12/12/2024 lúc 21:02 (GMT+7)
Breaking News

Gợi mở giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện khả năng hội nhập quốc tế

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ lệ rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, khối DNNVV chiếm trên 97% về số lượng. Hàng năm, các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động trên cả nước.
Ảnh minh họa - TL

Tóm tắt:

Bài viết nhằm tìm hiểu hiện trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời đề xuất giải pháp giúp khối doanh nghiệp này cải thiện khả năng hội nhập dựa trên việc tham khảo một số nghiên cứu quốc tế về những yếu tố quyết định khả năng hội nhập của doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ lệ rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, khối DNNVV chiếm trên 97% về số lượng. Hàng năm, các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động trên cả nước. Mặc dù số lượng DNNVV đông đảo, song quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn, số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% tổng số DNNVV. Chính bởi quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính mỏng, nên hoạt động của khu vực DNNVV gặp nhiều thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh từ đầu năm 2020 đến nay, trước những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, phải đối mặt với biến cố đại dịch Covid-19, nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nhiều hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, khiến hàng vạn doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng phải dừng hoạt động, không tìm được lối đi.

Việc tìm hiểu về các chính sách đang và sẽ hỗ trợ khối DNNVV cùng các nhân tố tác động đến quá trình quốc tế hóa của DNNVV là rất cần thiết, nhằm giúp các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong tư duy phát triển, sử dụng tốt sự hỗ trợ của chính sách và hoàn thiện chính mình để vượt qua khó khăn, gia nhập dòng chảy thương mại toàn cầu.

2. Cơ sở thực tiễn và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở thực tiễn

Về chính sách hỗ trợ khối DNNVV, trong những năm gần đây, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện khung pháp lý nhằm đổi mới, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, khối DNNVV nói riêng phát triển. Năm 2017, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức được Quốc hội ban hành, tạo hành lang pháp lý cao nhất cho khối DNNVV hoạt động. Năm 2020, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi ra đời (có hiệu lực từ đầu năm 2021), tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có khối DNNVV. Cùng với đó, Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Phá sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật khác đều hướng tới mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh, đổi mới sáng tạo của các cá nhân, doanh nghiệp, để vươn lên khẳng định giá trị trên thương trường.

Trong diễn biến mới nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/10/2021) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định số 80/2021/NĐ-CP đã quy định tiêu chí xác định DNNVV, kèm theo đó là các giải pháp hỗ trợ khối doanh nghiệp này trong quá trình kinh doanh.

Về tiêu chí xác định DNNVV, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP nêu rõ, doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng, hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng, hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng.

Về các giải pháp hỗ trợ, Nghị định quy định việc hỗ trợ công nghệ, thông tin, tư vấn và phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Chẳng hạn, với các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất khi vay vốn trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng để thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh khi doanh nghiệp đủ điều kiện cần thiết. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất đối với 01 phương án, dự án sản xuất - kinh doanh trong cùng một giai đoạn. Trong từng thời kỳ, mức chênh lệch lãi suất được ngân sách nhà nước cấp bù cho các khoản vay của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua các tổ chức tín dụng là 2%/năm,…

Trong 5 năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách pháp lý thúc đẩy và tạo thuận lợi để khối DNNVV cải thiện sức cạnh tranh, trụ lại với thương trường và phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khối doanh nghiệp này rất dễ bị tổn thương bởi các khó khăn từ môi trường kinh doanh. Chẳng hạn, trong khó khăn của đại dịch Covid-19, năm 2020, Việt Nam có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Trong 8 tháng đầu năm 2021, có tới 85.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, trong đó đại đa số thuộc khối DNNVV.

Dù được hỗ trợ để phát triển trong nhiều năm qua, nhưng khối DNNVV còn nhiều mặt hạn chế, cần nhận diện để có giảp pháp cải thiện. Các hạn chế về vốn, kinh nghiệm, năng lực quản trị,… đã được nhiều nhà nghiên cứu phân tích, đánh giá, nhưng có một hạn chế lớn chưa được chỉ ra đó là khả năng mở rộng thị trường, mạnh dạn tìm cơ hội trên thị trường quốc tế của khối DNNVV. Theo một báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á, hiện nay mới chỉ có 21% các DNNVV của Việt Nam có tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thấp hơn so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia.

Những năm gần đây, Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do với Vương quốc Anh và trước đó là với EU. Để tận dụng được lợi ích từ công cuộc hội nhập của nền kinh tế đất nước, khối DNNVV cần nhận thức rõ những yếu tố cốt lõi, dẫn dắt và quyết định khả năng vươn ra quốc tế của doanh nghiệp là gì, từ đó cần hoàn thiện chính mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, mạnh dạn nghiên cứu, tìm kiếm các thị trường mới trên con đường phát triển.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Do chưa có điều kiện thực hiện một nghiên cứu riêng tại Việt Nam nhằm đánh giá các yếu tố quan trọng tác động đến khả năng hội nhập quốc tế của khối DNNVV, nên tác giả tìm kiếm từ một số nghiên cứu quốc tế về chủ đề này, với mong muốn đưa ra một số góc nhìn và khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nghiên cứu của Lecerf (2012) nêu ra 18 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng quốc tế hóa của một doanh nghiệp, như: tuổi doanh nghiệp, kích cỡ doanh nghiệp, vị trí địa lí, tình hình tài chính, khả năng chuyển nhượng công nghệ và nguồn nhân lực, kiến thức về thị trường, sự hiện diện của các nguồn tài nguyên vô hình,… Trong các nhân tố này, Lecerf cho rằng, người sáng lập và các thành viên quản lý cao cấp có ảnh hưởng quyết định đến khả năng quốc tế hóa của một doanh nghiệp.

