VNHN - Tôi được biết đến một người đã có nhiều công trình khoa học ý nghĩa, giá trị được ứng dụng thành công trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Gặp gỡ và trò chuyện cùng ông, tôi càng thêm ấn tượng, khâm phục chặng đường cống hiến của một nhà khoa học nhiệt thành, nhà giáo, nhà quản lý giàu tâm huyết với ngành nông nghiệp nước nhà. Ông là GS.TS Lê Huy Hàm – nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, hiện ông vẫn là Trưởng khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Với tư chất hiếu học, say mê tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức, ngay từ những năm tháng học phổ thông, chàng trai trẻ Lê Huy Hàm đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu và là một trong những học sinh ưu tú của ngôi trường mình theo học. Hoàn thành những năm tháng đèn sách cấp phổ thông, đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, ông được Nhà nước cử đi du học tại trường ĐH Kishinov Moldavia (Liên Xô cũ). Năm tháng học tập bên nước bạn xa xôi, ông không ngừng tích lũy, bồi dưỡng kiến thức cho chặng đường phục vụ quê hương, đất nước sau này. Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Kishinov với tấm bằng Đỏ trên tay năm 1982, ông được giới thiệu ngay làm nghiên cứu sinhvà hoàn thành việc bảo vệ luận án tiến sỹ vào năm 1986, GS.TS Lê Huy Hàm về nước và công tác tại Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Khi đó, nhận thấy đất nước còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, thiếu lương thực và tiềm lực khoa học công nghệ, ông đã vận dụng những kiến thức được đào tạo bài bản trong lĩnh vực sinh học để tạo ra các sản phẩm ứng dụng thiết thực với hoàn cảnh đất nước mới thoát khỏi chiến tranh trong những năm 80 của thế kỷ trước. Dành 30 năm trong cuộc đời để nghiên cứu nhân giống và chọn tạo giống cây trồng, có thể nói, GS.TS Lê Huy Hàm là một trong những nhà công nghệ sinh học hàng đầu Việt Nam với hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học giá trị, nhiều công trình đã áp dụng thực tiễn và mang lại hiệu quả cao.
GS.TS Lê Huy Hàm
Nhớ lại thời điểm khi đó, Việt Nam mặc dù là nước nông nghiệp, phần lớn dân số là nông dân nhưng mỗi năm vẫn phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn lương thực. Thực tế này khiến Lê Huy Hàm day dứt, trăn trở. Ông tự đặt ra cho mình nhiệm vụ nghiên cứu ra những giống cây trồng phù hợp, hiệu quả để phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Công trình đầu tiên là nhân giống cây chuối bằng nuôi cấy mô tế bào nam 1993. Năm 1996, phương pháp nuôi cấy mô tế bào này được áp dụng cho cả cây mía và cho đến tận bây giờ, nó vẫn được các công ty và người nông dân sử dụng.
GS.TS Lê Huy Hàm chia sẻ : “Theo kinh nghiệm dân gian, muốn trồng cây chuối thì phải đào củ chuối con. Với cách làm này, nếu trồng 1 sào thì có thể tìm đủ giống, 1 mẫu cũng có thể tìm đủ, 1 hécta cố gắng sẽ tìm đủ, nhưng 10 hécta hoặc hơn, thì không thể nào tìm đủ giống được. Để trồng chuối, mía phục vụ sản xuất công nghiệp quy mô lớn thì phải sử dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào”.Ngoài tác dụng cung cấp đủ giống, phương pháp này cũng giúp vườn chuối, mía phát triển đồng đều, sạch bệnh và được trẻ hóa, cho năng suất cao. Có như vậy, chuối mới đủ tiêu chuẩn và số lượng để xuất khẩu.“Đây là công trình đầu tiên và cũng là một trong những công trình nghiên cứu quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi, bởi nó đã để lại nhiều dấu ấn trong thực tiễn nhất” - GS Hàm tâm sự cùng tôi.
