02/12/2024 lúc 19:31 (GMT+7)
Breaking News

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam

Thời gian qua, Việt Nam cùng các tổ chức, đối tác quốc tế có uy tín đã phối hợp chặt chẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội và đạt được một số kết quả tích cực.

Tóm tắt: Trong cơ cấu kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh với các cộng đồng yếu thế, doanh nghiệp tạo tác động xã hội đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo động lực tăng trưởng, nâng tầm chuỗi giá trị, góp phần cải thiện đời sống cho các nhóm yếu thế ở địa phương và hòa nhập với dòng chảy chung của phong trào kinh doanh tạo tác động xã hội trong khu vực và trên thế giới. Thời gian qua, Việt Nam cùng các tổ chức, đối tác quốc tế có uy tín đã phối hợp chặt chẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội và đạt được một số kết quả tích cực. Bài viết nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: giải pháp; hiệu quả; hỗ trợ; doanh nghiệp tạo tác động xã hội; Việt Nam.

Ảnh minh họa: Qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp SIB sẽ tạo việc làm và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhóm yếu thế như: phụ nữ, người nghèo, người DTTS,…

1. Đặt vấn đề

Công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta trong 38 năm qua đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau cùng phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy vậy, cùng với quá trình cải cách phát triển kinh tế, nhiều vấn đề xã hội và môi trường mới nổi lên cả về số lượng và quy mô. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải chú trọng tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, đảm bảo cho các nhóm dân cư được tiếp cận các dịch vụ công và thành quả tăng trưởng một cách công bằng và toàn diện nhất.

Trong những năm qua, mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội tồn tại dưới nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khác nhau. Mô hình này đang chứng tỏ là một đối tác hỗ trợ tích cực và ngày càng hiệu quả cho Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường một cách bền vững. Nhiều doanh nghiệp tạo tác động xã hội với ý tưởng sáng tạo thành công đã góp phần hỗ trợ Chính phủ trong giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường như xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường,… Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong giai đoạn mới, thời gian qua Nhà nước đã phối hợp với nhiều đối tác và tổ chức quốc tế có uy tín hỗ trợ loại hình doanh nghiệp này phát triển, huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp này trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường một cách hiệu quả và bền vững.

2. Khái quát chung về doanh nghiệp tạo tác động xã hội

Theo Sách trắng Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội tại Việt Nam 2023, “Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội - SIB” được định nghĩa như sau: Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (tiếng Anh là Social Impact Business - viết tắt là SIB) là “tổ chức đăng ký thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có mô hình kinh doanh thể hiện mục tiêu kép về kinh doanh và tạo tác động tích cực đến xã hội, môi trường, hướng tới phát triển bền vững.”[1]

SIB có các đặc điểm: Về mô hình quản trị: Có thể là tổ chức hoặc doanh nghiệp; Về hoạt động thương mại: Kinh doanh là nguồn thu nhập chính; Về mục tiêu xã hội: Có mục tiêu xã hội và/hoặc mục tiêu môi trường rõ ràng; Về tạo giá trị: Hướng tới sự cân bằng trong việc tạo ra giá trị: tạo tác động tích cực lên xã hội đồng thời duy trì tài chính bền vững.[2]

Khu vực SIB bao gồm:[3]

- Doanh nghiệp xã hội: Một doanh nghiệp với mục tiêu xã hội là chính yếu, lợi nhuận chủ yếu được tái đầu tư lại cho doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu đó hoặc quay lại cộng đồng, thay vì bị thúc đẩy bởi nhu cầu tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông và chủ sở hữu. Nhóm này có xu hướng là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, có nguồn thu nhập hỗn hợp từ thương mại và các khoản tài trợ.

- Kinh doanh xã hội: Kinh doanh xã hội là hoạt động kinh doanh được thúc đẩy bằng lòng tốt. Các nhà đầu tư/chủ sở hữu có thể dần lấy lại khoản đầu tư, nhưng cổ tức được trả không thể nhiều hơn khoản đã đầu tư. Doanh nghiệp phải chi trả được mọi chi phí và có lãi, đồng thời đạt được mục tiêu xã hội. Tiêu chí đo lường thành công của loại hình này là tác động của kinh doanh lên xã hội và môi trường, thay vì lợi nhuận được tạo ra.

- Kinh doanh với người có thu nhập thấp: Mô hình kinh doanh tạo ra tác động lớn thông qua:

+ Cải thiện khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ cho người có thu nhập thấp;

+ Tạo cơ hội thu nhập và/hoặc việc làm cho người thu nhập thấp trở thành nhà cung cấp, nhà phân phối, người sử dụng lao động và/hoặc nhân viên của doanh nghiệp.

