VNHN – Mới đây các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng , tại vùng núi Pyrenees ở miền nam nước Pháp mặc dù không có người sinh sống, nhưng những trận mưa đã đem theo các hạt vi nhựa từ biển rơi xuống vùng đất này.
Đây chính là hậu quả của việc con người thường xuyên sử dụng đồ nhựa trong cuộc sống hàng ngày và thải chúng ra ngoài môi trường. Họ đã phát hiện ra rằng, mỗi ngày cứ một mét vuông ở vùng Pyrenees sẽ có 365 phân tử vi nhựa được nước mưa từ biển rơi xuống. Khi mua dầu gội, kem đánh răng... chứa các hạt vi nhựa, chúng ta chỉ nghĩ đơn giản là chúng có tác dụng làm sạch mà không ngờ rằng chúng lại là một tác nhân "giết người" âm thầm.
Deonie Allen, một nhà nghiên cứu tại EcoLab, tại trường đại học Nông nghiệp và Công nghệ Cuộc sống tại Toulouse, Pháp cho biết: “Thật khủng khiếp khi nghĩ đến lượng nhựa đang rơi xuống và ở lại vĩnh viễn vùng Pyrenees. Hạt vi nhựa nên được coi là một dạng ô nhiễm không khí mới”. Lí do nói hạt vi nhựa được hình thành một cách tự nhiên từ nước bốc hơi từ biển, sau đó tạo thành mây và tạo mưa đem tới vùng Pyrenees là vì trong vòng bán kính 100km, các nhà khoa học không thể giải thích được tại sao nguồn chất thải nhựa có thể tìm đường đến vùng núi cao 3 nghìn mét so với mực nước biển này.
Hạt vi nhựa được tạo nên nhờ rác thải ở biển
Trước đó, mới chỉ có hai nghiên cứu về hạt vi nhựa bay lơ lửng trong không khí, và chúng đều được thực hiện tại các thành phố lớn, kết quả đều có tính tương đồng khi tại đây lượng rác thải con người tạo ra rất khác so với việc tìm thấy hạt nhựa ở vùng núi hẻo lánh ở Pháp. Có lẽ đã kết luận được rằng, hạt nhựa có mặt ở khắp mọi nơi bằng một thí nghiệm nhỏ sau: “Nếu bạn ra ngoài đường với một chiếc đèn UV, đặt bước sóng cho đèn ở mức 400 nanomet, khi soi đèn bạn có thể thấy tất cả những hạt nhựa và bụi có trong không khí. Ở trong nhà chúng còn có thể dày đặc hơn. Nghe khá đáng sợ."
Các nhà khoa học trong nhiều năm qua đã cảnh báo việc con người đang tạo ra một hành tinh nhựa. Năm 2015, con người thải ra môi trường 420 triệu tấn rác thải nhựa. Con số này trong năm 1950 chỉ là 2 triệu tấn. Trong 65 năm đó, 6 tỷ tấn rác nhựa đã quay về môi trường, đi vào lòng biển hoặc được thu gom tại những bãi rác quy mô lớn, theo một nghiên cứu vào năm 2017. Bắt đầu từ việc sản xuất những chai lọ nhựa, túi nylon hay những bao bì, nhựa do con người tạo ra dần thoái hóa theo thời gian để tạo thành những hạt nhựa nhỏ li ti cỡ micromet hay nanomet. Một cuộc nghiên cứu ước tính trên bề mặt biển hiện có khoảng 15 đến 51 nghìn tỷ hạt vi nhựa.
Việc con người tự dung nạp lại hạt vi nhựa mà họ thải ra môi trường vào cơ thể qua thức ăn, nước uống và cả không khí đã được chứng minh, nhưng hậu quả đối với sức khỏe lại chưa được nghiên cứu kỹ càng. Những hạt vi nhựa có kích thước nhỏ hơn 25 micron có thể đi vào cơ thể qua đường hô hấp, trong khi những hạt có kích thước nhỏ hơn 5 micron có thể lưu lại ở mô phổi của con người. Chắc chắn chúng gây ra hậu quả xấu với sức khỏe, nhưng như thế nào thì chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể.
Chúng ta đang uống hạt vi nhựa mỗi ngày (Ảnh minh họa)
Theo ước tính, hiện nay có tới 5% rác thải từ nhựa được thải ra biển. Trong môi trường biển, nhựa được các loài động vật biển tiêu thụ và di chuyển lên trên chuỗi thức ăn, trong đó một lượng nhựa đáng kể được phát hiện trong cơ thể cá ngừ, tôm hùm và tôm. Ngoài ra, thực phẩm cũng có khả năng bị ô nhiễm nhựa trong quá trình chế biến hoặc đóng gói.
Giáo sư Alistair Boxall - một chuyên gia môi trường đến từ Đại học York, Anh cho biết: "Tôi không hề ngạc nhiên hay đặc biệt lo lắng bởi những phát hiện này. Vi hạt nhựa từng được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, cá và động vật có vỏ, hay thậm chí có cả trong bia nữa. Chúng ta cũng thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, bao bì thực phẩm hay sử dụng chai nhựa. Do đó không thể tránh khỏi nguy cơ các vi hạt nhựa xâm nhập vào phổi và hệ tiêu hóa của chúng ta".
Những thực phẩm khác như bánh mì, thực phẩm chế biến, thịt, sản phẩm bơ sữa và rau quả cũng có thể chứa các hạt vi nhựa, nhà nghiên cứu Kieran Cox cho biết. "Khả năng cao là sẽ có rất nhiều hạt vi nhựa trong các thực phẩm này. Con số có thể lên đến hàng trăm ngàn".
Hạt vi nhựa có trong các đồ dùng sinh hoạt thường ngày
Nước đóng chai có lượng hạt vi nhựa trung bình gấp 22 lần trong nước máy. Một người uống nước đóng chai sẽ tiêu thụ khoảng 130.000 hạt vi nhựa mỗi năm chỉ riêng từ nguồn này, so với 4.000 hạt từ nước máy.
Các nhà khoa học không biết điều gì sẽ xảy ra khi hạt vi nhựa vào trong cơ thể người, nhưng nghiên cứu này đã chỉ ra "phần lớn chúng sẽ được hấp thụ" hơn là bị ho và hắt xì đẩy ra ngoài. Các nhà nghiên cứu cũng ước tính rằng lượng hạt vi nhựa của một bữa ăn trong ngày có thể lên đến 10.000 hạt/năm.
Những cuộc thí nghiệm đã chỉ ra rằng, hạt nhựa nano có thể thẩm thấu qua tường tế bào để đi vào cơ thể của cá cùng nhiều loài sinh vật biển khác. Con người cùng vậy, các nhà khoa học đã phát hiện ra hạt nhựa nano có thể đi qua hệ tiêu hóa và đi vào cơ thể người. Mặc dù những nghiên cứu về tác động của hạt nhựa đối với sức khỏe con người sẽ còn cần phải triển khai thêm, có một điều đã rất rõ ràng, việc sử dụng bao bì và các chế phẩm từ nhựa cần phải được giảm bớt ngay lập tức.