23/01/2025 lúc 06:23 (GMT+7)
Breaking News

Gỡ khó cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc sáu tháng đầu năm 2021 đạt hơn 8,67 tỷ USD, tăng 38,8% so cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc sáu tháng đầu năm 2021 đạt hơn 8,67 tỷ USD, tăng 38,8% so cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 35,8%; nhập khẩu đạt 2,5 tỷ USD, tăng 46,8% so cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, thời gian gần đây, quy trình chống dịch Covid-19 phía Trung Quốc đã có một số thay đổi làm ảnh hưởng đến thông thương hàng nông sản, gây phát sinh chi phí cũng như khó khăn hơn cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa.

Xuất khẩu nông sản qua Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai).

“Tắc đường” nông sản
Trong hai ngày 16 và 17/8, tại cặp cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng, Lạng Sơn, Việt Nam) và Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc) tạm dừng thông quan hàng hóa nên đã xảy ra ùn ứ số lượng lớn hàng nông sản. Nguyên nhân do phía cửa khẩu Pò Chài tạm dừng hoạt động thông quan để rà soát, thống nhất với Lạng Sơn về các biện pháp tăng cường quy trình giao nhận hàng hóa qua khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết: Ban quản lý đã tiến hành hội đàm với các cơ quan chức năng Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc).
Qua hội đàm, hai bên nhất trí thực hiện việc thí điểm điều chỉnh quy trình xuất, nhập khẩu hàng hóa theo hướng lái xe chuyên trách Việt Nam bàn giao phương tiện cho lái xe chuyên trách người Trung Quốc tại bến bãi khu vực Pò Chài (Trung Quốc) để thực hiện các thủ tục giao nhận hàng hóa từ ngày 17 đến 31/8. Theo đó, từ ngày 18/8 đến nay cửa khẩu Tân Thanh tiếp tục được thông quan trở lại. Cụ thể từ ngày 19/7 đến 26/8, cửa khẩu Tân Thanh đã xuất hơn 83.780 tấn thanh long; 53.000 tấn vải thiều. Đến hết ngày 26/8, tại cửa khẩu Tân Thanh xuất được 166 xe hàng các loại, trong đó có 117 xe thanh long.
Còn tại cửa khẩu phụ Cốc Nam (Văn Lãng), từ ngày 26/8, phía Trung Quốc thông báo tạm dừng hoạt động xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu Lũng Vài (đối diện cửa khẩu Cốc Nam của Lạng Sơn) với lý do phục vụ công tác phòng, chống dịch. Thời gian khôi phục lại sẽ được xem xét trên tình hình dịch bệnh và lượng hàng thông quan tại cửa khẩu mới có quyết định chính thức.
Trong khi đó, từ đầu tháng 8/2021, phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam qua cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc) cũng với lý do kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19. Ông Hà Đức Thuận, Phó Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết: Việc doanh nghiệp Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cặp cửa khẩu Kim Thành - Bắc Sơn đã khiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Tính trong thời gian một tuần trước khi dừng xuất khẩu thanh long so với thời gian một tuần sau thời điểm dừng xuất khẩu thanh long, kim ngạch xuất khẩu giảm 37%, số lượng phương tiện giảm 26%, gây khó khăn lớn cho việc tiêu thụ thanh long cho nông dân các tỉnh, thành phố ở miền trung và miền nam.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động thông thương hàng hóa, thời gian qua Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và Sở Công thương, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã chủ động nắm bắt diễn biến, báo cáo UBND tỉnh kịp thời đưa ra những giải pháp ứng phó linh hoạt như: tổ chức các cuộc hội đàm trực tiếp với cơ quan ngang cấp của Quảng Tây (Trung Quốc) để trao đổi, đề xuất giải pháp thúc đẩy thông quan; kịp thời xử lý những vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu để tạo điều kiện cho hàng hóa thông quan nhanh và thuận lợi nhất.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn Liễu Anh Minh cho biết: Trước tình hình thông quan như hiện nay, các doanh nghiệp nên xem xét, cân nhắc bố trí thời gian hợp lý để đưa hàng hóa đến các cửa khẩu của tỉnh. Đồng thời khuyến nghị các thương nhân chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ tiểu ngạch sang chính ngạch để giảm thiểu rủi ro.

Quả vải thiều được kiểm tra, đóng gói bảo quản trước khi làm thủ tục thông quan, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Về phía tỉnh Lào Cai, theo đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để bảo đảm thông thương hàng hóa qua cửa khẩu ổn định và thuận lợi, tỉnh đã phối hợp với phía Hà Khẩu (Trung Quốc) điều chỉnh phương án quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu qua cặp cửa khẩu quốc tế Kim Thành - Bắc Sơn. Trước mắt, đề nghị phía Trung Quốc nhập khẩu trở lại mặt hàng quả thanh long tươi của Việt Nam trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong đầu tháng 9/2021. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát người, phương tiện ra, vào hoạt động trong khu vực cửa khẩu, nhằm bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, duy trì hoạt động xuất, nhập khẩu ổn định và thuận lợi.
Chung tay với các tỉnh tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có công thư gửi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc và Tỉnh trưởng Vân Nam (Trung Quốc) đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan và xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để trao đổi về tình hình thương mại Việt Nam - Trung Quốc và các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, thông quan các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía bắc.
Cùng với nỗ lực giải quyết các khó khăn phát sinh, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị phía Trung Quốc phê chuẩn mở chính thức tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu Tân Thanh - Pò Chài qua khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị quan để mở rộng danh mục, chủng loại các mặt hàng xuất, nhập khẩu qua cặp cửa khẩu này. Để thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng nông sản và giảm tải hoạt động xuất, nhập khẩu tại tuyến cửa khẩu đường bộ, đề nghị Tổng cục Hải quan hai nước hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo đảm khâu kiểm dịch hàng nông sản tại ga đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường và ga đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu.
Về lâu dài, để đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: Tiềm năng thương mại nông sản giữa hai nước còn rất lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật, thực vật, quy trình canh tác đến bao bì, đóng gói nhằm tuân thủ các yêu cầu từ phía doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc, nhất là từ đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian tới. Hiện, Bộ cũng đang thúc đẩy trao đổi trực tuyến với cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên của Việt Nam như: bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa./.