15/01/2025 lúc 21:35 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội sẽ loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong nhằm bảo vệ môi trường

VNHN - Việc sử dụng bếp than tổ ong là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí những ngày qua ở Hà Nội. Trong khi đó, Hà Nội cũng đã xác định lộ trình hỗ trợ người dân loại bỏ bếp than tổ ong đến hết năm 2020.

VNHN - Việc sử dụng bếp than tổ ong là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí những ngày qua ở Hà Nội. Trong khi đó, Hà Nội cũng đã xác định lộ trình hỗ trợ người dân loại bỏ bếp than tổ ong đến hết năm 2020.

Người dân than thở bếp than tổ ong gây ô nhiễm

Sống gần 4 quán ăn trên phố Duy Tân - nơi tập trung nhiều văn phòng làm việc, ông Nguyễn Văn Hùng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho biết, nhà của ông, cũng như một số gia đình hàng xóm bị ô nhiễm vì khói than tổ ong của những nhà bán hàng ăn. Theo đó, mỗi sáng từ 4-5h sáng có 7-10 bếp than tổ ong thi nhau nhả khói, hơn 10h sáng lại có một loạt bếp than được nung để tiếp than cho bếp sáng; đến chiều khoảng 4-5h lại gần chục bếp than hoạt động, nấu nguyên liệu cho ngày sau. "Nhà tôi phải chịu đựng hàng xóm đun bếp than tổ ong, rất khổ, không dám mở cửa vì khói mùi than. Tôi rất mong, Hà Nội có thể cấm việc sử dụng bếp than càng sớm càng tốt", ông Hùng cho hay.

Hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong

Bất kể một góc phố, ngõ hẻm nào ở Hà Nội đều có sự hiện diện của bếp than tổ ong, đặc biệt tại một số khu vực tập trung đông dân cư như khu nhà tập thể cũ, chợ tạm, chợ cóc, quán nước, hàng ăn. Thậm chí, có hộ dân còn mang bếp tổ ong ra cả vườn hoa, đường phố để nhóm bếp, khói bay mù mịt. Trong buổi họp báo bàn về các giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát chất lượng không khí tại các đô thị lớn do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là người dân sử dụng bếp than tổ ong quá nhiều. Hà Nội, hiện có hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong. "Tôi không ngờ con số lại lớn như vậy", Bộ trưởng phải thốt lên khi phân tích về việc than tổ ong là nguồn gây ô nhiễm không khí, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng bếp than tổ ong, thay vào đó dùng các bếp khác ít gây ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng vừa ký ban hành chỉ thị về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội xác định lộ trình đến ngày 31.12.2019, các quận, huyện phải tổ chức thông báo đến mọi tầng lớp dân cư, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong, làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Sau thông báo về chủ trương về loại bỏ sử dụng bếp than tổ ong, các cơ quan, đơn vị, quận, huyện triển khai các biện pháp hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi từ sử dụng than và bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng; thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý và kiểm soát, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trước ngày 31.12.2020.

Người dân than thở vì bếp than gây ô nhiễm.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo để đảm bảo đầu năm 2021 không còn việc sử dụng than tổ ong trên địa bàn. Tuy nhiên, với tình hình thực tế hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này sẽ rất khó thực hiện. Ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, qua khảo sát cho thấy, tại các hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong, có nhiều trường hợp mắc bệnh hô hấp và tim mạch.

Bởi lẽ, khi đốt than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi (trong đó có bụi mịn PM2.5) và khí/hơi thải khác (CO2, CO, SO2, PAHs…). Những độc tố này không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức mà sau thời gian dài mới phát bệnh. Các chất ô nhiễm phát sinh từ quá trình đốt than tổ ong chủ yếu gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn. Người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với CO và PM2.5 thông qua 3 con đường là hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa. Đặc biệt, quá trình đốt than ở trong không gian kín (trong nhà) sẽ khiến người đun nấu rơi vào nguy cơ rủi ro cho sức khỏe do hít phải khí CO và bụi PM2.5 cao hơn khi đốt than tổ ong ở bên ngoài.