Tọa lạc tại phố Mai Xuân Dương, phường Đông Thọ, Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa có một “Không gian văn hóa Việt” được xây dựng trên diện tích hơn 16.000m2. Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm những sản phẩm văn hóa đặc sắc, đa dạng, phong phú được tích hợp trong một không gian vừa đủ cho lộ trình du lịch dài hơi của du khách gần xa.
Không gian văn hóa Việt
Khác với các không gian văn hóa đã được kiến tạo ở nhiều nơi, “Không gian văn hóa Việt”được tạo dựng, sắp xếp thành 14 khu trưng bày. Mỗi khu trưng bày tạo cho du khách những cảm nhận khác nhau về giá trị văn hóa, văn minh. Những thông điệp văn hóa, văn minh không chỉ chứa trong những cổ vật từ nền Văn hóa Đông Sơn rực rỡ và những cổ vật ở giai đoạn tiếp theo mà những thông điệp văn hóa còn đượccác nghệ nhân với óc tưởng tượng phong phú đã thổi vào những nguyên vật liệu tự nhiên như gốc cây, tảng đá thành những tác phẩm nghệ thuật có hình dáng phỏng theo, có họa tiết tinh xảo và rất có hồn.
Nhà trưng bày hiện vật Văn hóa Đông Sơn
Ấn tượng đầu tiên khi đến “Không gian văn hóa Việt” là vẻ đẹp nên thơ, hữu tình được kiến tạo thành một không gian xanh mát với nhiều loại cây được thu thập trong tự nhiên, có nhiều cây bon sai quý giá, có suối nước chảy róc rách, có hồ cá koi tung tăng bơi lượn, có các khu trưng bày cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là mô hình đĩa bay (UFO) phỏng tạo khá công phu, đẹp mắt, có đường kính 10m, chiều cao 8m. Nhiều quan niệm cho rằng, nền văn minh trên trái đất có bàn tay của người ngoài hành tinh. Thông qua đĩa bay, người ngoài hành tinh đã đến trái đất và để lại cho loài người trên trái đất nền văn minh rực rỡ từ thời cổ đại.
Mô hình đĩa bay (UFO)
Điểm nhấn tại “Không gian văn hóa Việt” chính là nhà trưng bày cổ vật Văn hóa Đông Sơn, giới thiệu hơn 1000 hiện vật gồm công cụ sản xuất (lưỡi rìu, lưỡi cày, lưỡi liềm, đục, lưỡi câu, chì lưới); đồ dùng sinh hoạt (thạp đồng, bình, vò, nồi, ấm, chậu, đỉnh, lư đồng…); đồ gốm với nhiều kiểu dáng (nồi, chậu, bình, vò, chì lưới, chân chạc…); vũ khí bằng đồng đa dạng về loại hình, độc đáo về kiểu dáng (giáo, dao găm, kiếm ngắn, rìu chiến, mũi lao, mũi tên, tấm che ngực, bao tay…); trống đồng là di vật điển hình của Văn hóa Đông Sơn, có kích thước lớn, hình dáng cân đối, đường nét hoa văn tinh xảo thể hiện trình độ kĩ thuật chế tác rất cao. Hiện vật tiêu biểu mang đặc trưng Văn hóa Đông Sơn vùng sông Mã là lưỡi cày hình cánh bướm. Việc sử dụng cày đánh dấu sự phát triển của nông nghiệp, đưa xã hội Đông Sơn tiến vào ngưỡng cửa văn minh. Tất cả hiện vậtVăn hóa Đông Sơnđược trưng bày tại đây đều được phát hiện và sưu tầm trên địa bàn Thanh Hóa. Tham quan nhà trưng bày hiện vật Văn hóa Đông Sơn không chỉ giúp người xem có được cái nhìn tổng quát về một nền văn minh rực rỡ của dân tộc Việt cách ngày nay trên dưới 2000 năm mà còn là nơi lưu giữ, bảo tồn các cổ vật quý hiếm, góp phần ngăn chặn “chảy máu cổ vật” đã và đang ngày càng trở nên nhức nhối.
