VNHN - Các Trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật của Quân chủng Hải quân trên các đảo: Trường Sa, Sinh Tồn, Song Tử Tây và làng chài Núi Le, Thuyền Chài có thể tiếp nhận hàng trăm tàu thuyền vào tránh, trú bão khi biển động, sóng to, gió lớn. Ðặc biệt, đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây sẵn sàng tiếp nhận sửa chữa trang bị, phương tiện tàu thuyền, phục vụ và cung cấp nước ngọt miễn phí cho các tàu của ngư dân. Bệnh xá, quân y ở các đảo cũng kịp thời cứu chữa ngư dân khi bị bệnh, hay gặp nạn trên biển.
Bác sĩ Bệnh xá quân dân y trên đảo Song Tử Tây, thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) cấp thuốc miễn phí cho ngư dân. Ảnh: Vũ Hưởng.
Giữa mênh mông biển nước, việc hỗ trợ tránh trú bão, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện tàu thuyền của ngư dân ta là nhiệm vụ quan trọng - mệnh lệnh từ trái tim; vì thế, bộ đội Hải quân luôn nhận, hoàn thành tốt nhiệm vụ này để đồng hành cùng ngư dân bám biển.
Chỉ riêng tháng 10 vừa qua, Trung tâm dịch vụ Hậu cần, Kỹ thuật đảo Song Tử Tây và Sinh Tồn đã bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho hàng chục phương tiện tàu thuyền; hỗ trợ kịp thời các ngư dân bị nạn.
Ông Huỳnh Văn Thanh, ở khu phố 6, phường Phú Ðông, TP Tuy Hòa (Phú Yên), Thuyền trưởng tàu cá PY 96112 TS chia sẻ: Vừa qua, tàu của tôi ra khu vực biển Trường Sa câu cá ngừ đại dương, được gần một tuần thì tàu hỏng máy, phải đưa vào Trung tâm dịch vụ Hậu cần, Kỹ thuật đảo Song Tử Tây sửa chữa. Sau hơn một ngày làm việc cật lực dưới hầm máy, tổ sửa chữa của Trung tâm đã khắc phục kịp thời hỏng hóc, để tàu tiếp tục vươn khơi, bám biển. Bởi vậy, tôi cùng các ngư dân trên tàu rất cảm động, vui và phấn khởi. Vì tàu hỏng máy, nếu không khắc phục được phải đưa về bờ sửa chữa, mất thời gian và chi phí rất tốn kém.
Thời gian qua, mỗi khi có tàu của ngư dân ta vào các trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, làng chài ở các đảo trên quần đảo Trường Sa đề nghị giúp đỡ đều được cán bộ, nhân viên ở đây tận tình hướng dẫn ngư dân về công tác bảo dưỡng, vận hành các loại máy trên tàu, chuẩn bị một số vật tư để chủ động thay thế khi có các sự cố.
Cùng với đó, bộ đội trên đảo còn phát tờ rơi về những điều cần biết cho ngư dân đi biển, cách sơ cấp cứu, điện thoại cứu nạn; hỗ trợ một số nhu yếu phẩm sinh hoạt và các sản phẩm từ tăng gia. Sự giúp đỡ, phần quà tuy nhỏ, nhưng sâu nặng nghĩa tình quân dân ở nơi đầu sóng, ngọn gió.
Trung tá Hoàng Quốc Tiệp, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải đoàn 129 Hải quân cho biết, những năm qua, các trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật và làng chài trên quần đảo Trường Sa đi vào hoạt động, đã góp phần giúp ngư dân ta yên tâm vươn khơi, bám biển, đánh bắt hải sản. Nhất là, khi có tình huống bất trắc trên biển, nhận được thông tin, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, nhân viên đều có mặt kịp thời để cứu giúp ngư dân.
Một kỷ niệm không quên về tình cảm bộ đội Hải quân trên đảo Sinh Tồn dành cho ông Lương Văn Tồn, quê ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) cùng 42 ngư dân.
Ðó là, đầu tháng 10 vừa qua, tàu QNa 91919 TS của ông Tồn gặp nạn, bị chìm, được đưa vào đảo tránh trú, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã dành từng viên thuốc, bộ quần áo, nơi ăn nghỉ cho các ngư dân trên tàu chu đáo nhất, góp phần làm ấm lòng các ngư dân khi gặp nạn, giúp họ vững tin tiếp tục nghề truyền thống đi biển đánh bắt hải sản.
Hiện nay, Trung tâm dịch vụ Hậu cần, Kỹ thuật đảo Sinh Tồn có vị trí neo đậu bảo đảm an toàn cho tàu thuyền cả trong mùa mưa bão; cảng cập cho tàu có trọng tải đến 2.000 tấn; triền kéo tàu, phục vụ sửa chữa các loại tàu cá có trọng tải đến 50 tấn.
Trước kia, mỗi chuyến tàu ngư dân đi biển đánh bắt hải sản thường kéo dài từ 15 đến 20 ngày, nhưng từ khi các âu tàu, làng chài trên quần đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đi vào hoạt động, tàu ngư dân ta có thể vươn khơi, khai thác hải sản trên biển từ 30 - 60 ngày.
Tuy nhiên, để bám biển liên tục, dài hơn nữa, bà con ngư dân mong muốn có các công ty, đội tàu làm công tác thu mua hải sản trên vùng biển xa bờ, hay có kho lạnh để bảo quản hải sản.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ hiện hành của Nhà nước, việc có đội tàu thu mua hoặc kho đông lạnh tại quần đảo Trường Sa sẽ giúp giảm đến mức thấp nhất chi phí cho mỗi chuyến đi biển, góp phần giúp ngư dân vững tin vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.