23/12/2024 lúc 11:11 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội: Chưa chốt vị trí ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2

VNHN - Qua hơn 10 năm, với hàng trăm cuộc họp bàn, hội thảo và nhiều lần báo cáo, đến nay vị trí đặt ga ngầm C9 - Hồ Hoàn Kiếm thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo vẫn chưa thể thông qua bởi nhiều chuyên gia về kiến trúc bày tỏ sự lo ngại về việc ga ngầm này sẽ làm ảnh hưởng tới các di tích lịch sử, di sản văn hóa của Hà Nội.

VNHN - Qua hơn 10 năm, với hàng trăm cuộc họp bàn, hội thảo và nhiều lần báo cáo, đến nay vị trí đặt ga ngầm C9 - Hồ Hoàn Kiếm thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo vẫn chưa thể thông qua bởi nhiều chuyên gia về kiến trúc bày tỏ sự lo ngại về việc ga ngầm này sẽ làm ảnh hưởng tới các di tích lịch sử, di sản văn hóa của Hà Nội.

Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội một lần nữa khẳng định, vị trí đặt ga ngầm C9 - Hồ Hoàn Kiếm không ảnh hưởng đến di tích, không ảnh hưởng tới không gian văn hóa của Trung tâm Thủ đô.

Thậm chí, thiết kế của ga ngầm C9 và các cửa lên xuống giúp người dân, du khách thuận lợi trong việc tiếp cận khu phố cổ, di tích hồ Hoàn Kiếm, phục vụ người dân có phương tiện giao thông công cộng văn minh, hiện đại góp phần tổ chức lại giao thông, giảm ách tắc, ô nhiễm cải thiện môi trường cảnh quan.

Hà Nội chưa chốt vị trí ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2

Ông Minh khẳng định, dự án được thiết kế áp dụng các phương pháp thi công ga ngầm và tuyến hầm tiên tiến nhất hiện nay giảm thiểu tối đa, kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường và các công trình di tích trong quá trình thi công, đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn, an toàn các công trình di tích lịch sử.

Các phương án thiết kế, phương pháp thi công áp dụng cho dự án hiện đang rất phổ biến tại nhiều dự án Metro trên thế giới, khu vực, và vừa qua cũng đã được áp dụng thành công tại dự án tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên của TPHCM.

Cụ thể, tuyến hầm được thi công bằng máy khiên đào TBM cân bằng áp lực đất, triệt tiêu toàn bộ rung lắc, độ lún bề mặt rất nhỏ. Tại ví trí Tháp Bút, khả năng lún bề mặt chỉ từ 2 ~ 4 mm (rất nhỏ) không ảnh hưởng đến an toàn của tháp. Kết cấu vỏ hầm bê tông cốt thép dày 0,3 m, chống thấm, chịu lực cường độ cao sẽ không gây ra biến động, thay đổi cấu trúc địa chất và thủy hệ khu vực.

Bên cạnh đó, việc thi công ga ngầm bằng phương pháp đào từ trên xuống, kết hợp tường vây chống thấm nước (tường bê tông cốt thép dày 1,2 m). Quá trình thi công ga sẽ không có sự giảm sút mực nước ngầm để không ảnh hưởng đến hồ Hoàn Kiếm.

Vùng ảnh hưởng lún khi thi công ga giới hạn trong khoảng 34 m với độ lún, độ nghiêng bề mặt rất nhỏ nằm trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép để không ảnh hưởng đến các công trình di tích hồ Hoàn Kiếm, Tháp Bút, Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu và các công trình lân cận khác.

Đồng thời, thiết kế yêu cầu nhà thầu thi công phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo về trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan, an toàn thi công theo các chuẩn mực quốc tế và quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam.

Sau khi thi công xong ga, đường, hè phố Đinh Tiên Hoàng và công viên sẽ được hoàn trả nguyên trạng và sẽ thay thế hoàn toàn cửa hàng và nhà vệ sinh hiện tại bằng cửa lên xuống số 3 không mái che, cải thiện rõ nét cảnh quan, môi trường khu di tích.

Trong giai đoạn vận hành tàu mức ồn và rung động trong hầm sẽ nhỏ hơn 65 dB dưới ngưỡng tiêu chuẩn cho phép và giá trị đó còn giảm đi rất nhiều (bị triệt tiêu) trên bề mặt đất nền, do có vỏ hầm và lớp đất dày bao phủ bên trên đảm bảo không ảnh hưởng tới các công trình di tích và các công trình lân cận tuyến, trong đó có Tháp Bút, Đền Bà Kiệu.

Trước đó, hồi cuối tháng 8/2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có văn bản gửi UBTV Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo bởi lo ngaị ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, “không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm Thủ đô”. Thêm vào đó, quá trình thi công và vận hành đường ngầm hàng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại di tích, vi phạm điều cấm của Luật Di sản văn hóa…

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 2054/QĐ-UBND. Dự kiến, tổng mặt bằng chi tiết các hạng mục của dự án với quy mô: Chiều dài: 11,5 km. Lộ trình tuyến điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Điểm cuối trên đường phố Huế. Trong đó, có 7 ga ngầm: Ga C4 - ga Bưởi, ga C5 - ga Quần Ngựa, ga C6 -ga Bách Thảo, ga C7 - ga Hồ Tây, ga C8 - ga Hàng Đậu, ga C9 - ga hồ Hoàn Kiếm, ga C10 - ga Trần Hưng Đạo...

Được biết, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, do Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm đại diện chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt vào tháng 11/2008, theo tiến độ sẽ khai thác năm 2017.

Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được khởi công, mới hoàn thành thẩm tra thiết kế kỹ thuật, phê duyệt kết quả sơ tuyển 4 gói thầu xây lắp và hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu thiết bị, hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết khu bảo dưỡng và tổng mặt bằng trên cao.

Tháng 4/2018, UBND TP. Hà Nội vừa trình Thủ tướng việc điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2. Theo đó, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo được TP. Hà Nội phê duyệt đầu tư năm 2008, với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh đạt 35.678 tỷ đồng, tăng 16.123 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt ban đầu.

Có thể thấy, trong khi tuyến đường sắt đô thị số 2 được xác định là tuyến “xương sống” trong 10 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội thì việc chậm trễ lựa chọn vị trí ga ngầm C9 có thể ảnh hưởng đến tiến độ của toàn dự án, cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả vay vốn ODA./.

Theo Chinhphu.vn