Theo Quy hoạch, phạm vi lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang là toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính tỉnh Hà Giang với diện tích tự nhiên là 7.927,55 km2.
Kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang là Tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường, sinh thái. Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, an toàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Phấn đấu đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8%/năm.
Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 22 - 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29,0%; dịch vụ chiếm khoảng 43 - 44%; Thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 4 - 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 95 triệu đồng.
Về văn hóa - xã hội, chỉ số phát triển con người HDI đạt khoảng 0,8. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt trên 75%. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều hàng năm bình quân đạt 4%/năm.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050 phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Các đột phá phát triển của tỉnh Hà Giang từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng số.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển kinh tế nông nghiệp đặc trưng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế cửa khẩu.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động phục vụ nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực chủ lực của Tỉnh; thu hút và đào tạo có trọng tâm, trọng điểm nhân lực chất lượng cao.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh…
Về phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực, nông nghiệp phát triển đặc trưng, theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao. Tập trung phát triển theo 2 trục: (i) Đảm bảo về an ninh lương thực, thực phẩm, bao gồm: Nhóm cây lương thực; nhóm cây thực phẩm; nhóm cây công nghiệp ngắn ngày; (ii) Ưu tiên thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu chất lượng cao theo chuỗi giá trị, gồm: Chuỗi chè Shan tuyết; chuỗi mật ong bạc hà; chuỗi cây ăn quả ôn đới; dược liệu; tam giác mạch; bò vàng; lợn đen…
Phát triển lâm nghiệp bền vững, phát triển rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên, gắn với xây dựng chuỗi giá trị lâm sản, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Thu hút, phát triển các cơ sở sản xuất cây lâm nghiệp chất lượng cao, cơ sở chế biến gỗ gắn với phát triển các sản phẩm ngoài gỗ dưới tán rừng.
Tỉnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, xanh và bền vững. Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc. Xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia; thành phố Hà Giang trở thành thành phố du lịch, trung tâm kết nối du lịch của Tỉnh. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, gắn với các lợi thế của địa phương, như: Du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm; du lịch thương mại, biên giới.
Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực
Phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, đầu mối trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và văn hóa. Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Phát triển hạ tầng đồng bộ tại các khu vực cửa khẩu song phương, lối mở khác nằm ngoài khu kinh tế; bảo đảm hài hòa không gian giữa sản xuất, đô thị và văn hóa; đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…