25/11/2024 lúc 10:50 (GMT+7)
Breaking News

Giải pháp tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam tăng mạnh. Thống kê trong 10 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đăng ký cấp mới tăng 11,6%, đăng ký tăng thêm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam tăng mạnh. Thống kê trong 10 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đăng ký cấp mới tăng 11,6%, đăng ký tăng thêm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Số liệu này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin và kỳ vọng về sự ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.

Ảnh minh họa - Internet

Vốn FDI rót vào Việt Nam tăng mạnh

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội về Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, sáng ngày 9/11/2021, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) cho rằng: Nỗ lực của Việt Nam thu hút dòng vốn FDI thời gian qua rất đáng ghi nhận, thể hiện qua xu hướng ổn định, đi lên của dòng vốn FDI thời gian qua.

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, dòng vốn FDI vào nước ta vẫn đang đạt nhiều kết quả tích cực. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đăng ký cấp mới tăng 11,6%, đăng ký tăng thêm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỷ USD, chiếm 14,6%. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,17 tỷ USD, chiếm 9,2%. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)...

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD, chiếm 23,3%. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,12 tỷ USD và trên 803 triệu USD.

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, dòng vốn FDI vào nước ta vẫn đang đạt nhiều kết quả tích cực. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đăng ký cấp mới tăng 11,6%, đăng ký tăng thêm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả này đạt được chính nhờ sự sát sao lãnh đạo, kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp mạnh mẽ để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế... của Đảng, Quốc hội, Chính phủ như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 và Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 128/NQ-CP...

Giải pháp giữ chân nhà đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh mới, để có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài chất lượng cao và giữ chân nhà đầu tư, đại biểu Nguyễn Thành Công cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể sau:

Một là, cần ban hành các quy định hướng dẫn về điều kiện mở cửa hoạt động sản xuất - kinh doanh; các quy định phòng, chống dịch phải bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương, trong đó hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhập cảnh để tìm hiểu đầu tư và làm việc tại Việt Nam. Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công để cải thiện các kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài trong đầu tư và thực hiện các dự án FDI.

Hai là, cần nhấn mạnh “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”, coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, những rủi ro của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là việc Việt Nam phải chia sẻ. Với tinh thần đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp có vốn FDI để ghi nhận, giải quyết những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp; kịp thời đề xuất những chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ba là, cần tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế, tích cực, chủ động trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, thời gian và chi phí tiếp cận, chi phí thực thi các quy định pháp lý và luật pháp. Có chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Bốn là, cần đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và nâng cao năng lực cạnh tranh.