19/01/2025 lúc 22:14 (GMT+7)
Breaking News

Giáo dục Hà Nam: Vững vàng sau đại dịch

Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng ngành GĐ&ĐT Hà Nam vẫn đạt được những thành tựu tích cực, qua đó phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Hướng tới dịp kỉ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022), toàn ngành đang đẩy mạnh thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới, củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo"

Tác động xấu từ đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của cuộc sống, đặc biệt là ngành giáo dục Hà Nam do học sinh không thể đến trường trong một thời gian dài. Dù vậy, những ứng phó linh hoạt, bám sát tình hình dịch đã giúp ngành bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, vượt qua những khó khăn để đạt được các thành tựu đáng ghi nhận như: thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được tiếp tục duy trì; phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đều đạt chuẩn mức độ 3; xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 2 đã được UBND tỉnh công nhận và Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn mức cao nhất. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi, đánh giá học sinh phổ thông được tích cực thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học... Chất lượng giáo dục được duy trì và nâng cao, hướng tới mục tiêu hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo, các cuộc thi như: Thi khoa học kỹ thuật, thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học, thi giải Toán, Vật lý, tiếng Anh qua Internet dành cho học sinh phổ thông… Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Hà Nam tiếp tục nằm trong top 10 tỉnh, thành dẫn đầu toàn quốc. Đặc biệt có 1 học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học Quốc tế.

Hà Nam có 1 học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học Quốc tế.

Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã dành những ưu tiên cần thiết và tạo hướng mở cho phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Trong đó, cấp học mầm non đã tăng cường đầu tư để tiếp tục phát triển các cơ sở giáo dục mầm non công lập và tạo cơ chế khuyến khích tư nhân hóa việc mở các trường mầm non ngoài công lập. Với giáo dục phổ thông, trên cơ sở đặc thù của từng cấp học, điều kiện thực tế mỗi địa phương, tỉnh xác định rõ quan điểm tiếp tục giữ vững sự ổn định về quy mô trường lớp đối với cấp tiểu học và THPT, không thành lập mới các trường THCS công lập nhưng đã xây dựng được ở mỗi huyện, thành phố, thị xã một trường THCS chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh địa phương. Cùng với đó, hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được phát triển theo mục tiêu ổn định quy mô, khuyến khích đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu xã hội.

Hà Nam áp dụng phương pháp giáo dục theo hướng lấy người học làm trung tâm, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống cho học sinh

 

Sự đầu tư về đội ngũ được ngành giáo dục Hà Nam quan tâm thực hiện. Trong thời gian qua, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương, nhưng tại Hà Nam, tỷ lệ giáo viên các cấp học đã từng bước được bảo đảm (cấp học mầm non là 1,9 giáo viên/lớp, cấp tiểu học là 1,29 giáo viên/lớp, cấp THCS là 1,86 giáo viên/lớp, cấp THPT là 2,18 giáo viên/lớp), 100% các trường THCS và tiểu học bố trí được 1 giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường, nâng cao, dần hoàn thiện các yêu cầu về chuẩn trình độ theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Hướng tới kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, Sở GD và ĐT tỉnh Hà Nam đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa cho các em học sinh và các thầy cô giáo nhằm khơi gợi lòng biết ơn, những tình cảm tốt đẹp đối với nghề giáo. Tiêu biểu như Hội thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp THCS tỉnh Hà Nam năm học 2022- 2023, Giao lưu thể thao ngành giáo dục năm 2022…

Học sinh các cấp thường xuyên tham gia vào các hoạt động học tập, trải nghiệm sáng tạo, các cuộc thi... cho các em cơ hội được khám phá, giao lưu, học hỏi

Mục tiêu của ngành giáo dục Hà Nam là phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Để hiện thực mục tiêu đó, ngành đã xây dựng những kế hoạch cụ thể đồng thời xác định rõ những nhiệm vụ trong tâm trong năm học mới, bao gồm: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, tổ chức và triển khai hiệu quả chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025”, chương trình “Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 – 2025”; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021- 2030”...; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất cho giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính trong toàn ngành.

Hoài Thanh