Trong những ngày qua, chùa Ninh Tảo (Thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã long trọng tổ chức đại lễ Phật đản - Phật lịch 2566 dương lịch 2022, thu hút sự tham gia của hàng nghìn tăng ni, Phật tử tại địa phương cũng như các tỉnh thành lân cận. Lễ khai mạc hội hoa đăng, lễ cung nghinh thánh tượng và chương trình ca nhạc nghệ thuật Phật giáo đều đã diễn ra trong niềm hân hoan của nhân dân và Phật tử gần xa. Tất cả mọi người đều cầu chúc cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dịch bệnh tiêu trừ, gia đình an vui hạnh phúc. Chương trình đại lễ sẽ được nối dài hết tối ngày Rằm tháng tư với nghi lễ tắm Phật, khép lại tuần lễ hoa đăng kính mừng Phật đản trong niềm phúc lạc của những người con Phật.
Cũng trong không khí hân hoan kính mừng Lễ Phật đản, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đã đến thăm, tặng hoa và chúc mừng Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Chủ tịch GHPG Việt Nam tỉnh Hà Nam; chúc mừng các chư vị giáo phẩm, hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư, chư tôn đức, tăng ni cùng nhân dân trong Tỉnh đón Đại lễ Phật đản an lạc, hoan hỉ.
Sự chú ý còn được hướng về chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao – huyện Kim Bảng), khi công tác chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản tại đây đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến đón tiếp hàng ngàn chư tôn, đức tăng ni Phật tử về chiêm bái. 3 năm – sau khi đăng cai thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019 với sự tham dự của hơn một trăm quốc gia trên thế giới, Lễ phật đản 2022 chùa Tam Chúc tiếp tục mang đến cho Phật tử, du khách thập phương gần xa nhiều hoạt động đặc sắc. Đó là lễ diễu hành xe hoa hoành tráng với 60 chiếc xe điện, hứa hẹn tái hiện một cách sống động không khí hân hoan ngày Đức Thế Tôn giáng trần hơn 2.600 năm trước; là lễ hội hoa đăng lung linh huyền ảo, tượng trưng cho ánh sáng của từ bi và trí tuệ… Buổi lễ sẽ được tổ chức long trọng sau 2 năm trầm lắng vì dịch bệnh với sự xuất hiện của sân khấu lớn tại Tam Quan Nội. Đặc biệt, nhằm mục đích lan tỏa tinh thần Phật đản đến mọi tầng lớp nhân dân, chùa Tam Chúc sẽ miễn phí toàn bộ thuyền và phương tiện vận chuyển tham quan từ 14h đến 23h ngày 15/5, đồng thời tặng 10.000 suất ăn chay và hoa đăng cho du khách và Phật tử thập phương khi tới dự lễ.
Sự khác biệt trong công tác tổ chức Đại lễ Phật đản năm nay của chùa Tam Chúc được Thượng tọa Thích Minh Quang – Phó Trụ trì thường trực Chùa Tam Chúc và Chùa Bái Đính chia sẻ: “Chương trình Đại lễ Phật đản năm nay sẽ được tổ chức tại Tam Quan Nội, với một không gian rộng lớn, nhìn ra hồ Tam Chúc… Chương trình năm nay ngoài văn nghệ kính mừng Phật đản còn có chương trình hoa đăng. Sẽ có hàng vạn hoa đăng ở Tam Chúc để cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa…”
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, tất cả những hoạt động trong khuôn khổ Đại lễ như một lời chúc chư tôn thiền đức, quý đạo hữu Phật tử, nhân dân xa gần một mùa Phật đản bình an, tràn đầy năng lượng và niềm hỷ lạc trong ánh từ quang của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Cùng với cảnh sắc sơn thủy hữu tình, những chương trình được chuẩn bị công phu, Lễ Phật đản tại chùa Tam Chúc nói riêng và quê hương Hà Nam nói chung sẽ mang tới cho du khách thập phương ấn tượng khó phai về một mùa Phật đản hân hoan, hạnh phúc và an vui…
Ngày Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo). Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày Rằm tháng tư, để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.
Theo truyền thống Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày Rằm tháng 4 âm lịch, Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật... để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau.
Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.