Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, cải cách TTHC, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính giai đoạn 2021 - 2025, trong thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã tích cực triển khai các Đề án, Kế hoạch trên cơ sở bám sát nhiệm vụ trọng tâm CCHC của tỉnh năm 2022. Theo đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; các TTHC đã được đơn giản hóa, ban hành mới, quy trình giải quyết áp dụng theo Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN IS0 9001:2015. Song song với đó, Hà Nam đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công - Kiểm soát TTHC tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí; đồng thời kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, đầu tư, xây dựng và thuế. Trung tâm Phục vụ hành chính công - Kiểm soát TTHC tỉnh đã thực hiện tốt vai trò là đầu mối tiếp nhận và phối hợp giải quyết các TTHC của tỉnh nhanh, gọn và hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đều đăng ký tiếp nhận 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, UBND tỉnh Hà Nam kiện toàn Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam (Quyết định số 1860/QĐ-UBND ngày 29/10/2021). Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả xếp hạng chuyển đổi số (DTI - bao gồm 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tháng 8/2022, tỉnh Hà Nam xếp vị trí thứ 28/63 tỉnh, thành phố.
Công tác xây dựng chính quyền số tại địa phương đạt được những kết quả nổi bật như: Các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đều có mạng cục bộ và kết nối Internet; cấp 2.620 chứng thư số cho tổ chức và cá nhân lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị; Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đảm bảo liên thông được 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, Trung ương. Các cơ quan, đơn vị đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan, đơn vị; Hệ thống thư điện tử của tỉnh đảm bảo cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã; Triển khai hệ thống phòng họp không giấy tờ tại trụ sở UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; hệ thống báo cáo kinh tế xã hội tỉnh Hà Nam kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Triển khai Hệ thống hội nghị truyền hình: trang bị phòng họp trực tuyến từ UBND tỉnh với UBND cấp huyện; UBND cấp xã với UBND cấp huyện (tổng số 116 điểm cầu), có kết nối với Chính phủ.
Ngoài ra, cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam đã được cập nhật khá đầy đủ thông tin; trả lời kịp thời câu hỏi thắc mắc của người dân và doanh nghiệp. Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4. Tích hợp gần 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh hiện nay cập nhật đầy đủ các TTHC của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết TTHC, kết quả giải quyết TTHC. 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 56,5% (năm 2020 đạt 4,8%; năm 2021 đạt 26,3%). Tỉnh đã xây dựng Trung tâm điều hành thông minh, lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn, bước đầu đi vào hoạt động và đạt những kết quả nhất định.
Đáng chú ý, tỉnh Hà Nam đã tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện theo quy định; kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh; sắp xếp, giải thể đối với đơn vị hoạt động kém hiệu quả. Tỉnh cũng đặc biệt chú ý vấn đề cải cách chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện CCHC, thực hiện quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học công nghệ; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính công của các đơn vị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam lên kế hoạch đưa các chỉ số: Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI), Năng lực cạnh tranh (PCI), Cải cách hành chính (PAR INDEX), Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) để người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, cùng giám sát các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu: tăng tối thiểu 20% việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đối với kết quả thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 50% Bộ phận Một cửa cấp huyện và 30% Bộ phận Một cửa cấp xã. Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và đất đai với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ việc giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp. Tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó). Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa xuống trung bình còn tối đa 30 phút/01 lần đến giao dịch.
Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Nam tiếp tục hướng đến những mục tiêu cao hơn trong giai đoạn 2023 - 2025 như: Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các Cơ sở dữ liệu quốc gia còn lại, tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công trong mỗi năm thêm 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100%. Tăng mỗi năm tối thiểu 30% cho đến khi đạt 100% quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã; 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó); 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/01 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/01 hồ sơ vào năm 2025.
Với quyết tâm lớn cùng việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng Nhân dân trong tỉnh, tin tưởng rằng tỉnh Hà Nam sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu đẩy mạnh công tác CCHC, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, huy động được mọi nguồn lực cho phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội./.