16/01/2025 lúc 12:44 (GMT+7)
Breaking News

Giới mộ điệu háo hức tìm hiểu nét đặc sắc văn hóa Việt – Nhật

VNHN - Chương trình giới thiệu văn hóa Việt-Nhật do sinh viên Khoa du lịch trường Đại học Hoa Sen và CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ thực hiện với chủ đề “Đặc sắc văn hóa Việt-Nhật” diễn ra tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TP.HCM).

VNHN - Chiều 27/06 vừa qua, hơn 100 khách mộ điệu đã háo hức tham dự chương trình giới thiệu văn hóa Việt-Nhật do sinh viên Khoa du lịch trường Đại học Hoa Sen và CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ thực hiện với chủ đề “Đặc sắc văn hóa Việt-Nhật” diễn ra tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TP.HCM).

Đến tham dự chương trình, khán giả bị thu hút bởi cách bày trí kỳ công mô hình trà thất Nhật Bản và không gian uống trà trong gia đình Việt Nam, những màn biểu diễn trang phục truyền thống hai nước và nghi thức trà đạo do các bạn sinh viên biểu diễn.

Thưởng thức trà đạo Nhật Bản trong tiếng đàn Koto.

Thưởng thức trà đạo Việt Nam trong tiếng đàn tranh.

Song song đó, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ đã chia sẻ nhiều thông tin giá trị về sự tương đồng và khác biệt trong văn hóa trà đạo giữa Việt Nam và Nhật Bản; giữa tín ngưỡng thờ thần trong đạo Shinto với tín ngưỡng thờ thần tại đình làng Việt Nam; giữa nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của trang phục Kimono Nhật Bản với Áo dài Việt Nam cũng như nét đặc sắc trong các món ăn và sự khác biệt về văn hóa đôi đũa giữa 2 nước.

Nét đặc sắc trong trang phục truyền thống Việt Nam và Nhật Bản được các bạn sinh viên trường Đại học Hoa Sen trình diễn trên sân khấu.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và tìm hiểu về văn hóa Việt – Nhật, diễn giả Hồ Nhựt Quang dường như đã thấm nhuần tinh hoa văn hóa của 2 nước. Theo diễn giả, trà đạo của Nhật Bản là hướng đến giá trị chân-thiện-mỹ của hòa-kính-thanh-tịch, việc uống trà không phải chỉ để giải khát mà là còn hướng tới giá trị tu dưỡng tinh thần. Ví dụ nước chưa đun thì lấy nước phía trên chậu nước để tránh cặn, nước đun rồi thì lấy phần dưới để tránh bã, chỉ giữ phần thanh sạch tinh túy nhất pha trà.

Cây trà được các nhà sư Nhật mang từ Trung Hoa đem về trồng từ đầu thế kỷ thứ 9, nhưng đã phát triển dần thành một phong cách uống cầu kỳ tinh tế gọi là trà đạo. Hiện nay, Nhật Bản nổi tiếng với 4 loại trà: trà xanh, trà hoji, trà matcha, và trà ngọc lộ.

So sánh với văn hóa trà đạo của Việt Nam, diễn giả Hồ Nhựt Quang nhận định trong trà đạo của Nhật có trà thất nhưng Việt Nam không có trà thất. Giá trị trà đạo của Việt Nam là ở sự dung hòa của con người với thiên nhiên, với tình người. Tiêu chí thú vị trong uống trà Việt Nam là “nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh” có nghĩa là quan trọng nhất là chọn nước, thứ hai chọn trà, thứ ba là chung uống trà, thứ tư là bình trà, thứ năm là bạn trà.

“Bộ bình trà Việt Nam bao giờ cũng có 6 chung tượng trưng 6 tính hòa của con người gồm: thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, lợi hòa, kiến hòa, giới hòa. Bình muốn rót đầy chung phải từ tốn, khiêm cung cúi xuống một chút mới rót đầy chung. Rõ ràng cả hai nước tuy khác phong cách uống trà nhưng đều có chung những giá trị và triết lý văn hóa ứng xử tốt đẹp ở đời” - diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ.

Ông Akihito Saeki (bên phải) – Một khán giả người Nhật háo hức tìm hiểu văn hóa Việt Nam từ diễn giả Hồ Nhựt Quang (bên trái, áo dài khăn đóng).

