tiên phong trong việc thực hiện CĐS nói chung và CĐS trong chương trình OCCOP nói riêng. Tỉnh đã xây dựng được các phần mềm quản lý dữ liệu, phần mềm đánh giá, phần mềm truy xuất sản phẩm… cùng với trang điện tử của Hà Tĩnh có tên miền: Ocophatinh.com.

Hơn 200 đại biểu là cán bộ phụ trách OCOP cấp huyện và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP thuộc các huyện, thành phố, thị xã tham gia tập huấn chuyển đổi số trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm

Cũng nhờ có sự đóng góp tích cực của CĐS nên sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Hà Tĩnh đã có 249 sản phẩm của 193 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 14 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 235 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao… Tất cả đều trên nền tảng đảm bảo tính minh bạch trong đánh giá sản phẩm; Tiết kiệm chi phí cho cơ sở sản xuất; Cải thiện được nhược điểm trong công tác quản lý theo phương thức thủ công (như lãng phí khối lượng tài liệu lớn để lưu trữ, hoạt động; không bảo quản được hồ sơ lâu dài; không đảm bảo được tính chính xác…); Giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm một cách nhanh chóng thông qua các phần mềm; Việc truy xuất bằng công nghệ Blockchain sẽ đảm bảo thông tin sản phẩm không bị thay đổi; giúp người tiêu dùng luôn tiếp cận được thông tin chínhh xác về sản phẩm; Hỗ trợ người quản lý cơ sở dễ dàng thực hiện các công tác như giao việc, kiểm tra quy trình làm việc của nhân viên…

Để nâng cao hiệu quả của công tác chuyển đổi số trong chương trình OCOP, Hà Tĩnh đang bổ sung và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thiết thực, như: Xây dựng phần mềm dùng chung cả nước; Kết nối với các sàn thương mại điện tử toàn quốc, thực hiện đồng bộ sản phẩm lên các sàn; Tập huấn, tuyên truyền rộng rãi cho người dân về chuyển đổi số… Những nỗ lực triển khai tương đối đồng bộ các giải pháp trong thực hiện CĐS đã tạo được nền tảng mới cho sự phát triển.

Mặc dù trong 2 năm qua dịch bệnh gây ra nhiều cản trở trong kinh doanh, nhưng nhờ thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả, trong đó có CĐS, nên nhiều cơ sở sản xuất dù không đưa sản phẩm đi quảng bá trực tiếp được nhung doanh số bán hàng vẫn tăng cao, tiêu biểu như: Nhung hươu Hiền Ngọc, Mật ong Cường Nga, Nước mắm Phú Khương, Nước mắm Luận Nghiệp, Cam giòn Xuân Hoà Thượng Lộc, Bánh Ram Anh Thu, Bánh đa vừng Nguyên Lâm, Trầm Hương Tâm Thiên Hương.v.v…

Là một tỉnh đã và đang có những bứt phá trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, Hà Tĩnh rất coi trọng công tác CĐS, trong đó có CĐS trong chương trình OCOP. Tất cả sẽ góp phần tích cực đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có kinh tế phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, chính trị ổn định.

Nguyệt Hằng 

...