Cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại. Trong bối cảnh dịch COVID-19 cùng nhiều biến động phức tạp khác trên thế giới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị), với vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, đã chủ động thích ứng, sáng tạo, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; từ đó quảng bá hình ảnh một Việt Nam nhân văn, nhân ái và kiên cường, ngày càng đẹp thêm trong mắt bạn bè quốc tế.
Ảnh minh họa
Nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu 2021, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị về những đóng góp của hoạt động đối ngoại nhân dân thời gian qua cũng như hướng phát triển của hoạt động đối ngoại nhân dân trong thời gian tới.
Năm 2020 được coi là một năm đặc biệt khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, bùng phát cùng những biến động phức tạp trong khu vực và trên thế giới, xin Đại sứ cho biết, Liên hiệp Hữu nghị đã triển khai công tác đối ngoại nhân dân như thế nào để thích ứng với bối cảnh trên?
Năm 2020, đại dịch COVID-19 và những biến động phức tạp của tình hình chính trị - an ninh thế giới, khu vực đã tác động mạnh mẽ tới Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động đối ngoại nhân dân...
Trong bối cảnh đó, đối ngoại nhân dân, trong đó lực lượng nòng cốt là Liên hiệp Hữu nghị, đã tích cực triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, Liên hiệp Hữu nghị đã đề ra các giải pháp để thích ứng và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thành công nhiệm vụ “kép’ vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, vun đắp tình cảm hòa bình, hữu nghị và hợp tác quốc tế.
Trong nỗ lực củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, bạn bè và đối tác quốc tế, các tổ chức nhân dân Việt Nam đã khai thác thế mạnh công nghệ thông tin, nhanh chóng chuyển đổi phương thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp để duy trì và phát triển quan hệ với bạn bè, kịp thời tổ chức các hoạt động giao lưu trao đổi tại chỗ, điện đàm, tọa đàm trực tuyến.
Liên hiệp Hữu nghị đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm sự kiện lớn trong quan hệ với các nước như: 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (1950-2020); 70 năm Ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt - Xô/Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt - Nga (23/5/1950 – 23/5/2020) và chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga (30/1/1950 - 30/1/2020); 25 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ; 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba (2/12/1960-2/12/2020); 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với một số nước Đông Âu; 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức…; 65 năm thành lập Hội Việt - Pháp...
Các tổ chức nhân dân Việt Nam cũng đã tham gia có trách nhiệm trong các tổ chức và cơ chế đa phương, đóng góp tích cực vào thành công của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN; thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Liên hiệp Hữu nghị đã đăng cai và tổ chức rất thành công Diễn đàn nhân dân ASEAN 2020 theo phương thức trực tuyến, với chủ đề “Đoàn kết nhân dân Đông Nam Á vì một cộng đồng bao trùm, gắn kết và chủ động thích ứng”, thu hút sự tham gia của hàng nghìn đại biểu quốc tế với trên 20 hội thảo về 11 cụm chủ đề; thông qua được tuyên bố chung của Diễn đàn với các nội dung tích cực, phù hợp với lợi ích của Việt Nam và đáp ứng quan tâm chung của nhân dân khu vực.
Về hoạt động hợp tác nhân dân trong phòng, chống đại dịch COVID-19, các tổ chức nhân dân đã tích cực thông tin đến bạn bè quốc tế về tình hình chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè. Thông cảm với khó khăn của bạn bè quốc tế, xuất phát từ truyền thống tương thân tương ái, “nhường cơm sẻ áo” của dân tộc Việt Nam, Liên hiệp Hữu nghị và các thành viên đã quyên góp, vận động quyên góp gần 1 triệu khẩu trang, hàng nghìn thiết bị y tế và tiền mặt với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng để ủng hộ nhân dân các nước bạn phòng, chống đại dịch.
Những hoạt động tích cực của Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức nhân dân Việt Nam đã đóng góp vào thành công chung của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19, góp phần khẳng định tính ưu việt của chế độ ta, sự gắn kết, đồng lòng giữa Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Đối ngoại nhân dân đã hỗ trợ đắc lực cho ngoại giao y tế của cả nước, củng cố, vun đắp tình hữu nghị với nhân dân các nước, tô đẹp thêm hình ảnh của Việt Nam là một dân tộc giàu truyền thống nhân văn, một điểm đến an toàn đối với đầu tư và du lịch… nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam.
Là cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025, gắn mục tiêu vận động viện trợ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương, Liên hiệp Hữu nghị đã thực hiện tốt vai trò cơ quan đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hầu hết các hoạt động đối ngoại đều gặp hạn chế, nhưng Liên hiệp Hữu nghị đã nỗ lực vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài viện trợ cho Việt Nam với tổng giá trị gần 250 triệu USD.
Thông qua kênh Điều phối viện trợ nhân dân, Liên hiệp Hữu nghị đã vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam chung tay hỗ trợ nhân dân Việt Nam chống COVID-19 với hơn 6,5 triệu USD. Đặc biệt, 77 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và Trung tâm dữ liệu phi chính phủ đã có thư chung gửi lãnh đạo Việt Nam hoan nghênh chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong ứng phó với COVID-19. Đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua, 42 tổ chức phi chính phủ cũng quyên góp ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai với tổng số tiền gần 9 triệu USD.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, công tác thông tin đối ngoại cũng đạt được những kết quả tích cực. Năm 2020, các đơn vị truyền thông của Liên hiệp Hữu nghị đã đăng tải hàng chục nghìn tin, bài, ảnh, clip; thường xuyên cung cấp thông tin về chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; cập nhật tình hình dịch COVID-19, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; thông tin chính xác về chủ quyền biển đảo, biên giới, các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; tuyên truyền sâu rộng về các hoạt động đối ngoại nhân dân, quan hệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới, công tác vận động phi chính phủ nước ngoài...
