VNHNO - Sau 30 năm Việt Nam thu hút đầu tư vốn nước ngoài (FDI), những tác động, ảnh hưởng từ doanh nghiệp FDI tới nền kinh tế-xã hội đòi hỏi chúng ta phải có sự nhìn nhận, đánh giá chính xác để đưa ra chiến lược trong thời gian tới. GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần xung quanh câu chuyện này.
Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, ông đánh giá thế nào về những tác động từ doanh nghiệp FDI tới các doanh nghiệp trong nước những năm qua?
GS, TSKH Nguyễn Mại: Việt Nam đang được các chuyên gia quốc tế đánh giá đứng tốp đầu trong 12 nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài có hiệu quả, nổi bật nhất và họ rất tin tưởng nước ta còn sức hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa, bởi những lý do về sự ổn định về chính trị, kinh tế tăng trưởng cao, thị trường tiềm năng; có sự quyết tâm của Chính phủ cải thiện môi trường đầu tư; doanh nghiệp trong nước có nhiều tiềm năng và ngày càng rút ngắn khoảng cách với doanh nghiệp FDI.
Để nói về tác động lan tỏa của các doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp trong nước thì thực sự chưa được như kỳ vọng của ta. Mặc dù vậy, phải nói rằng đội ngũ doanh nghiệp trong nước đã khá hơn rất nhiều. Theo công bố của Tổng cục Thống kê về điều tra doanh nghiệp ngày 1-1-2017 thì doanh thu của doanh nghiệp tư nhân trong nước năm 2016 chiếm 55,9%, của doanh nghiệp FDI 27,4%, doanh nghiệp nhà nước 16,7%. 9 tháng năm 2018, doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu cao hơn doanh nghiệp FDI.
Tôi ví dụ một số ngành để thấy sức lan tỏa, tác động đến doanh nghiệp trong nước như thế nào.
GS, TSKH Nguyễn Mai
Ngành dầu khí nước ta trước đây chỉ có Liên doanh Dầu khí Việt-Xô (nay là Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro). Sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 thì thu hút đầu tư nước ngoài nhiều và hiệu quả nhất là lĩnh vực dầu khí. Khi doanh nghiệp vào Việt Nam thăm dò dầu khí, chúng ta không mất chi phí gì, trong khi lợi nhuận chia cho Việt Nam một nửa.
Ngoài ra, ta còn có khoản tiền hoa hồng cho mỗi hợp đồng thành công và đã giúp thu về hàng trăm triệu USD trong thời gian nước ta thiếu ngoại tệ. Về công nghệ, các doanh nghiệp dầu khí nước ngoài vào Việt Nam bao giờ cũng đưa tới những giàn khoan, công nghệ mới, hiện đại nhất và để cán bộ của ta cùng tham gia. Dầu khí cũng là ngành đầu tư tiền đào tạo cán bộ kỹ thuật, quản lý nhiều nhất trong các ngành kinh tế Việt Nam.
Như vậy chúng ta vừa được tiền, công nghệ, được đào tạo... Đến nay, không chỉ phục vụ trong nước mà ngành dầu khí của ta có thể tự khoan, thăm dò, bán giàn khoan cho nước khác.
Ngành thứ hai là công nghệ thông tin (CNTT). So với các nước trong khu vực, những năm 1991-1992, ngành CNTT của ta kém nhất: Giá cao, dịch vụ, công nghệ kém. Nhưng từ một hợp đồng 10 triệu USD của một tập đoàn CNTT ở Australia với Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) trong 10 năm (1991-2001) đã mang lại hiệu quả to lớn. VNPT và những tập đoàn viễn thông Việt Nam có đội ngũ cán bộ và phát triển như hiện nay là phần lớn nhờ được đào tạo ở Australia khi xưa.
Trong khi nước ta vẫn bị Mỹ cấm vận thì doanh nghiệp Australia đã khéo léo để chuyển giao công nghệ cho VNPT, giúp ta tiếp cận được công nghệ hiện đại. Đến nay, CNTT của ta vào loại phát triển nhanh nhất khu vực, ta đã có mạng 5G, có 10.000km cáp quang khắp cả nước, không thua kém Singapore, đặc biệt là người dân được hưởng dịch vụ giá tốt hơn rất nhiều nước.
Dây chuyền sản xuất sạc pin điện thoại cung cấp cho Tập đoàn Samsung của Công ty RFTech, Khu công nghiệp Điềm Thụy (Thái Nguyên)
Các ngành dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, du lịch... đều có hàng loạt sự thay đổi từ sự lan tỏa của doanh nghiệp FDI.
