Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng thành phố trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trên một số lĩnh vực.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội - cho biết: Hà Nội đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Mô hình Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo.
Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Cùng với đó, trên địa bàn thành phố có 80% trường đại học, viện nghiên cứu, 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 65% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ khoa học và tiến sỹ của cả nước.
Qua đây cho thấy thị trường KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Các sản phẩm KH&CN thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. Bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.
Thành phố triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ… Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ được nâng lên. Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ và hạt nhân, thông tin, thống kê KH&CN có nhiều tiến bộ, từng bước hội nhập quốc tế.
Các mục tiêu cụ thể được đưa ra sẽ được Hà Nội phấn đấu thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng TP. Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước; tiến tới nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu cơ bản về toán, vật lý và y học; đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (data science) và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G; phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố khoa học quốc tế; dẫn đầu cả nước về hình thành, phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng và phát triển thương hiệu Hà Nội.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu là đầu tầu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ.
Bên cạnh đó, phấn đấu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045; trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; là một trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á. Đồng thời, Hà Nội cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tiếp tục xây dựng thành phố thông minh.
TP. Hà Nội cũng đặt ra các chỉ tiêu cụ thể gồm: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 7-7,5%; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản nông nghiệp trên 70%; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%; tối thiểu 40% sản phẩn gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế, tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.