27/04/2024 lúc 10:50 (GMT+7)
Breaking News

GSTS.TTND Trịnh Hồng Sơn: “Bàn tay vàng đặc biệt” của ngành Ngoại khoa Việt Nam

Mọi người thường nói: “Nếu Bệnh viện Việt Đức là cái nôi hàng đầu đào tạo ra những bàn tay vàng của ngành Ngoại khoa Việt Nam, thì GS.TS Trịnh Hồng Sơn là người có “bàn tay vàng đặc biệt”.

Được người quen giới thiệu tôi tìm tới ông - một bác sĩ được mệnh danh là thế hệ vàng, người có “bàn tay vàng” của ngành Ngoại khoa Việt Nam. Đó là GSTS.TTND Trịnh Hồng Sơn.

GSTS.TTND Trịnh Hồng Sơn

Ở thời điểm này của năm 2022, đó là những ngày tháng tôi phải sống trong lo âu, buồn thảm nhất của cuộc đời. Trước đó tôi từng cảm thấy thanh thản, vui vẻ khi bước sang năm 2021 được nghỉ hết mọi chức vụ công tác, có nhiều thời gian cho gia đình, cùng những đam mê nghệ thuật của mình. Tránh được những ồn ào, những cuộc trà dư, tửu hậu hủy hoại sức khỏe, để được sống vui, sống khỏe và sáng tạo nghệ thuật, làm tiếp những dự định còn dang dở. Nào ngờ chỉ nửa năm sau khi nghỉ chế độ, cũng là thời điểm tôi đang hoàn thiện những trang bản thảo cuối cùng của tập sách thứ 2 với 400 trang in. Tôi gặp ai cũng thường hỏi “Sao dạo này gầy thế?”. Cố hoàn thành bức tranh, gửi tham gia triển lãm khu vực. Cố mang bản thảo đến công ty in, đặt in sách. Các bạn công ty in là những người quen cũng đều nói “Sao anh gầy thế”. Đặc biệt cứ mỗi lần soi gương, hoặc trong phòng tắm tôi sót xa cho cơ thể mình. Chẳng lẽ mới nghỉ hưu có nửa năm, mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Mà sao mỗi tháng trung bình cứ sụt đi 1 kg. Tôi đã đi khám rất nhiều bệnh viện lớn, gặp nhiều bác sĩ có uy tín, cả những, tiến sĩ bác sĩ là những trưởng, phó khoa các bệnh viện lớn. Họ đều cho rằng, chắc ít ngủ, đầu vào kém nên sút cân, có bác sỹ còn kê thêm các loại thuốc bổ, bổ sung men tiêu hóa, tăng khẩu phần ăn… Tất cả đều không có tác dụng, cơ thể tôi vẫn tiếp tục giảm cân. Cho đến những ngày áp tết của năm 2022, tôi đã sụt đến 8 kg từ (63kg xuống còn 55kg). Cùng thời điểm đó, lại được tin cháu lái xe của cơ quan nơi tôi công tác cũng sút cân như tôi, mới đi Hà Nội khám và được kết luận là bị K dạ dày giai đoạn cuối. Khiến tôi thực sự lo lắng về việc này. Trước đó, tầm 3 tháng cháu cũng đến gặp tôi để chia sẻ, vì biết tôi cũng đang sút cân như cháu. Ám ảnh càng đè nặng trong đầu, tôi thoáng nghĩ: “Có lẽ số phận mình và cháu bệnh tình giống nhau và hy vọng sống là mong manh.” Chiều 30 Tết năm 2022 tôi lên thăm cháu, thấy cháu đã yếu nhiều, chỉ biết chia sẻ và động viên cháu. Vợ chồng cháu cho tôi địa chỉ phòng khám tiêu hóa của GS Đào Văn Long. Những ngày ăn Tết trong lo âu, tôi mong từng ngày cho Tết qua nhanh, rồi liên hệ đặt lịch, đúng 07h sáng mùng 6 Tết cả nhà tôi có mặt tại phòng khám Hoàng Long. Tôi được thực hiện nhiều xét nghiệm, siêu âm nội soi trên những máy móc hiện đại nhất. Cuối ngày hôm đó đọc kết quả nội soi GS.TS Đào Văn Long nghi tôi bị u đầu tụy (IPMN) có nghĩa là ung thư tụy. Sau khi phân tích bệnh tình và hệ quả. GS Long cho đơn thuốc để tôi uống thử trong 3 tháng. Ông nói nếu đáp ứng được sẽ điều trị nội khoa, theo GS để duy trì sự sống và chất lượng sống. Ông còn cho biết thêm: “Nếu đúng bệnh u tụy, thì sẽ dẫn đến K tụy, phẫu thuật sẽ khó thành công, tỷ lệ rủi ro rất cao và sẽ thành phế nhân. Ông nói thêm ở Nhật Bản họ sẽ cắt bỏ, còn ở Việt Nam chỉ có một người mổ giỏi đó là: GS.TS Trịnh Hồng Sơn, phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, còn phần lớn là lợn lành hóa lợn què”. Tôi về nhà trong lo âu, buồn chán, thất vọng cho số phận mình, rồi lại được tin cháu lái xe cơ quan đã mất ngày sau đó (ngay mùng 7 Tết), khiến tôi càng thêm suy sụp. Uống thuốc theo đơn của GS Long tầm 2 tháng, tôi vẫn cứ sút cân. Tôi tiếp tục làm một số xét nghiệm, cũng như chiếu chụp, siêu âm nội soi trên máy hiện đại ở một số bệnh viện khác, nhưng bác sĩ cũng không tìm ra tôi có u tụy. Tôi tìm gặp GS Trịnh Hồng Sơn khi ông sang thăm khám tại Bệnh viện Tâm Anh - Hà Nội. Tôi đưa tất cả kết quả, xét nghiệm chiếu, chụp, nội soi của các bệnh viện, phòng khám cho ông xem. Ông phân tích cho tôi rõ về bệnh tình, ông còn vẽ sơ đồ bệnh lý cho tôi dễ hiểu. Ông nói là ông tin ở kết quả chuẩn đoán của GS Long, mà không tin nhiều những kết quả của các viện khác. Ông khuyên tôi phải phẫu thuật vì tôi sút cân nhiều và ông sẽ mổ cho tôi, sẽ chữa cho tôi khỏi hoặc là chết. Ông còn nói thêm: Nếu tôi có chết thì đó là số phận và mong tôi sẽ phù hộ cho ông, nếu ông chết trước thì ông cũng sẽ phù hộ cho tôi. Tôi hiểu câu nói đó của ông có phần nghĩ đến rủi ro trong phẫu thuật. Nhưng để tôi thật yên tâm ông khuyên tôi đến viện Việt Đức chụp thêm cắt lớp trên máy CT 512 dãy Revolution. Đồng thời quay lại phòng khám GS Long để siêu âm nội soi lại lần nữa, trên máy hiện đại nhất có độ phóng đại gấp 300 lần cuối cùng hai kết quả có khác nhau, cắt lớp vi tính 512 dãy ghi không thấy có u tuyến tụy, siêu âm nội soi của GS Long vẫn chuẩn đoán nghi có u nhầy nhú đầu tụy 0.7mm (IPMN). Tôi gửi kết quả tới ông qua các bác sĩ trong khoa, họ là học trò của ông vì biết ông rất bận. Rồi qua các bác sĩ, tại khoa Ung bướu-  bệnh viện Việt Đức, tôi được lên lịch phẫu thuật.