Say mê cống hiến tâm sức mình, GS.TS Lê Huy Hàm đã cùng với các đồng nghiệp từng bước phát triển công nghệ nhân giống cây chuối, cây mía, cây hoa, cây cảnh, cây dược liệu có giá trị kinh tế để chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông là người đầu tiên đã thành công trong việc tạo cây ngô đơn bội kép từ hạt phấn ngô phục vụ cho công tác chọn tạo giống ngô. Ông đã cùng với đồng nghiệp nghiên cứu thành công quy trình tái sinh ở cây ngô, đậu tương, sắn, bèo tấm để tạo giống cây trồng biến đổi gen chịu hạn, kháng sâu, kháng thuốc diệt cỏ.Chia sẻ về công trình thành công nhất và có ứng dụng thiết thực cho nông nghiệp Việt Nam, Giáo sư Lê Huy Hàm cho biết, ông đã cùng các nhà khoa học của Vương quốc Anh giải mã thành công các giống lúa Việt Nam và đang từng bước phát triển công cụ chọn tạo giống dựa trên cơ sở giải mã dữ liệu gen. Ngoài ra, ông đã cùng với những đồng nghiệp của mình thành công bước đầu trong việc sử dụng tia ion kim loại nặnggây đột biến tạo giống cây trồng. Ông là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam khởi xướng việc chọn tạo giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu từ đầu những năm 2000. Những giống lúa chịu ngập, chịu mạn do ông và đồng nghiệp Viện Di Truyền Nông Nghiệp tạo ra ngày càng có ứng dụng rộng rãi trên đồng ruộng của nông dân. Những nghiên cứu này đều được đánh giá là những công cụ quan trọng trong việc chọn tạo giống cây trồng trong tương lai cho lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.Với những thành công trong nghiên cứu khoa học, ông đã vinh dự được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao soạn thảo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai chương trình khoa học lớn là "Chương trình trọng điểm ứng dụng Công nghệ sinh học trong nông nghiệp 2005 - 2020" và "Quy hoạch ứng dụng năng lượng bức xạ trong nông nghiệp". Bên cạnh đó, trong thời gian đảm nhiệm cương vị là Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, GS.TS Lê Huy Hàm đã xúc tiến và thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước có nền công nghệ sinh học phát triển nhằm khai thác chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2010 đến nay, Viện Di truyền Nông Nghiệp đã xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả 4 phòng thí nghiệm liên kết với nước ngoài nhằm đào tạo cán bộ trẻ và chuyển giao khoa học công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Trên tất cả, GS.TS Lê Huy Hàm chính là người đã góp công xây dựng, tạo nền tảng vững chắc nên toàn bộ trụ sở, hệ thống cơ sở vật, chất trang thiết bị của Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Ông luôn quan tâm, chú trọng đến những chi tiết nhỏ như từng cây xanh, góc nhà, các thiết bị máy móc tân tiến hàng đầu thế giới phù hợp để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, thực nghiệm triển khai công nghệ mới cũng như công tác đào tạo của Viện. Để từ đó, các thế hệ cán bộ nhân viên được làm việc, nghiên cứu trong một khuôn viên cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và tiện nghi hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh tặng hoa chúc mừng GS.TS Lê Huy Hàm và Ban Giám đốc ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội trong ngày ra mắt Khoa Công nghệ Nông nghiệp.
Luôn dành tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, dìu dắt đội ngũ cán bộ trẻ kế cận, GS.TS Lê Huy Hàm còn tham gia công tác giảng dạy, đào tạo sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh cho nhiều trường đại học như ĐH Quốc Gia Hà Nội, ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam... Hiện nay, ông vẫn tận tâm làm việc, giảng dạy tại Khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội trên cương vị Trưởng khoa. Ông đã tham gia hướng dẫn 10 NCS bảo vệ thành công luận án TS cùng nhiều ThS và nhiều khóa luận tốt nghiệp của sinh viên. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm cương vị Phó Chủ nhiệm Chương trình Công nghệ sinh học Quốc gia, đại diện của Việt Nam về chọn giống cây trồng bằng đột biến trong các chương trình quốc tế.Nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học vinh quang, GS.TS Lê Huy Hàm đã cùng các đồng nghiệp công bố 236 bài báo về công nghệ sinh học ở trong và ngoài nước, xuất bản 5 cuốn sách. Đồng thời, ông cũng đã chủ trì và tham gia 25 đề tài dự án nghiên cứu cấp nhà nước và quốc tế.
Với những đóng góp, cống hiến đáng trân trọng xuyên suốt chặng đường sự nghiệp nghiên cứu khoa học, quản lý vinh quang của mình, GS.TS Lê Huy Hàm đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban ngành trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Tin rằng, với niềm tin, tâm huyết xây dựng một ngành nông nghiệp nước nhà hiện đại, phát triển, GS.TS Lê Huy Hàm sẽ còn nhiều hơn nữa những công trình khoa học, những phương pháp cống hiến thiết thực, ý nghĩa góp sức đưa ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập cùng thế giới.