09/01/2025 lúc 18:55 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội: Ngành Giáo dục tất cả vì quyền lợi của học sinh

Trước những khó khăn, thách thức phải đối mặt do đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục Thủ đô đã chủ động thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp, với quan điểm nhất quán: Học sinh tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học.

Trước những khó khăn, thách thức phải đối mặt do đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục Thủ đô đã chủ động thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp, với quan điểm nhất quán: Học sinh tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học.

Ảnh minh họa - Internet

Ngay từ trước khi năm học 2021-2022 bắt đầu, xác định dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ngành Giáo dục Thủ đô đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy, học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục, điều kiện thực tế của người học. Trong đó, phương án dạy, học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp, cho đến phương pháp dạy học, thiết bị, hạ tầng mạng internet, sách giáo khoa... Đáng chú ý, bản thân mỗi giáo viên cũng nỗ lực sáng tạo trong từng bài giảng, đồng thời chủ động trang bị các thiết bị công nghệ thông tin cần thiết để truyền đạt nội dung bài học dễ hiểu nhất đến với học sinh.

Cũng để tạo thuận lợi cho học sinh tiếp cận thuận lợi với hình thức học trực tuyến, ngành Giáo dục đã tinh giản nội dung dạy học với khối tiểu học; rút ngắn thời gian tiết học; dành thời gian làm quen hình thức học trực tuyến cho học sinh lớp 1… Đặc biệt, các chương trình “Máy tính cho em”, “Sóng và máy tính cho em”… đã và đang huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thiết bị học trực tuyến, mạng internet, bảo đảm quyền được học tập của mọi trẻ em.

Dù vẫn còn đó những khó khăn nhất định, nhưng ngành Giáo dục Thủ đô quyết tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để học sinh bị bỏ lại phía sau. Theo đó, trước mắt, ngành Giáo dục Thủ đô sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá sát sao quá trình dạy và học trực tuyến, qua đó phát huy, mở rộng những mô hình, phương pháp hiệu quả, đồng thời tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong thực tế. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ vừa phát động để hỗ trợ học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện học tập trực tuyến hiệu quả.

Trong thời gian này, vai trò của các nhà trường và đội ngũ giáo viên là rất quan trọng, quyết định phần lớn đến sự thành công hay không của cả năm học 2021-2022. Do vậy, trước mắt, các nhà trường cùng các giáo viên cần tiếp tục nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để bảo đảm việc dạy, học trực tuyến đạt hiệu quả, thông suốt. Nhằm bảo đảm chương trình, nội dung bài học trực tuyến, các nhà trường cần căn cứ tình hình thực tế của địa phương, gia đình học sinh để bố trí thời gian học tập phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, an toàn, tránh gây quá tải mạng internet. Song song, các nhà trường cần chuẩn bị kế hoạch vệ sinh, bảo đảm an ninh, an toàn trường, lớp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… để có thể đón học sinh trở lại trường học trực tiếp khi cơ quan thẩm quyền cho phép.

Đối với đội ngũ giáo viên là những người “đứng lớp”, cần tiếp tục sáng tạo trong mỗi bài giảng để tạo hứng thú cho học sinh học tập, nhất là với các em khối tiểu học. Đồng thời tìm kiếm, lựa chọn để bổ sung các phần mềm dạy học phù hợp, bảo đảm thầy, cô và học sinh có thể tương tác được với nhau nhiều hơn.

Các bậc phụ huynh cũng cần chung sức, đồng lòng cùng với ngành Giáo dục Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm quyền lợi học tập cho mọi học sinh.