GSTS.TTND Trịnh Hồng Sơn ân cần thăm khám cho người bệnh

Những ngày chờ đợi phẫu thuật, tôi sống trong hoang mang, lo lắng gửi bạn bè người thân dịch các xét nghiệm, film chụp sang Singapo nhờ chuẩn đoán và tham khảo xin hướng xử lý. Đồng thời tìm kiếm thông tin trên mạng về kí hiệu của Giáo sư Trịnh Hồng Sơn. Được biết ông là GS.TS Thầy thuốc nhân dân, Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Ung bướu- Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Ông là một trong số những người thuộc thế hệ thứ 3, có đóng góp quan trọng trong việc kế thừa và phát triển các thành tựu trong phẫu thuật gan mà cố GS Tôn Thất Tùng là người đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Là người góp phần không nhỏ trong việc ghép tạng, một thành tựu đỉnh cao của khoa học nhân loại, phát triển tại Việt Nam, mang lại cơ hội sống kỳ diệu cho nhiều bệnh nhân đã cận kề cái chết. Ông đã có hơn 30 năm gắn bó với ngành Ngoại khoa Việt Nam, từng là bác sĩ nội trú ở Pháp về GS.TS Thầy thuốc nhân dân Trịnh Hồng Sơn, một người thầy thuốc đáng kính của ngành Ngoại khoa Việt Nam. Với khả năng chữa lành đặc biệt của ông đã mang lại cơ hội sống cho hàng ngàn người, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, bệnh nhân ung thư di căn đa tạng, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, có khi chỉ cơ hội sống còn vài phần trăm.