Không chỉ thu hút những người Việt yêu văn hóa, chương trình còn có sự tham dự của những người bạn Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Là một khán giả đam mê về văn hóa, ông Akihito Saeki – Giám đốc công ty du lịch Blooming Việt Nam, chia sẻ: “Tôi đã sống tại TP.HCM hơn 15 năm, lúc đầu có vài điểm khác biệt văn hóa chưa quen như cách ăn uống hay việc tham gia giao thông nhưng dần tôi đã quen và trở nên yêu thích, chọn làm quê hương thứ hai của mình và tôi đã có người vợ là người Việt Nam. Lúc đầu cha mẹ tôi chưa hiểu hết về văn hóa Việt Nam nên lo ngại, về sau thì cha mẹ tôi lại rất mừng về quyết định của tôi. Việt Nam đã thay đổi, lối sống văn minh, nghĩa tình ngày càng phát triển tiến bộ”.

Chuyện tình đẹp của công nữ Ngọc Hoa và thương nhân người Nhật Araki Soutarou được tái hiện sinh động qua tuồng cải lương lịch sử được dàn dựng công phu.

Bên cạnh những chia sẻ của diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, những nét đặc sắc trong văn hóa Việt – Nhật còn được tái hiện sinh động qua những tiết mục cải lương lịch sử. Câu chuyện “Cụ Phan viếng bạn” kể về bác sĩ Asaba Sakitaro giúp đỡ phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu hay câu chuyện tình tuyệt đẹp của công nữ Ngọc Hoa (con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) kết hôn cùng thương nhân người Nhật Araki Soutarou được dàn dựng công phu trên sân khấu đã chinh phục trái tim của đông đảo khán giả.

Tiến sĩ - Nhạc sỹ Hải Phượng đã chia sẻ về sự giống và khác nhau của cây đàn tranh Việt Nam và cây đàn Koto của Nhật Bản.

Cũng tại chương trình, Tiến sĩ - Nhạc sỹ Hải Phượng đã chia sẻ về sự giống và khác nhau của cây đàn tranh Việt Nam và cây đàn Koto của Nhật Bản. Sự khác biệt có thể nhìn thấy rõ bằng mắt chính là đàn Koto là thân gỗ đặc, đàn tranh Việt Nam là hộp gỗ rỗng, đàn Koto có dây tơ xoắn thừng, đàn tranh Việt Nam là dây sắt.

Trong vai trò ban tổ chức, cô Lê Hoàng Phương Linh- giảng viên của trường ĐH Hoa Sen xúc động bày tỏ: “Chúng tôi rất ấn tượng và không ngờ sự kết hợp ăn ý giữa CLB và các sinh viên lại thành công đến từng chi tiết công phu về đạo cụ, về biểu diễn trà đạo và trang phục, hiểu biết thêm nhiều thông tin bổ ích về văn hóa của hai nước”.

Đặc biệt, chương trình còn có sự góp mặt của những bạn trẻ yêu văn hóa. Bạn Phan Quang Phương – sinh viên trường Đại học Hoa Sen chia sẻ: “Em mê Nhật Bản thông qua phim truyện, nay được diễn giả Hồ Nhựt Quang giải thích chi tiết sinh hoạt trong đời sống và văn hóa sâu đậm của Nhật Bản, cực kỳ thích. Bên cạnh đó còn được hiểu hơn về Việt Nam, cảm thấy quá tự hào, mong rằng có nhiều hơn nữa những sự kiện tương tự để chúng em được hiểu biết thêm”.

Có một câu nói rất hay mà chắc hẳn những ai đã tìm hiểu về văn hóa không thể không biết: “Văn hóa chính là cái còn lại khi người ta đã quên hết, chính là cái còn thiếu khi người ta đã học đủ cả”. Tình yêu văn hóa là một tình yêu lớn, xã hội dù có phát triển đến đâu, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của văn hóa trong đời sống cũng như trong việc giáo dục để hình thành nên nhân cách con người.

Những nét đặc sắc trong văn hóa Việt – Nhật có những giá trị rất khác nhau nhưng tựu trung lại đều là hướng đến “chân – thiện – mỹ”. Đặc biệt trong thời buổi hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, những giá trị cốt lõi của văn hóa bản xứ lại càng phải được tôn vinh và duy trì bởi lẽ “văn hóa còn thì đất nước còn”./.