Một điều gần đây chúng ta hay nói đến đó là tiền lương và chăm sóc người lao động. Trước đây, nhiều người cho rằng, vì lao động Việt Nam giá rẻ nên lương thấp. Nhưng khi công nhân may ở các doanh nghiệp FDI được trả lương cao, chế độ tốt thì buộc doanh nghiệp trong nước cũng phải tăng lương. Rồi những vấn đề như văn hóa doanh nghiệp, coi trọng thương hiệu mà trước đây ta không mấy quan tâm thì khi có FDI đã dần thay đổi.
Trước đây, chúng ta thường cho rằng, hàng Việt chất lượng thấp nhưng gần đây, các siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài ở ta có tỷ lệ hàng Việt Nam rất lớn (tới 90%). Điều đó chứng tỏ hàng Việt hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, giá cả cạnh tranh với hàng nước ngoài.
Vì thế, chúng ta nên có đánh giá chính xác về tác động lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI và như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: Không phải hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang yếu mà ta kìm doanh nghiệp FDI, chúng ta còn phải thu hút FDI mạnh hơn, đồng thời có cơ chế chính sách, môi trường để doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển hơn cả doanh nghiệp FDI để cả hai chân kinh tế của ta đều mạnh, đi chắc hơn, chạy nhanh hơn.
PV: Còn những điều hạn chế trong hoạt động doanh nghiệp FDI nước ta hiện nay là gì, thưa ông?
GS, TSKH Nguyễn Mại: Đầu tiên, nhiều người cho rằng sự quan tâm của doanh nghiệp FDI với công nghiệp hỗ trợ chưa nhiều, nhưng theo tôi, cái chính là do năng lực của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được. Khi Samsung đầu tư ở miền Bắc sản xuất điện thoại, tìm mãi mới được 4-5 doanh nghiệp hỗ trợ, chủ yếu là làm bao bì. Nhưng khi đầu tư vào TP Hồ Chí Minh sản xuất đồ gia dụng thì chọn được ngay các doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được yêu cầu.
Thực tế, năng lực doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được những ngành công nghệ cao, yêu cầu thay đổi mẫu mã, công nghệ liên tục như điện thoại. Vậy nên trong công nghiệp hỗ trợ không nên trách doanh nghiệp FDI mà chính bản thân doanh nghiệp nội phải tự tích lũy, nâng cao năng lực, nhất là năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, người ta hay nói tình trạng các doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế. Thực ra, chuyển giá, trốn thuế là câu chuyện của cả thế giới, và xảy ra với cả doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, với doanh nghiệp nước ngoài, nếu không áp mức thuế cố định thì ta phải thỏa thuận mức thuế giống các nước đã làm. Để có thể thỏa thuận thì ta phải nắm rõ tình hình doanh nghiệp về chi phí, lãi lời… Muốn vậy ta phải tích lũy, mua dữ liệu; phải có tiền để đầu tư tích lũy dữ liệu; phải có cơ quan chuyên trách đủ trình độ để làm việc với doanh nghiệp… Nếu không làm được những điều đó thì thất thu thuế còn nhiều.
Môi trường cũng là vấn đề luôn khiến chúng ta đau đầu và rất đáng tiếc với doanh nghiệp FDI. Chúng ta có Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cảnh sát, Thanh tra môi trường; Viện Nghiên cứu về môi trường nhưng vì sao sông Thị Vải bị ô nhiễm lâu đến khi nước đen, người dân không chịu được, cá chết hàng loạt… thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Ai cũng biết ô nhiễm từ công nghiệp luyện thép rất kinh khủng nhưng ta không có hệ thống quan trắc hệ thống xử lý nước thải, phải đến khi mời chuyên gia nước ngoài kiểm tra biển mới xác định được lỗi từ Formosa…
Vậy lỗi là do cơ quan quản lý nhà nước không sâu sát, không có hệ thống quan trắc xử lý thải, cán bộ không đủ năng lực. Và chừng nào quản lý nhà nước còn yếu kém, chừng đó sông còn ô nhiễm, còn khói bụi…
Vừa rồi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố khoảng 90% tranh chấp lao động năm 2017 là ở doanh nghiệp FDI chủ yếu về vấn đề lương, bảo hiểm, chế độ… nhưng tổng số cuộc tranh chấp của 90% đó chỉ dưới 100 cuộc, trong khi ta có 26.500 doanh nghiệp FDI. Vậy nên cũng cần có đánh giá chính xác để thấy được là có câu chuyện tranh chấp nhưng không phải phổ biến. Thực ra trong việc này, doanh nghiệp có lỗi nhưng công nhân cũng có lỗi và nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình.