Mọi người thường nói: “Nếu Bệnh viện Việt Đức là cái nôi hàng đầu đào tạo ra những bàn tay vàng của ngành Ngoại khoa Việt Nam, thì GS.TS Trịnh Hồng Sơn là người có “bàn tay vàng đặc biệt”. Ông còn được biết đến là người say mê nghiên cứu khoa học, tâm huyết với ngành Ngoại khoa. Từng viết hàng chục cuốn sách về khoa học y học làm tài liệu nghiên cứu, học tập quan trọng cho sinh viên, thực tập sinh và các đồng nghiệp. Một người say mê nghiên cứu khoa học, phẫu thuật cứu người GS.TS TTND Trịnh Hồng Sơn còn từ chối chức danh Giám đốc Bệnh viện Việt - Xô, khi Bộ Y tế có ý định phân công ông đảm nhiệm chức danh này…

Thời điểm giữa tháng 3/2022. Thời gian chờ đợi chuẩn bị cho ca đại phẫu sắp đến, tôi lại mắc Covid-19, thế là lại phải lùi lịch mổ lại ít ngày. Anh em người nhà, bè bạn tới thăm đều sốt ruột cho tôi, vì thấy tôi ngày một tiều tụy, sút cân thêm. Nhiều người khuyên tôi sang Nhật, sang Sing chữa…Nhưng tôi đã quyết, tin tưởng hoàn toàn vào tài năng của GS.TS Trịnh Hồng Sơn. Ca đại phẫu của tôi được thực hiện hơn 4h do GS.TS Trịnh Hồng Sơn trực tiếp mổ từ 9h sáng nhưng phải đến 15h chiều tôi mới tỉnh và được đưa về khoa. Là người có nhiều bệnh nền, lại trải qua cuộc đại phẫu cắt đi nhiều bộ phận của cơ thể, tôi được coi là bệnh nhân nặng nhất khoa Ung bướu bệnh viện lúc bấy giờ. Thân hình tiều tụy, da vàng ủng, dây dựa, máy móc khắp quanh người. Hơn thế nữa, tôi thường xuyên nôn ói ra máu, nhịp tim nhanh 160 lần/phút, huyết áp tăng 180/110, đường máu có lúc lên đến 17 phẩy… Người vô cùng mệt mỏi, mất ngủ hoàn toàn, thở hụt hơi và rất khó khăn. Người nhà, bạn bè, anh em, cơ quan cũ đến thăm đều dưng dưng nước mắt thương xót cho tôi. Tôi liên tục nghĩ đến cái chết sẽ đến với mình trong nay mai. Thế rồi một tuần, hai tuần, ba tuần cũng trôi qua. Nhờ sự quan tâm trực tiếp của GS.TS Trịnh Hồng Sơn và các y bác sĩ, cùng sự hy sinh ngày đêm chăm sóc của vợ con, anh em trong gia đình, tôi cũng dần dần bình phục, đi lại nhẹ nhàng được. Sau đó tôi được ra viện, nhưng về nhà người vẫn rất yếu chỉ còn 47kg, loạn đường huyết và luôn nôn ói, mất ngủ hoàn toàn có lẽ do cộng hưởng hệ quả của hậu Covid-19, 10 người đến thăm thì 09 người động viên vợ tôi hãy bình tĩnh để chấp nhận số phận. Tôi tiếp tục liên lạc với khoa, cụ thể là TS.BS  Cao Mạnh Thấu để được tư vấn điều trị, dù bận nhưng TS.BS Thấu vẫn rất nhiệt tình tư vấn sử dụng thuốc, rồi Ths.BS Đặng Quang Nam ở Bệnh viện Bạch Mai để điều trị dạ dày, men gan, Bs Cao Duy Khiêm ở Bệnh viện Tâm Thần - Hưng Yên điều trị mất ngủ. Ths.BS Vũ Xuân Quỳnh, điều dưỡng Lợi ở Bệnh viện đa khoa Phú Thọ để điều trị đường huyết… Rồi dần cũng được bình phục.

