18/01/2025 lúc 17:50 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội khởi công tuyến đường trên cao trị giá 9500 tỷ

VNHN - Đường vành đai 2 (trên cao và phía dưới) đi qua 4 quận là Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2020.

VNHN - Đường vành đai 2 (trên cao và phía dưới) đi qua 4 quận là Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2020.

Ngày 22/4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Theo Hanoimoi.vn, tuyến đường bộ trên cao được xây mới hoàn toàn gồm 1 cầu chính và 3 cầu dẫn nối từ các điểm là Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Tổng chiều dài toàn tuyến là 5,1km, rộng 19m, có 3 vị trí lên xuống với bề rộng cầu là 17m. Tuyến đường được thiết kế hệ thống chiếu sáng, thoát nước, tường chống ồn, hệ thống biển báo.

Phần đường phía dưới đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng được thực hiện mở rộng với mặt cắt từ 53,5m - 63,5m theo chỉ giới đường đỏ đường vành đai 2 với tổng chiều dài 3,1km.

Sau khi được mở rộng, đường vành đai 2 có quy mô 8 làn xe (6 làn dành cho xe cơ giới và 2 làn xe dành cho xe thô sơ), có dải phân cách rộng 4m ở giữa và vỉa hè rộng từ 4 - 6m mỗi bên...

Đường vành đai 2 (trên cao và phía dưới) đi qua 4 quận là Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với tổng mức đầu tư gần 9500 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4194 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2020.

Giai đoạn 1 từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở có thể thi công trong vòng 15 tháng với điều kiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được lấy từ ngân sách thành phố.

Chi phí chuẩn bị đầu tư và thi công xây dựng dự án do Tập đoàn Vingroup đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Trước đó, thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương cho phép Tập đoàn Vingroup ứng trước kinh phí 1.000 tỷ đồng (không tính lãi) để mở rộng đoạn đường từ chân cầu Vĩnh Tuy đến chân cầu Mai Động. Hiện tại, việc giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn tất.

Đây là dự án công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng của Hà Nội. Sau khi hoàn thành, hệ thống đường trên cao được xây mới kết hợp với đường dưới thấp được mở rộng sẽ giúp phân luồng và tăng khả năng lưu thông của các phương tiện từ phía Tây đến phía Nam và phía Đông của thành phố, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tuyến đường vành đai 2, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong khu vực và giải quyết ùn tắc giao thông đang tăng nhanh trong giai đoạn hiện nay.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đề nghị nhà đầu tư, tư vấn xác định đây là dự án tiêu biểu của thành phố nhằm triển khai bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Do vậy, nhà đầu tư cần chỉ đạo nhà thầu tổ chức thi công ngay sau khởi công nhằm hoàn thành dự án trong năm 2020. 

Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu, UBND các quận liên quan làm tốt công tác giải phóng mặt bằng từ nay đến cuối năm 2018, đẩy nhanh công tác tái định cư, di dời các công trình ngầm nổi. Các đơn vị Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và sở ngành tổ chức phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông khi triển khai công trình./.

Theo Văn Phòng Chính Phủ