25/04/2024 lúc 09:16 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nam: Coi trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

VNHN - Là một tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và trong nôi văn hóa của người Việt cổ, trên vùng đất Hà Nam chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Đây cũng là vùng đất của những lễ hội truyền thống, những làng nghề nghìn năm tuổi; và trên nền tảng đó, Hà Nam cũng là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch… Để giữ gìn cội nguồn truyền thống ấy, Hà Nam luôn xác định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả

Là một tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và trong nôi văn hóa của người Việt cổ, trên vùng đất Hà Nam chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Đây cũng là vùng đất của những lễ hội truyền thống, những làng nghề nghìn năm tuổi; và trên nền tảng đó, Hà Nam cũng là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch… Để giữ gìn cội nguồn truyền thống ấy, Hà Nam luôn xác định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả cộng đồng trong tỉnh.

Một góc Hà Nam nhìn từ trên cao

Vùng quê văn hiến

Tuy là một tỉnh nhỏ, nhưng Hà Nam có mật độ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố dày đặc ở các xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh hiện còn 1.784 di tích thuộc đủ loại hình: 551 ngôi đình, 490 ngôi chùa, 306 ngôi đền, còn lại là các miếu phủ, văn chỉ, từ đường, trong đó 85 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, trên 100 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Di tích được phân bố đều khắp ở hơn 1.200 thôn, xóm. Trong số đó, nhiều di tích có kiến trúc quy mô, nghệ thuật chạm khắc độc đáo, tiêu biểu như: chùa Long Đọi Sơn có niên đại thời Lý, đền Trần Thương - dấu tích kho lương thời Trần, đình Chảy (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm), đền Trúc - Ngũ Động Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng), từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, đình Đồng Du Trung, đình Văn Xá, đình Hòa Ngãi, đình An Hòa, chùa Quế Lâm, chùa Bà Đanh... Bên cạnh đó, Hà Nam cũng có rất nhiều di sản văn hóa quý giá còn lại đến ngày nay:  Đã phát hiện 21 trống đồng của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, trong đó có trống đồng Ngọc Lũ - bảo vật quốc gia mà một phiên bản được trưng bày tại trụ sở Liên Hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ).

Cùng với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống quý báu, tỉnh Hà Nam đã từng bước xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều thiết chế văn hóa mới từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó phải kể đến Bảo tàng tỉnh Hà Nam hiện đang lưu giữ trên 4.000 hiện vật, tài liệu gốc; trong đó lưu giữ, bảo quản nhiều di vật, cổ vật có giá lớn, quý hiếm đã và đang từng bước đưa vào trưng bày phục vụ khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập và nghiên cứu.

Văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng cũng là một thế mạnh của văn hóa Hà Nam. Tiêu biểu là các di sản văn hóa phi vật thể như: Múa hát Dậm Quyển Sơn, múa hát Lải Lèn, hội vật võ Liễu Đôi, làng trống Đọi Tam, dệt lụa Nha Xá, sừng mỹ nghệ Đô Hai, hát Trống quân, nghề Đan Cót, vật cầu An Mông, nghề gốm Quyết Thành... Nhiều trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca đặc trưng, các làn điệu truyền thống đã được khôi phục như: hát Chèo (thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm), hát múa Lải Lèn làng Nội Chuối (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân), chiếu chèo làng Ngò (xã Đức Lý, huyện Lý Nhân), múa rối nước của thôn Nội Rối, múa rối cạn của thôn Chương Lương (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân)…Nghệ thuật sân khấu chèo cũng được lưu truyền khắp trong tỉnh, với nhiều chiếu chèo sân đình. Đặc biệt, nghi lễ Hầu đồng và múa hát Chầu văn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…

Những năm qua, việc phát huy giá trị các Di sản văn hóa phi vật thể và vật thể rất được các cấp và nhân dân trong tỉnh quan tâm, nhằm vừa gìn giữ, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là khách tham quan.