Những ngày ở bệnh viện thật vất vả với tôi để giành lại sự sống. Nhưng cũng giúp tôi thực sự hiểu hơn về Bệnh viện Việt Đức, một cơ sở y tế hàng đầu Việt Nam về phẫu thuật và phẫu thuật các ca bệnh hiểm nghèo, hiểu hơn về các bác sĩ tại khoa Ung bướu. Đặc biệt hiểu hơn về GS.TS Trịnh Hồng Sơn, ông và các y bác sĩ ở đây làm việc như những cỗ máy. Hàng ngày sáng đến đúng giờ đi thăm khám bệnh nhân, hỏi han kĩ từng người bệnh, GS.TS Trịnh Hồng Sơn trực tiếp trao đổi kinh nghiệm, giảng dạy luôn cho các học trò về từng trường hợp bệnh, cho ý kiến về phác đồ điều trị, cũng như về sự điều chỉnh cần thiết cho từng diễn biến của người bệnh. Sau đó họp giao ban nhanh, mọi người ai vào việc nấy, chấp hành y lệnh nghiêm ngặt. Tiếp sau GS lại cùng các bác sỹ , ekip mổ đến phòng mổ. Tôi thấy GS làm việc liên tục cả ngày và thường xuyên là cả đêm. Nhiều lúc tôi không thể lý giải được ông ăn vào lúc nào? nghỉ vào giờ nào? làm thế nào có sức khỏe, để đứng mổ suốt nhiều tiếng đồng hồ như vậy? làm thế nào mà sáng ra ông lại có mặt đúng giờ làm việc, cùng các học trò đi thăm khám cho từng bệnh nhân, quan tâm và nhớ bệnh tình của từng người, mà mỗi ngày liên tục có tới hàng chục bệnh nhân ra, vào?

Bệnh nhân - Tác giả bài viết tặng sách cho GSTS.TTND Trịnh Hồng Sơn.

Tôi thực sự nể phục ông một thầy thuốc luôn hết mình vì người bệnh, một sức làm việc phi thường. Trước cửa phòng giao ban của Khoa tôi thấy ông còn cho treo tấm biển nhắc nhở y đức của người thầy thuốc. Chúng ta đều biết rằng tâm lý người bệnh, nhất là người bệnh phải phẫu thuật, thường muốn có chút quà thay cho lời cảm ơn tới bác sỹ cũng là để có phần yên tâm, âu cũng là chuyện thường tình. Thế nhưng ở khoa Ung bướu - bệnh viện Việt Đức tôi hoàn toàn không thấy có chuyện này. Vợ chồng tôi đã chuẩn bị nhiều phong bì và quà cho GS Sơn, cũng như các bác sĩ quan tâm điều trị cho tôi, mà không làm sao đưa được, không ai nhận. Đặc biệt là GS Sơn, vợ tôi kể từng nhiều lần dình dập mãi nhìn thấy GS đi rất nhanh từ phòng mổ về, hoặc đi lên phòng mổ, cô ấy chạy theo nói nhanh nhưng ông gặt ngay đi thế là đành chịu. Ở khoa chỉ nhận chung chút quà là hoa quả, hộp bánh,… Khi những người bệnh hiểm nghèo trước khi ra viện nở nụ cười trên môi, với lời cảm ơn trân trọng từ đáy lòng mình.

Cùng điều trị và tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nặng, những người bệnh ung thư gan, ung thư dạ dày, đại tràng… có người phải cắt đi, cả nửa lá gan, cắt toàn bộ dạ dày, lấy ruột non lên tạo dạ dày, cắt nhiều phần của đại tràng cùng hàng trăm loại bệnh nặng khác nhau… ấy vậy mà trong chỉ 7-10 ngày sau phẫu thuật tôi thấy bệnh nhân lại có thể ăn uống, sinh hoạt gần như bình thường được rồi ra viện. Thật kỳ diệu, tôi càng nể phục các y bác sỹ bệnh viện Việt Đức nói chung, Khoa Ung bướu nói riêng. Đặc biệt là đối với GS.TS Thầy Thuốc nhân dân Trịnh Hồng Sơn- người có “bàn tay vàng đặc biệt” của ngành Ngoại khoa Việt Nam, nể ông cả về tài năng và đức độ.

Hôm nay, cũng đã gần một năm tôi tạm coi thoát khỏi “cửa tử” dù không lường hết được bệnh tình sẽ diễn biến thế nào. Nhưng hiện tôi đang vui vẻ sống và làm việc với những đam mê nghệ thuật của mình. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2023 sắp đến. Xin được viết những dòng này thay cho lời cảm ơn chân thành nhất của tôi đối với các y bác sĩ đã hết lòng chăm sóc cho tôi. Đặc biệt đối với Thầy thuốc nhân dân GS.TS Trịnh Hồng Sơn, một người mà tôi thật sự ngưỡng mộ và kính trọng. Mong ông luôn khỏe mạnh để mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho người bệnh, để góp phần đưa y học nước nhà sánh ngang với các nền y học tiên tiến trên thế giới.

ĐỖ NGỌC ANH

...