12/10/2024 lúc 22:15 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao

Trong mối liên hệ với vùng thủ đô Hà Nội, Hà Nam được xác định trong vùng đối trọng phía Đông và Đông Nam có chức năng phát triển công nghiệp đa ngành. Tỉnh Hà Nam định hướng xây dựng quy hoạch để trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu vùng đồng bằng Bắc bộ về phát triển công nghiệp.
Hà Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao

Cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Nam trong những năm gần đây chuyển dịch theo hướng tăng mạnh tỉ trọng công nghiệp, giảm dần tỉ trọng ngành kinh tế nông nghiệp. Theo đó, ngành công nghiệp - xây dựng đã tăng từ 42,6% (năm 2010) lên 64,0% (năm 2020), trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 22,9% (năm 2010) xuống 9,7% (năm 2020). Năm 2021, ngành công nghiệp tuy chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng khá với điểm sáng là sự khởi sắc của các thị trường xuất khẩu quan trọng (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông). Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. GRDP ước đạt 41.430 tỷ đồng, tăng 8,85%; thu cân đối ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt gần 14.000 tỷ đồng (vượt dự toán Trung ương và kế hoạch của tỉnh).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX xác định, giai đoạn 2021 – 2025, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Trong giai đoạn đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 12.6%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt trên 213 tỷ đồng; tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh là 56.5%. Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng 30%, công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 20%, công nghiệp chế tạo, lắp ráp chiếm tỷ trọng 23.5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 25%. Đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật cao hơn, Hà Nam sẽ chủ động, tích cực chuẩn bị hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hiện đại, đồng bộ, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao... tạo môi trường hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư, lao động đến làm việc tại tỉnh.

Hà Nam hiện có 8 Khu công nghiệp với tỉ lệ lấp đầy đạt trên 80%

Hà Nam đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Theo đó, cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội đối với phát triển công nghiệp; chính quyền các cấp cũng có sự vào cuộc quyết liệt nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện vị trí Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Thường xuyên duy trì các kênh đối thoại với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư trên cơ sở kế thừa và có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, quy hoạch đối với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các khu công nghiệp mới, tăng cường quản lý thu hút đầu tư. Theo dự thảo hồ sơ quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có, Hà Nam dự kiến thành lập mới 14 khu công nghiệp với quy mô tổng diện tích khoảng 3.465 ha, thành lập mới 14 cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 805 ha.

Doanh nghiệp tại Hà Nam ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất

Tỉnh cũng huy động các nguồn lực tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng logistics, các công trình, dự án giao thông kết nối các khu công nghiệp, hạ tầng cảng thủy nội địa,... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ, cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hoàn thành, đưa vào hoạt động Dự án Cụm cảng Yên Lệnh Hà Nam. Tập trung thu hút nhà đầu tư các dịch vụ sản xuất công nghiệp, dịch vụ phục vụ đời sống, văn hóa tinh thần của người lao động như: nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các công trình công cộng, phúc lợi xã hội...

Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp; Quan tâm, chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; quy hoạch, tạo quỹ đất để phát triển đa dạng các loại hình nhà ở để thu hút công nhân, người lao động nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề về làm việc, sinh sống tại tỉnh.

Dự án nhà ở xã hội được HUD đầu tư tại Khu CN Đồng Văn trong thời gian tới sẽ góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động.

Với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, Hà Nam đang tạo ra bước chuyển tích cực trong phát triển công nghiệp, gắn với chuyển giao công nghệ, thu hút lao động chất lượng cao. Đồng thời, sẽ là tiền đề thuận lợi để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025; góp phần đưa Hà Nam trở thành một trong các trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước về công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu vùng đồng bằng Bắc bộ về phát triển công nghiệp.

Như Thiệp