VNHN - Tại châu Mỹ và châu Âu, dịch COVID-19 còn diễn biễn phức tạp, gây tác động không nhỏ đến các hoạt động xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng cá ngừ. Hiện, ngành thủy sản chuyển hướng sản xuất và tiêu thụ để hỗ trợ ngư dân duy trì, bám biển.
Chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải (Phú Yên) (Ảnh: TTXVN)
Tăng cường tiêu thụ nội địa
Theo một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá ngừ đại dương, trong trường hợp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh nhưng ở châu Âu và Mỹ vẫn còn dịch thì thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương vẫn còn khó khăn, bất ổn. Đó là chưa kể món ăn cá ngừ đại dương là "món ăn sang" ở nhà hàng, dành cho người có thu nhập cao nhưng do dịch bệnh, người dân bị mất thu nhập nên sức tiêu thụ sẽ giảm dù khi đó dịch bệnh đã được kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bền Vững (Khánh Hòa) chuyên xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ cho biết, thời gian qua, mỗi tháng, công ty thu mua khoảng 25 - 30 tỷ đồng nguyên liệu nhưng chỉ xuất được khoảng 2 - 3 tỷ đồng. Khi hàng tồn kho, phía doanh nghiệp vẫn trả lãi ngân hàng và trả tiền hàng cho ngư dân. Đó là chưa kể tiền điện tăng đột biến do phải trữ lạnh bảo quản. Điều này gây thêm gánh nặng không nhỏ lên chi phí cho doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay Việt Nam không chỉ là nhà xuất khẩu thủy sản lớn, mà còn là thị trường tiêu thụ thủy sản tiềm năng của nhiều quốc gia khác. Hệ thống các nhà hàng, khách sạn phục vụ cho khách du lịch quốc tế và nội địa; dân số trong độ tuổi tiêu dùng cao, mức thu nhập bình quân của người dân (nhất là ở khu vực đô thị) tăng mạnh, đi kèm xu hướng chọn bữa ăn ngoài gia đình của giới trẻ… Tất cả đã tạo nên một thị trường tiêu thụ thủy hải sản đa dạng, nhiều phân khúc.
Do đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ có thể khai thác tiềm năng này. Bởi nếu không sử dụng ưu thế thị trường nội địa này, người tiêu dùng cũng sẽ lựa chọn những sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Trước tình trạng này, để đảm bảo nguồn cá ngừ của ngư dân khai thác được tiêu thụ kịp thời, các địa phương có đội tàu khai thác cá ngừ đại dương đã tăng cường giải pháp tiêu thụ cá ngừ, giúp ngành khai thác, chế biến ca ngừ gỡ khó trong thời điểm hiện nay.
Cụ thể, tỉnh Phú Yên đã khuyến khích các doanh nghiệp tập trung quảng bá sản phẩm cá ngừ và đẩy mạnh việc tiêu thụ nội địa thông qua hoạt động dịch vụ, du lịch. Đồng thời, UBND tỉnh Phú Yên không khuyến khích ngư dân tăng số lượng tàu cá, mà tập trung sâu các khâu bảo quản sau khai thác để nâng cao chất lượng cá ngừ và đẩy mạnh khâu tiêu thụ nội địa.
Đặc biệt, khoảng hơn 1 năm nay, một số nhà hàng, khách sạn, khu du lịch lớn của tỉnh thường xuyên tổ chức mời chuyên gia ẩm thực đến trình diễn xẻ thịt và chế biến cá ngừ đại dương phục vụ thực khách. Qua các hoạt động này, góp phần đưa đặc sản cá ngừ Phú Yên đến nhiều người tiêu dùng trong nước, nâng cao giá trị và thương hiệu cá ngừ đại dương.
Cùng ngư dân vượt qua khó khăn
Đứng trước những khó khăn hiện nay của ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu cá ngừ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành, hiệp hội ngành hàng chủ động xây dựng các phương án, kịch bản xuất khẩu nông, thủy sản đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng thế giới khi hết dịch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo, đối với các địa phương có tàu cá hiệu quả sản xuất thấp, chính quyền địa phương hướng dẫn ngư dân trong thời gian này có thể tạm thời không đi khai thác, tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng tàu và ngư lưới cụ, góp phần giảm cường lực khai thác trong ngắn hạn, để nguồn lợi thủy sản có thời gian phục hồi.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, các tàu cá tạm dừng khai thác sẽ đăng ký với chính quyền địa phương để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành.
Đồng thời, phía chính quyền địa phương các tỉnh có hoạt động khai thác cá ngừ cũng khuyến cáo các cơ sở chế biến tập trung đẩy mạnh chế biến hải sản (đóng hộp, làm nước mắm, sản phẩm khô, chả cá...). Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn bảo quản đông lạnh, sản phẩm thủy sản đóng hộp và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nhập khẩu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Riêng ngư dân, cần có biện pháp giảm thời gian bảo quản sản phẩm hải sản khai thác trên tàu như giảm bớt thời gian chuyến biển, liên kết với các tàu dịch vụ hoặc tăng cường áp dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác để kịp thời vận chuyển về bờ, đảm bảo chất lượng, cung cấp các sản phẩm hải sản tươi để tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụ thể hóa những chính sách này bằng việc xây dựng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; triển khai Đề án nâng cao giá trị sản phẩm hải sản khai thác và các giải pháp đồng bộ khác để đảm bảo ngành khai thác thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, phát triển bền vững trong thời gian tới.