Nghiên cứu của Mucchielli và Puech (2004) cho rằng, yếu tố đầu tiên là kinh nghiệm, các trải nghiệm của người chủ, cho phép họ tự tin vượt qua các rào cản văn hóa (ngôn ngữ, các tục lệ trong kinh doanh, pháp lý) để bước chân ra thị trường quốc tế. Yếu tố thứ hai là trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp. Yếu tố thứ ba là năng lực quản lý, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu các hàng hóa mà doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường.

Nghiên cứu của Loue (2018) chỉ ra 6 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, bao gồm: quản trị tài chính; khả năng phát hiện các cơ hội; khả năng thương mại và marketing; khả năng quản trị nguồn nhân lực; quản trị chung và các kỹ năng xã hội. Theo quan sát của tác giả, 6 nhóm yếu tố Loue (2018) chỉ ra cũng là 6 nhóm yếu tố tác động đến sự thành công của các doanh nghiệp chỉ hoạt động trong nội địa. Mặc dù vậy, giữa nhóm “doanh nghiệp chỉ hoạt động nội địa” và nhóm “doanh nghiệp xuất khẩu” có sự khác biệt đáng kể về mức độ quan trọng của 6 yếu tố cốt lõi quyết định hiệu quả của doanh nghiệp.

Từ việc tham khảo các nghiên cứu quốc tế, tác giả đề xuất Bảng tổng hợp đánh giá mức độ quan trọng của 6 yếu tố cốt lõi đến hiệu quả của 2 loại hình doanh nghiệp, sắp xếp theo thứ tự giảm dần từ 1 đến 6.

Với kết quả được hình thành như tại Bảng trên, khối DNNVV có mục tiêu tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh sang thị trường quốc tế cần hoàn thiện cả 6 yếu tố, trong đó “Quản trị tài chính”; “Phát hiện các cơ hội” và “Quản trị nguồn nhân lực” là quan trọng nhất.

3. Đề xuất một số giải pháp

3.1. Đối với khối DNNVV

Thứ nhất, DNNVV cần cải thiện năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị tài chính. Nghiên cứu của Mucchielli và Puech (2004) chỉ ra rằng, năng lực quản trị của người sáng lập và các thành viên quản lý cao cấp có ảnh hưởng quyết định đến khả năng mở rộng thị trường, quốc tế hóa của một doanh nghiệp. Đặc biệt, trình độ học vấn, kinh nghiệm, các trải nghiệm của người chủ doanh nghiệp là những yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp tự tin vượt qua các rào cản văn hóa (ngôn ngữ, các tục lệ trong kinh doanh, pháp lý) để bước chân ra thị trường quốc tế. Theo đó, các DNNVV cần tự nhìn lại mình và hoàn thiện năng lực cốt lõi từ chính mình cho các mục tiêu phát triển xa hơn.

Thứ hai, DNNVV cần chú trọng việc đào tạo đội ngũ nhân sự giỏi và giữ chân nhân sự giỏi, vì đây là yếu tố cốt lõi cho việc thực thi thành công chiến lược vươn ra thị trường quốc tế. Đối với các cấp bậc quản lý, doanh nghiệp cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc đào tạo chuyên sâu và giữ chân họ ở lại làm việc lâu dài, vì lợi ích của chính doanh nghiệp và người lao động. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát; Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh; Tập đoàn An Phát; Công ty Chứng khoán SSI và hầu hết các ngân hàng cổ phần áp dụng giải pháp giữ chân lao động giỏi bằng việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho họ. Đây cũng là cách các DNNVV nên xem xét, thực hiện khi muốn người lao động gắn bó và dành tâm huyết cho hoạt động nâng tầm doanh nghiệp lên mức phát triển cao hơn.

Thứ ba, DNNVV cần tiến hành các nghiên cứu thị trường, nhận diện các khách hàng có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trên các thị trường mới. Để thực thi được, DNNVV cần trả lời được những câu hỏi cụ thể, chẳng hạn: Giá trị độc đáo mà sản phẩm/dịch vụ doanh nghiệp có thể cung cấp cho khách hàng trong thị trường mục tiêu là gì? Thị trường mục tiêu đang có những sản phẩm/dịch vụ nào tương tự? Đâu là những sự khác biệt về văn hóa, về thói quen tiêu dùng ở thị trường mục tiêu so với thị trường hiện có mà doanh nghiệp đang phục vụ? Đâu là những phân khúc khách hàng tiềm năng nhất và cách nào hiệu quả nhất để sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến được với các khách hàng tiềm năng?... DNNVV càng cụ thể hóa các đánh giá, các mục tiêu trong giai đoạn đầu thực thi việc mở rộng thị trường thì càng có nhiều khả năng thành công và tạo dựng chỗ đứng trong thị trường mới. Việc tiến hành nghiên cứu thị trường quốc tế cần chi tiết và sâu sắc hơn so với thị trường nội địa, để các cơ hội được nhận diện rõ nét và không phải trả giá cho những ảo tưởng, sai lầm.