PV: Những tồn tại đó có đặt ra yêu cầu gì khi lựa chọn nhà đầu tư FDI, thưa ông?
GS, TSKH Nguyễn Mại: Lựa chọn nhà đầu tư FDI lại là việc khác và là việc vô cùng quan trọng.
Năm 2006, Chính phủ bắt đầu phân cấp toàn diện cho UBND các địa phương, các ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất cấp giấy phép thẩm định, quản lý toàn diện doanh nghiệp FDI, trừ một số ngành đặc biệt. Câu chuyện lựa chọn nhà đầu tư lúc này là đại sự. Đến năm 2007, số doanh nghiệp FDI tăng vọt và năm 2008 buộc phải điều chỉnh xuống. Thực tế khi phân cấp, nhiều địa phương cố chèo kéo dự án, bất chấp quy hoạch, lợi ích, thậm chí “trải chiếu hoa trên đinh” để cố mời gọi. Những nhà đầu tư rởm ngại gì không vào. Và vừa rồi, hàng nghìn dự án FDI các tỉnh, thành phố đã phải loại bỏ khỏi danh mục.
PV: Theo ông, điều đó đặt ra yêu cầu gì đối với đội ngũ cán bộ quản lý cấp nhà nước cũng như nhân lực trong lĩnh vực này?
GS, TSKH Nguyễn Mại: Công nghiệp 4.0 tóm tắt là đổi mới sáng tạo. Từ quản trị đến công nghệ… đều là con người; làm ra luật, thể chế và thực thi nó cũng là con người. Từ Bộ trưởng đến người trực tiếp thực hiện mà kém thì không làm được việc. Do đó, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước rất quan trọng.
Chúng ta có nhược điểm là đào tạo lý thuyết mà không mạnh thực hành, khi ra trường phải có thời gian thích nghi công việc, ngành nghề mới. Nhưng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 vừa qua, Việt Nam được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao năng lực đổi mới sáng tạo thích ứng với công nghiệp 4.0. Khi Tập đoàn Intel đặt nhà máy sản xuất chíp ở Việt Nam cần rất nhiều nhân lực kỹ thuật cao. Lúc đầu họ nghi ngại người Việt khó đáp ứng yêu cầu nhưng sau đó khẳng định rằng chỉ cần 6 tháng đến một năm là nhân lực hoàn toàn đáp ứng được. Vậy nên, nếu chúng ta có nhiều trường gắn đào tạo với doanh nghiệp thì sẽ đỡ mất thời gian đó. Còn với lao động ở những ngành chuyên môn hóa, trừ một số vị trí kỹ thuật thì cơ bản không yêu cầu cao.
PV: Vậy để hai chân kinh tế nước ta mạnh, đi vững và nhanh như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thì chiến lược thu hút FDI của nước ta như thế nào, thưa ông?
GS, TSKH Nguyễn Mại: Hiện mỗi năm chúng ta cần tạo mới 1,2 triệu việc làm mới có thể giải quyết nạn thất nghiệp hiện nay. Sắp tới khi robot dần thay thế con người nên ta vẫn cần thu hút không chỉ các ngành công nghệ cao mà cả những ngành tạo ra nhiều việc làm như dệt may, da giày… Đồng thời chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận ưu tiên thu hút vốn FDI.
Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và khu vực ngoại thành có thể thu hút một số dự án dùng nhiều lao động, còn trong nội thành ưu tiên ngành công nghệ cao như big DATA.
Những địa phương đang thu hút nhiều doanh nghiệp FDI, có kinh tế tăng trưởng khá, bình quân đầu người cao, nộp ngân sách Nhà nước ngày càng nhiều thì phải có chiến lược thu hút FDI bằng lợi thế của từng nơi và phát triển với những cụm công nghiệp ngành gắn với lợi thế doanh nghiệp, thuận lợi đầu tư hạ tầng cơ sở, xử lý nước thải, chuyển giao công nghệ, tiết kiệm chi phí để thu hút đầu tư. Những địa phương còn khó khăn thì điều quan trọng không phải về chính sách ưu đãi mà trước hết ta phải tạo hạ tầng cơ sở đường giao thông, điện, nước, giáo dục nghề, internet… để nhà đầu tư sẵn sàng đến./.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!