Tự hào con người Hà Nam

Truyền thống hiếu học, tài thông tuệ của người Hà Nam là một di sản quý. Trong thời phong kiến, kể từ khoa thi đầu tiên (năm 1075) đến khoa thi cuối cùng (năm 1918), Hà Nam có 53 người đỗ đạt tại 36 khoa thi. Nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), lớn lên và sinh sống ở thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.“Từ đường Nguyễn Khuyến” nằm tại thôn Vị Hạ - nguyên mẫu trong tác phẩm “Thu điếu” của nhà thơ, hiện nay là điểm tham quan du lịch khá hấp dẫn với du khách khi đến với Hà Nam.  Hà Nam cũng tự hào có Phạm Tất Đắc với tập “Chiêu hồn nước” bất hủ; Nam Cao – Nhà văn Liệt sỹ là một trong những người đầu tiên được giải thưởng Hồ Chí Minh do có cống hiến to lớn đối với sự nghiệp văn học nước nhà. Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sỹ Nam Cao tại thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân trưng bày văn nghiệp đồ sộ của cố nhà văn là một địa điểm được rất nhiều du khách ghé thăm khi đến Hà Nam.

Tinh thần yêu nước của người Hà Nam đã làm nên bề dầy truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm đáng tự hào. Trần Bình Trọng - người con của quê hương Bảo Thái (nay là xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm) mãi lưu danh trong sử sách với câu nói nổi tiếng: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vưong đất Bắc”. Quê hương Hà Nam tự hào có Nguyễn Hữu Tiến - người vẽ lá cờ Tổ quốc, bị địch bắt và bị xử bắn ngày 28-8-1941 cùng các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa là Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Vǎn Tần, Hà Huy Tập... Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, nhiều người con của quê hương đã anh dũng hy sinh như: 9 cô gái Phù Vân; 10 cô gái Lam Hạ…Miền "đất lành" Hà Nam cũng chính là nơi được Đại Hành Hoàng đế Lê Hoàn chọn làm nơi Tịch điền (Xuân Đinh Hợi năm 987), mở đầu một phong tục đẹp của dân tộc - coi trọng khuyến nông…

 Lễ hội Tịch Điền - Đọi Sơn được cấp bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Miền đất của những danh thắng và lễ hội đặc sắc

Trải qua thời gian, trên vùng đất Hà Nam đã hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc với nhiều danh thắng và lễ hội độc đáo. Đến với Hà Nam, du khách sẽ được hòa mình trong không gian yên bình của vùng đất đồng chiêm với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và độc đáo. Tiêu biểu như: Đền Trúc và Ngũ động Thi Sơn; Chùa Bà Đanh và Núi Ngọc; danh thắng Kẽm Trống; Hang Luồn – Ao Dong, Bát cảnh sơn...Đặc biệt, những năm gần đây, Hà Nam nổi lên trên bản đồ du lịch cả nước với Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc – địa điểm du lịch nổi tiếng với ngôi chùa được xem là lớn nhất thế giới, cùng cảnh quan và địa thế hiếm thấy, ẩn mình trong quần thể núi đá vôi độc đáo, phong cảnh nước non hữu tình, được ví như chốn bồng lai tiên cảnh.

Sự phong phú của lễ hội ở Hà Nam không chỉ là nét đẹp văn hoá dân tộc mà còn là một sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh hấp dẫn nhiều du khách tham quan. Vùng đất này phong phú lễ hội với gần 100 lễ hội làng xã, 6 lễ hội vùng gồm: Lễ hội đền Trần Thương (Lý Nhân), Lễ hội đền Lảnh Giang, chùa Đọi (Duy Tiên), Lễ hội đền Trúc (Kim Bảng), Lễ hội vật võ Liễu Đôi (Thanh Liêm), Lễ hội đình công đồng An Thái (Bình Lục), Lễ hội đền An Mông (Tiên Phong, Duy Tiên), Lễ hội đình Gừa (xã Liêm Thuận, Thanh Liêm), Lễ hội đền Trúc (xã Thi Sơn, Kim Bảng)…Đặc biệt là việc khôi phục thành công Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Duy Tiên), Lễ phát lương Đức Thánh Trần ở đền Trần Thương (Lý Nhân), cả hai đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Chùa Tam Chúc trong quần thể Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc

Tiềm năng cho phát triển du lịch

Được bao bọc bởi những dòng sông, địa hình Hà Nam được chia làm hai vùng rõ rệt: Vùng đồng chiêm trũng và dải đá trầm tích ở phía Tây. Vùng đồng bằng có nhiều đồi núi với cảnh quan đẹp, như Núi Đọi, núi Điệp ở Duy Tiên; núi An Lão (Nguyệt Hằng Sơn) ở Bình Lục; núi Non, núi Chanh Chè ở Thanh Liêm… Phủ Lý - Trung tâm của tỉnh là nơi hội tụ của 3 con sông: sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ (ngã ba sông). Ở trong dãy núi đá vôi phía Tây có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp đã đi vào thơ ca: Ngũ động sơn, hang Luồn - ao Dong, đầm Ngũ Nhạc, núi Ngọc, Bát cảnh tiên, dốc Cổng Trời, động Phúc Long, Kẽm Trống, hang Gióng Lở…Có thể kể đến những danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên vùng đất văn hiến này: Chùa Bà Đanh còn có tên là “Bảo Sơn Tự”, nằm bên dòng sông Đáy hiền hòa với không gian cổ kính cùng những dấu tích xưa trầm mặc linh thiêng. Bát Cảnh Sơn là khu di tích nằm trên tỉnh Hà Nam và một phần trên dãy Hương Tích (Hà Nội) tạo thành thế núi hình sông kỳ thú. Với cảnh quan thiên nhiên phong phú, với những dấu tích xưa còn lại, quần thể Bát Cảnh Sơn trở thành điểm du lịch sinh thái - văn hoá hấp dẫn của Hà Nam. Địa danh “làng Vũ Đại” đã đi vào lòng người từ bao thế hệ như một niềm tự hào dân tộc. Qua những thăng trầm của dòng thời gian, dù đã hơn 100 năm, chưa một lần tu sửa nhưng ngôi nhà vẫn giữ được những vẻ đẹp không thể phai mờ, nó đã tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay…

Cá kho Đại Hoàng – Món ăn đặc sản của Hà Nam.

Hơn 40 làng nghề truyền thống, với những sản phẩm được ưa chuộng trong nước và quốc tế, như lụa Nha Xá, mây giang đan Ngọc Động, trống Đọi Tam (Duy Tiên), gốm Quyết Thành (Kim Bảng), đồ sừng mỹ nghệ Đô Hai (Bình Lục)… Cùng sự phong phú của văn hóa ẩm thực, với sản phẩm gắn liền với nền nông nghiệp, như: chuối Ngự Đại Hoàng (loại chuối dùng để tiến Vua sau khi “ngự thiên”), cá kho Vũ Đại, bánh đa nem làng Chều (Lý Nhân), bánh chưng Đầm, bánh cuốn chả (thành phố Phủ Lý), cá trối Ba Sao (Kim Bảng), rượu Vọc (Bình Lục), rượu Bèo (Duy Tiên)… cũng là một trong những “điểm nhấn” trong hành trình du lịch Hà Nam.

Tạo hóa đã cho Hà Nam nhiều tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là phát triển du lịch một cách bền vững. Trong đó, chú trọng tới việc bảo vệ tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, văn hóa ứng xử trong các cơ sở kinh doanh du lịch, điểm tham quan du lịch. Phát triển kinh tế du lịch nhưng tuân thủ việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản tự nhiên, văn hóa. Theo tinh thần đó, Hà Nam đã và đang tiếp tục đầu tư phát triển một số khu, điểm du lịch với các loại hình chính là du lịch văn hóa - tâm linh, nghỉ dưỡng và thể thao.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể luôn luôn là hai mặt gắn bó mật thiết; Phát triển du lịch cũng nhằm phát huy những giá trị truyền thống đó trong cuộc sống đương đại. Tất cả đều nhằm mục đích đảm bảo cho di sản được lưu truyền và không ngừng tái tạo, phát huy tác dụng lâu dài. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ về giá trị của kho tàng di sản văn hóa truyền thống ông cha để lại, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống của miền quê văn hiến.