Tại Hà Nam, công tác triển khai các kế hoạch hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới đã và đang được thực hiện tích cực nhằm từng bước thay đổi và nâng cao ý thức của mỗi người trong trách nhiệm bảo vệ môi trường sống. Ngày 3/6/2022, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm hành động vì môi trường năm 2022 nhằm tuyên truyền sâu rộng đến các cá nhân, tổ chức và cộng đồng về thiên nhiên, nâng cao ý thức của mọi người trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống.
Với quan điểm “Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, các chương trình phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của tỉnh đang được triển khai, hướng tới mục tiêu sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân. Hà Nam phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP nằm trong tốp đầu các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, có môi trường xanh – sạch – đẹp. Phóng viên (PV) Tạp chí Việt Nam hội nhập đã trao đổi với ông Hoàng Văn Long – Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam để làm rõ hơn về công tác Bảo vệ môi trường tại đây.
PV: Thưa ông,công tác Bảo vệ môi trường (BVMT) của tỉnh Hà Nam trong những năm qua được triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Hoàng Văn Long: Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã ban hành và tổ chức thực hiện các chỉ thị, chương trình, đề án, dự án cải thiện môi trường nhằm kiểm soát, ngăn chặn và hạn chế ô nhiễm không khí, nước mặt, chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường và khu vực công cộng. Tích cực xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra các khu sản xuất tập trung; cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu và xây dựng các khu đô thị mới với cơ sở hạ tầng đồng bộ, thân thiện với môi trường; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải tập trung. Cơ bản các Khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, các cơ sở sản xuất có công trình và biện pháp BVMT. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT được quan tâm, chú trọng.
PV: Hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm nay, tỉnh Hà Nam và đầu mối là Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai kế hoạch hoạt động như thế nào để công tác BVMT mang lại những kết quả thiết thực, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Long: Để công tác BVMT mang lại những kết quả thiết thực, tỉnh Hà Nam đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, thường xuyên giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp về công tác BVMT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Phát động các phong trào, hành động thiết thực BVMT trong cộng đồng dân cư như: giảm ô nhiễm trong chăn nuôi, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu và tái sử dụng chất thải rắn, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế dùng túi ni lông, tích cực trồng cây xanh…Tổ chức các hội thảo, chia sẻ giải pháp, kịp thời động viên khen thưởng các cá nhân, tập thể, tổ chức… có đóng góp tích cực trong công tác BVMT. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án môi trường, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý tài nguyên, xử lý chất thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan, chú trọng hợp tác quốc tế trong BVMT. Tập trung xử lý những điểm nóng về môi trường trong Tỉnh như khu vực phía Tây sông Đáy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ…
PV: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dân là nội dung trọng tâm cho các chính sách BVMT khác. Sở TNMT Hà Nam đã có những giải pháp như thế nào để thực hiện mục tiêu đó, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Long: Sở TNMT Hà Nam đã có những giải pháp cụ thể như yêu cầu các nhà máy xi măng phải lắp máy quan trắc tự động, hệ thống thu nhiệt phát điện, tiến tới xây nhà bao che; đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không để ô nhiễm môi trường bằng các biện pháp như phun nước dập bụi trong quá trình nghiền sàng, trồng cây xanh và có nghĩa vụ đóng góp cho hoạt động tưới nước rửa đường… Khẩn trương có những phương án di dời những hộ dân bị ảnh hưởng ra khỏi vùng ô nhiễm, xây dựng Đề án tổng thể khắc phục ô nhiễm môi trường phía Tây sông Đáy, sông Nhuệ. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường ĐT 494C, ĐT 495C để đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải, giảm thiểu khói bụi ô nhiễm. Sở TNMT là cơ quan tham mưu, hướng dẫn về mặt chuyên môn cho người dân và các tổ chức cá nhân thực hiện các biện pháp BVMT như tổng vệ sinh, trồng cây, trồng hoa, phân loại rác thải…
PV: Ý thức bảo vệ môi trường của người dân Hà Nam hiện nay được được đánh giá như thế nào? Nhân ngày Môi trường Thế giới 5/6, ông gửi gắm điều gì tới bạn đọc Tạp chí Việt Nam hội nhập?
Ông Hoàng Văn Long: Theo tôi đánh giá, ý thức bảo vệ môi trường của người dân Hà Nam đã được nâng lên đáng kể. Từ các cháu nhỏ, hội thanh niên, hội phụ nữ các làng xã… rất hào hứng với những buổi tổng vệ sinh môi trường sống, trồng cây xanh. Nhiều địa phương như Kim Bảng, Bình Lục… đã có ngày truyền thống toàn dân bảo vệ môi trường. Các hộ kinh doanh ở một số làng nghề cũng chú trọng đến công tác BVMT, sẵn sàng trích một phần lợi nhuận để đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải. Nhân ngày Môi trường thế giới sắp tới, tôi mong muốn công tác tuyên truyền BVMT diễn ra thường xuyên hơn nữa, chúng ta hãy chung tay bảo vệ tương lai của chính mình từ những điều nhỏ nhất như hạn chế dùng túi ni lông, thay vào đó nên sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường, không xả rác bừa bãi và tạo thói quen phân loại rác thải… Hãy cùng lan tỏa thông điệp “Chỉ một Trái đất” để chúng ta và thế hệ con cháu sau này được phát triển trong một môi trường trong lành, xanh – sạch – đẹp./.