Hiện Tạp chí Thời Đại, diễn đàn của Liên hiệp Hữu nghị đã được phát hành bằng 6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung Quốc, Nga, Lào, Khmer với nhiều thông tin nhanh, nhạy, hình thức phong phú, đa dạng và có số lượng độc giả ngày càng tăng.
Qua những kết quả đạt được trong năm 2020, Đại sứ đánh giá và rút những bài học kinh nghiệm nào trong hoạt động?
Qua một năm khó khăn, thách thức với nhiều biến động phức tạp, chúng tôi đã tổng kết, đánh giá và rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trước tiên là việc bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo Chính phủ. Tiếp đó là sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực của toàn thể hệ thống Liên hiệp Hữu nghị, từ lãnh đạo, cán bộ trong cơ quan thường trực cũng như các tổ chức thành viên.
Một yếu tố rất quan trọng nữa là sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai hoạt động giữa Liên hiệp Hữu nghị với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là giữa ba trụ cột ngoại giao; giữa cơ quan thường trực với các tổ chức thành viên và giữa các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương. Liên hiệp Hữu nghị có số lượng tổ chức thành viên tương đối đông đảo, gồm 116 thành viên, trong đó có 64 tổ chức thành viên ở Trung ương và 52 tổ chức thành viên ở địa phương.
Việc huy động, tập hợp lực lượng trong các tổ chức nhân dân Việt Nam và khu vực trong đó, chú trọng xây dựng mạng lưới đối tác, duy trì việc trao đổi thông tin thường xuyên cũng cần được quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Một bài học kinh nghiệm nữa là nhân tố cán bộ. Phải tin tưởng, mạnh dạn giao việc, hướng dẫn, rút kinh nghiệm, tạo điều kiện để cán bộ cấp dưới phát huy được khả năng, sở trường của mình; đào tạo cán bộ bằng cách để cán bộ trẻ được trực tiếp tham gia những nhiệm vụ chính trị mà Liên hiệp Hữu nghị tiến hành, kể cả những nhiệm vụ khó, để cán bộ trưởng thành thông qua hoạt động thực tế.
Với vai trò là đầu mối của các hoạt động đối ngoại nhân dân, Liên hiệp Hữu nghị sẽ hướng vào những nội dung trọng tâm nào trong năm 2021 để góp phần thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng phong phú, đa dạng và hiệu quả, thích ứng với tình hình mới?
Năm 2021 là năm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, do đó, công tác đối ngoại nhân dân sẽ sớm được quán triệt và tập trung vào việc xây dựng chương trình hành động triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII. Trong năm 2021, công tác đối ngoại nhân dân sẽ tập trung vào một số trọng tâm như: Tăng cường các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng Lào, Campuchia, Trung Quốc và các nước ASEAN, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống; chú trọng nội dung chính trị, nâng cao hiệu quả thực chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, các ngày lễ lớn quan trọng của Việt Nam và các nước.
Đồng thời, tăng cường hợp tác có hiệu quả với các đối tác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, chất độc da cam, bom mìn, hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh; tăng cường thông tin vận động bạn bè quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền biển đảo, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; chủ động đối thoại và tiếp tục vận động đấu tranh dư luận trên các vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.
Các lực lượng đối ngoại nhân dân cũng tham gia tích cực, hiệu quả vào các cơ chế, mạng lưới, tổ chức nhân dân đa phương quốc tế, liên khu vực và khu vực; các hoạt động liên quan đến Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030; nghiên cứu khả năng tham gia các cơ chế, diễn đàn quốc tế quan trọng để mở rộng mạng lưới bạn bè, vận động dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam; thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về Việt Nam; tổ chức thành công Đại hội lần thứ 22 của Hội đồng hòa bình thế giới năm 2021.
Công tác phi chính phủ nước ngoài tích cực triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025; thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý, giám sát hoạt động và viện trợ phi chính phủ nước ngoài giữa các cơ quan thành viên Ủy ban cũng như giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.
Các đơn vị trong Liên hiệp Hữu nghị đẩy mạnh làm việc trực tuyến, chuẩn hóa, chia sẻ cơ sở dữ liệu về công tác phi chính phủ nước ngoài với các cơ quan trong Ủy ban và triển khai xử lý thủ tục hành chính điện tử cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, gắn kết công tác phi chính phủ nước ngoài với mục tiêu chính trị - đối ngoại và công tác hòa bình, đoàn kết, hữu nghị.
Đặc biệt, năm 2021, đơn vị có nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng về thành công của Đại hội Đảng XIII, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới; thành tựu xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình Biển Đông và chủ quyền biển đảo của Việt Nam; công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền; thành tựu trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; hoạt động đối ngoại nhân dân. Nghiên cứu việc mở thêm các chuyên trang tiếng nước ngoài trên Tạp chí Thời Đại điện tử...
Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ đối ngoại nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu của Liên hiệp Hữu nghị kết hợp với việc huy động các chuyên gia đối ngoại tham gia các dự án nghiên cứu khoa học; tiếp tục rà soát, sắp xếp, củng cố và phát triển hệ thống tổ chức thành viên theo hướng thiết thực, hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...
Trân trọng cảm ơn Đại sứ. Chúc Đại sứ một năm mới nhiều sức khỏe, công tác đối ngoại nhân dân ngày càng thành công!