29/03/2024 lúc 07:36 (GMT+7)
Breaking News

Giải pháp phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững cho Việt Nam

Ngày 9/12/2022, Khoa hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại phối hợp với Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số - Bộ Công thương đồng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Giải pháp phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững cho Việt Nam” nhằm trao đổi các vấn đề khoa học, thực tiễn trong hoạt động thương mại điện tử và kinh tế số.
Hội thảo đã thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp tham dự

Hội thảo có sự tham dự của Ban Lãnh đạo Trường Đại học Thương mại PGS.TS Bùi Hữu Đức – Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS Nguyễn Hoàng – Phó Bí thư Đảng Ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Hoàng Việt – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Hà Văn Sự - Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Về phía Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại có sự hiện diện và chủ trì của TS. Nguyễn Trần Hưng - Trưởng khoa cùng các thầy, cô là trưởng, phó các Khoa, Bộ môn và phòng, ban, Trung tâm trong Trường Đại học Thương mại.
Về phía đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số có sự tham dự của ThS Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số. Đến với Hội thảo còn có rất nhiều Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong cả nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Chính Trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nội Vụ Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Luật, Trường Đại học Đại Nam… và rất nhiều các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực TMĐT và Kinh tế số, các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin về hội thảo.

ThS Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số phát biểu khai mạc và nhấn mạnh những thách thức mà TMĐT Việt Nam đang phải đối mặt

Mở đầu Hội thảo, ThS Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số phát biểu khai mạc và nhấn mạnh những thách thức mà TMĐT Việt Nam đang phải đối mặt. Sau đại dịch Covid -19 tốc độ tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam là 20%. Việt Nam xếp thức 5 trên Thế giới về tốc độ tăng trưởng TMĐT. ThS Lại Việt Anh khẳng định đây là đầu tầu phát triển kinh tế tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Tới đây TMĐT sẽ có nhiều thách thức vì tăng trưởng nhanh nên sự cần thiết phải bàn luật về vấn đề phát triển bền vững, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, ThS Lại Việt Anh đánh giá cao vấn đề con người, đảm bảo nguồn cung ổn định, con người chất lượng cao, chính vì lẽ đó mà các trường đại học cần phải có vai trò tư vấn về chính sách, chuyên môn, nghiên cứu đề tài khoa học, góp phần xây dựng những chính sách pháp luật để điều chỉnh sâu hơn nữa về lĩnh vực này.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu

Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan đã có bài phát biểu và cho rằng TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Theo báo cáo của E-Commerce đế năm 2025 Việt Nam sẽ đạt 39 tỷ USD về TMĐT, xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Buổi Hội thảo là cơ hội để bàn luận nhằm phát triển TMĐT và Kinh tế số trong tương lai bền vững nhất.
Hội thảo được lắng nghe bài phát biểu đề dẫn của TS. Nguyễn Trần Hưng – Trưởng Khoa hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử - Trường Đại học Thương mại. TS.Nguyễn Trần Hưng nhấn mạnh mục đích của buổi Hội thảo là đánh giá một cách khách quan, chân thực sự phát triển của nền TMĐT và Kinh tế số Việt Nam, xác định những thành công, những vấn đề còn tồn tại để đề xuất các giải pháp và chính sách phát triển phù hợp đối với TMĐT và Kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và sắp tới.
Sau khi gửi thư mời viết bài tới các nhà quản lý, các giảng viên, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp, Hội thảo nhận được hơn 100 bài viết. Ban biên tập đã tiến hành phản biện khoa học độc lập 2 vòng và lựa chọn được 80 bài viết đạt yêu cầu để đăng toàn văn Kỷ yếu Hội thảo. Nội dung cuốn kỷ yếu được chia làm 03 phần: Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về ứng dụng công nghệ mới và những xu hướng phát triển TMĐT và Kinh tế số; Chính sách, pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển TMĐT và Kinh tế số; hạ tầng công nghệ và sáng kiến, khuyến nghị phát triển TMĐT và Kinh tế số.

Đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo được lắng nghe bài trình bài của 05 tác giả với những chủ đề liên quan cấp thiết đến sự phát triển bền vững TMĐT và Kinh tế số. Cụ thể, vấn đề hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT. Tại đây tác giả bài viết đã đưa ra 3 loại sản phẩm đang bị làm giả nhiều nhất qua khảo sát chính là đồ công nghệ điện tử, quần áo và thiết bị gia đình với những dấu hiệu vi phạm như giảm giá khủng, người bán nước ngoài, lách bộ lọc của sàn TMĐT, tạo nhiều gian hàng hình ảnh sản phẩm. Nguyên nhân của vấn đề và các nhóm giải pháp đã được đề ra cụ thể, nhưng chủ yếu vấn là cơ chế giải pháp phối hợp giữa chủ thể quyền, người tiêu dùng và cơ quan chức năng, chủ sàn. Bên cạnh đó, bài viết về chuyển đổi chiến lược công nghệ số để phát triển kinh tế số của nhóm tác giả Đại học Quốc gia Hà Nội được trình bày trong Hội thảo nhằm khẳng định Kinh tế số gắn liền với sự phát triển của công nghệ, Kinh tế số chịu ảnh hưởng sâu sắc của tiến bộ công nghệ. Ngoài ra các chủ đề về thách thức và khuyến nghị giải pháp trong TMĐT tại Việt Nam; Đánh thuế trong TMĐT; Shoppertainment-sự kết hợp của shopping và entertainment cũng được các tác giả, nhóm tác giả trình bày trong hội thảo để thấy được tính cấp thiết cần có những giải pháp tốt nhất cho phát triển bền vững TMĐT và Kinh tế số tại Việt Nam.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên là tác giả trẻ đã tham gia viết bài cho Hội thảo góp thêm những góc nhìn mới...

Những thách thức mà TMĐT Việt Nam đang đối mặt là không nhỏ. Điển hình như quy mô phát triển TMĐT ở Việt Nam giữa các địa phương là chưa đồng đều, khoảng cách chênh lệch giữa các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội với các tỉnh thành khác. TMĐT Việt Nam đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài, một số doanh nghiệp xuất phát điểm tại Việt Nam những do pháp nhân nước ngoài có cổ phần nắm giữa. Ngoài ra các vấn đề về mặt thể chế, nguồn nhân lực… cũng chưa được hoàn thiện. Song hành cùng với những thách thức được đưa ra tại Hội thảo, một số giải pháp cấp thiết chính là cần đẩy mạnh phát triển TMĐT giữa các địa phương trở lên đồng đều hơn, giảm sự chi phối của nước ngoài đối với các sàn TMĐT tại Việt Nam, hạn chế tối đa những trở ngại mà người tiêu dùng gặp phải, hoàn thiện thể chế chính sách TMĐT và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong thời đại bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TMĐT và Kinh tế số đã và đang trở nên phổ biến và là xu hướng tất yếu đối với bất cứ quốc gia nào nếu không muốn tụt lại phía sau. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiều lần về vấn đề này, coi phát triển TMĐT và Kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá của nhiệm kỳ. Để đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030, cần đòi hỏi nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, tập trung mọi nguồn lực, tạo môi trường và điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh và bền vững theo tinh thần của Đại hội đề ra.

Hội thảo Khoa học Quốc gia đã diễn ra thành công tốt đẹp

Để thảo luận sâu hơn về những vấn đề xoay quanh Hội thảo, tại Hội thảo các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, các giảng viên, doanh nghiệp, báo chí đã thảo luận và bàn luận vô cùng sôi nổi, đua ra những ý kiến, quan điểm và bất cập. Các doanh nghiệp đưa ra những trăn trở, thắc mắc về vấn đề có liên quan và được các chuyên gia, nhà quản lý trả lời đầy sức thuyết phục. Thông qua Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp đã tìm ra những hướng nghiên cứu mới, những giải pháp thông tin phù hợp cho tổ chức của mình phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập toàn cầu hiện nay.
Bên cạnh đó, hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà nghiên cứu, giảng viên, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý doanh nghiệp trao đổi, học thuật, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, thảo luận về định hướng phát triển kinh tế số và TMĐT tại Việt Nam. Đồng thời, hội thảo cũng đánh giá những thành tựu và đặt ra những vấn đề, gợi mở những giải pháp, hàm ý chính sách phát triển kinh tế và TMĐT trước những thách thức.
Như vậy, có thể nói buổi Hội thảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh Chuyển đổi Số phát triển TMĐT và Kinh tế Số hiện nay, càng có tầm ảnh hưởng sâu sắc hơn nữa đối với các hoạt động thương mại điện tử. Đây là một vấn đề có tầm ảnh hưởng và quyết định lớn đối với nền kinh tế nước ta. Hội thảo đã trao đổi, thảo luận đưa ra những vấn đề vô cùng quý giá về giải pháp phát triển bền vững TMĐT và Kinh tê số đặt trong kỷ nguyên thời đại Chuyển đổi Số Quốc gia./.

Nguyễn Thị Huyền Trang