Thứ tư, DNNVV cần trang bị kiến thức về các quy định pháp lý liên quan đến hải quan, xuất nhập khẩu, ngoại hối,… vì đây là nền tảng pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm khi doanh nghiệp muốn phát triển trên thị trường quốc tế.

3.2. Về phía Chính phủ

Để khuyến khích các DNNVV mở rộng tìm kiếm cơ hội trên thị trường quốc tế, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, bên cạnh các chính sách, giải pháp hiện hành, Chính phủ cần xây dựng trang web chính thống, cung cấp, kết nối các thông tin cập nhật về các thị trường xuất khẩu, các cơ hội kết hợp giữa những doanh nghiệp có chung mục đích để mở rộng quan hệ đối tác phát triển giữa Việt Nam và quốc tế. Giải pháp này rất cần thiết vì nhiều DNNVV còn bị hạn chế trong khả năng tìm kiếm thông tin, nhất là trên thị trường nước ngoài.

Hai là, Chính phủ cần nghiên cứu chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DNNVV có sản phẩm, dịch vụ được tiêu thụ tại thị trường quốc tế trong 3-5 năm đầu tiên, nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp tích tụ tài chính, mở rộng hơn nữa việc nắm bắt các cơ hội kinh doanh quốc tế.

Ba là, Chính phủ cần tiếp tục các chiến dịch làm quảng bá hình ảnh của Việt Nam tại các quốc gia khác, để giúp doanh nghiệp giảm bớt các chi phí quảng cáo mà đáng lẽ phải chi trả khi muốn tiếp cận khách hàng mới, góp phần tăng sức bền tài chính cho các doanh nghiệp.

Bốn là, Chính phủ cần xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ việc bảo vệ quyền lợi của DNNVV khi phải đối mặt với những rủi ro pháp lý, tranh chấp quốc tế. Giải pháp này nhằm tạo sự yên tâm cho các DNNVV trên bước đường tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh, mở rộng thị trường ra ngoài phạm vi Việt Nam.

4. Kết luận

Năm 2019, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vượt qua mốc 500 tỷ USD và chỉ tiêu này tiếp tục tăng trưởng 5,1% trong năm 2020, đạt 543,9 tỷ USD. Những con số trên cho thấy quá trình hội nhập, quốc tế hóa các quan hệ giao thương của Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn trong phát triển nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê, khối doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 23-25% kim ngạch hàng xuất khẩu, trong đó đóng góp của khối DNNVV tại Việt Nam còn hạn chế hơn nữa. Tuy nhiên, trong tương lai, với sự hỗ trợ của chính sách từ Nhà nước và sự nỗ lực tự thân từ chính doanh nghiệp, kỳ vọng khối DNNVV sẽ mạnh dạn nắm bắt cơ hội, vươn lên hoàn thiện mình để tự tin mở rộng thị trường, trong đó có việc bước ra thị trường quốc tế.

Ths Bùi Ngọc Trâm

Trường Đại học Công nghệ Đông Á

------------------------- 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Mucchielli, Jean-Louis, and Florence Puech. (2004). Location of Multinational Firms: An Application of the Ellison and Glaeser Index to French FDI in Europe. In Economic Integration and Multinational Investment Behaviour, edited by P.-B. Ruffini, 41-51. Paris: Edward Elgar Publishing.
  2. Lecerf, Marjorie-Annick. (2012). Determinants de l’internationalisation des PME fran¸caises: les leviers du developpement international des PME fran¸caises: proposition et test d’une hierarchisation (Determinants of the internationalization of French SMEs: the levers for the international development of French SMEs: proposal and test of a Tiering). Revue internationale PME: Economie et gestion de la petite et moyenne entreprise, 25(1), 117-149. doi:10.7202/1014876ar.
  3. Loué, Christophe. (2018). Firms and internationalization: An approach based on the skills and the profile of the entrepreneur. Journal of Small Business & Entrepreneurship, 30(5), 345-374.
  4. Pantin, Fran¸cois. (2004). La conduite du processus d’internationalisation par les competences de l’equipe dirigeante le cas d’une moyenne entreprise fran¸caise (The conduct of the internationalization process by the competences of the management team, the case of a French mediumsized company). Management & Avenir, 2, 119 -139. doi:10.3917/mav.002.0119.
  5. Pantin, Fran¸cois. (2006). L’internationalisation, un defi pour les competences de l’equipe dirigeante d’une PME (The internationalization, a challenge for the skills of the SME management team). Gestion, 31(1), 77-87. doi:10.3917/riges.311.0077.
...