Tác phẩm "Bát tiên quá hải"
Phiến đá lớn màu xanh đạt kỉ lục Guinness có nguồn gốc tại Hà Trung (Thanh Hóa)
Một đặc điểm dễ nhận thấy sự khác biệt ở “Không gian văn hóa Việt” so với nơi khác là các tác phẩm từ đá quý hiếm và từ gỗ. Những “linh vật”, “linh khí” của núi rừng đã vượt đại ngàn hội tụ về đây. Nếu du khách chưa từng nhìn thấy, sờ thấy những phiến đá lớn thì khi đến đây du khách sẽ đượcmục sở thị 02 phiến đá lớn màu xanh, với chiều dài 6m, chiều rộng 4m và nặng trên 50 tấn, đây là 02 phiến đá lớn bậc nhất tại Việt Nam.Các tác phẩm đá do các nghệ nhân tạo nên dễ khiến người xem phải trầm trồ thán phục với đường nét tinh xảo, kì công như tác phẩm “Tam long tranh châu”, “Cá chép ngậm tiền”. Bên cạnh những tác phẩm đá do con người tạo nên thì cũng có nhiều tác phẩm đá do chính mẹ thiên nhiên ban tặng mang hình dáng giống các sinh vật trong tự nhiên như hình cá, dáng rùa. Đặc biệt,nơi đây còn trưng bàymột số khối đá ruby(hồng ngọc) còn nguyên vẹn, rất giá trị.
Tác phẩm "Tam long tranh châu"
Khối đá tự nhiên hình cá
Khối đá ruby (hồng ngọc) còn nguyên chưa được chế tác
Khi tham quan về những sản phẩm từ gỗ, hẳn du khách sẽ bất ngờ với nhiều tác phẩm đặc sắc do bàn tay con người tỉ mẫn tạo thành hoặc do tự nhiên kiến tạo. Nổi bậtlà khu trưng bày gỗ nu hương với nhiều súc gỗ lớn và vô cùng giá trị. Gỗ nu hương được ví như báu vật của rừng già, không phải có tiền là sở hữu được. Nhiều người cho rằng gỗ sưa là loại gỗ đắt nhất hiện nay, nhưng so với gỗ nu, gỗ sưa vẫn chưa là gì cả. Gỗ nu rất có giá trị, được giới sành gỗ ca tụng đắt và quý hiếm hơn cả kim cương. Bởi kim cương chỉ cần có tiền là mua được, nhưng gỗ nu không phải muốn là mua được. Gọi là gỗ nu, nhưng thực chất đây không phải là tên của một loại gỗ có trong tự nhiên, mà đơn giản chỉ là bướu gỗ, mắt gỗ được sinh ra từ những dị tật, vết thương bị gãy, bị tác động hoặc do mối mọt đục trong thân gỗ.Theo cơ chế sinh tồn tự nhiên, khi biết được chỗ nào bị thương tổn thì toàn bộ chất dinh dưỡng được hấp thu từ đất và không khí sẽ được dồn tới nơi bị thương tổn để cho mau chóng lành vết thương. Chính vì thế lại khiến cho những thương tích, dịch tật này phát triển khác thường so với những nơi khác trên thân cây. Qua hàng chục, hàng trăm năm, phần gỗ này được phình to ra thành cái bươu, cái nu nên dân gian quen gọi là gỗ nu.
Nhiều xúc gỗ nu hương được trưng bày tại Không gian văn hóa Việt
Một mảng không gian khác không thể không nhắc đến là hình ảnh ngôi nhà tranh vách đất nép mình bên rặng tre già. Nhà tranh vách đất là đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp. Tranh được làm từ gốc rạ, vách đất được ngào trộn từ rơm và đất bùn mà thành. Khi tham quan lại ngôi nhà tranh quen thuộc được tái tạo giữa lòng thành phố, dễ dẫn dắt trí não của du khách quay về với kí ức của tuổi thơ, đồng thời tạo sự tò mò cho những trẻ nhỏ thời công nghệ.
Cây vạn tuế dáng hoành có tuổi đời hàng trăm năm
Sau khi tham quan, chiêm nghiệm và tham gia các trò chơi giải trí, các tao nhân thực khách có thể thưởng thức các món ăn mang đặc trưng của vùng miền xứ Thanh tại Nhà hàng Vườn Cây và thưởng thức trà đạo tại khu nhà gỗ.
Với không gian rộng, cảnh vật được tạo dựng bắt mắt, cổ vật quý hiếm, đa dạng, phong phú, lại được kết nối với các tuyến điểm du lịch (văn hóa, tâm linh, du lịch biển và du lịch sinh thái) trong tỉnh, tạo nên chuỗi du lịch đa dạng, hứa hẹn “Không gian văn hóa Việt” sẽ thu hút được lượng lớn du khách trong và ngoài nước./.