Nhóm này có xu hướng thương mại, qui mô vừa và lớn, thu hút được nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các ngân hàng phát triển.

- Khởi nghiệp tạo tác động xã hội: Sáng kiến, doanh nghiệp khởi nghiệp có giải pháp đổi mới, dựa trên công nghệ, giải quyết vấn đề xã hội, môi trường hoặc tạo tác động xã hội, môi trường. Nhóm này có thể là một phần của khu vực sáng tạo xã hội, và thường thu hút được sự quan tâm của các quỹ đầu tư tác động.

Hình 1: So sánh các mô hình doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp có trách nhiệm (CSR) và doanh nghiệp tạo tác động xã hội

(Nguồn: Hội nghị Kinh doanh Tạo tác động xã hội 2022)

Mục tiêu của các SIB khác với cách tiếp cận trách nhiệm xã hội điển hình của doanh nghiệp ở chỗ việc tạo ra hoặc hỗ trợ thay đổi xã hội tích cực được ưu tiên trong tất cả các công việc của SIB, trong khi hoạt động Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp (CSR) có xu hướng trở thành giá trị tổ chức thứ yếu. Hãy suy nghĩ cẩn thận về việc lựa chọn khách hàng, dự án và nhà cung cấp dựa trên tác động thực sự của họ đối với môi trường và xã hội so với việc huy động nhân viên vài tháng một lần để tình nguyện cho một tổ chức phi lợi nhuận địa phương. Hành động thứ hai vẫn là một hành động có tác động tích cực nhất định, nhưng nó không phải là một sự thay đổi có hệ thống, bền vững.

Mô hình kinh doanh tạo tác động giúp cải thiện và tăng cường lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các lợi ích quan trọng. Đó là về quản lý rủi ro, tiết kiệm chi phí, khả năng tiếp cận vốn, quan hệ khách hàng, sự hài lòng của nhân viên, tính bền vững của hoạt động.

Có bốn loại tác động xã hội mà SIB có thể thực hiện: (1) Tác động rõ ràng đo lường những thay đổi trong hoạt động của các bên liên quan, chẳng hạn như trong các công cụ đánh giá hoặc quan sát kỹ năng; (2) Tác động cao đo lường những thay đổi trong hệ thống kinh doanh, chẳng hạn như tác động môi trường và các chỉ số đầu vào; (3) Tác động rộng đo lường những thay đổi trong bản đồ mối quan hệ và đánh giá tác động xã hội để đảm bảo các hoạt động có thể đạt được tác động xã hội mong muốn; (4) Tác động sâu sắc là tác động cuối cùng đo lường sự hài lòng của người tiêu dùng thông qua tập hợp những điều tạo nên sự hạnh phúc từ những nỗ lực mà doanh nghiệp đang thực hiện để tạo ra các tác động xã hội.

Trong cơ cấu kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo động lực tăng trưởng, nâng tầm chuỗi giá trị, góp phần cải thiện đời sống cho các nhóm yếu thế ở địa phương và hòa nhập với dòng chảy chung của phong trào kinh doanh tạo tác động xã hội trong khu vực và trên thế giới.

Theo Sách trắng Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội 2023, cả nước có khoảng 26.027 SIB, chiếm 3% tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động năm 2021 của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm, giáo dục và phát triển kỹ năng. Khoảng 59% SIB tại Việt Nam lựa chọn hài hòa các mục tiêu kinh tế và xã hội; 18% ưu tiên mục tiêu lợi nhuận, trong khi 34% tập trung vào các mục tiêu xã hội. 70% SIB có lãi; tỷ lệ hòa vốn là 18%, trong khi số thua lỗ chỉ chiếm 12%.[4]

3. Kết quả hỗ trợ đối với các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội trong thời gian qua

Thời gian qua, Nhà nước đã phối hợp với các đối tác, tổ chức quốc tế có uy tín xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội, có thể kể đến như:

Chương trình “Kỹ năng cho Doanh nhân xã hội” của Hội đồng Anh là chương trình toàn cầu hỗ trợ việc thay đổi tích cực thông qua các mô hình kinh doanh sáng tạo và hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, người yếu thế, hỗ trợ nữ giới và góp phần vào phát triển bền vững. Ở Việt Nam, chương trình được triển khai từ tháng 7 năm 2009, với sự hợp tác của Hội đồng Anh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức trung gian. Chương trình đã đạt được nhiều thành công nổi bật thông qua việc giới thiệu khái niệm và mô hình doanh nghiệp xã hội, nuôi dưỡng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, cung cấp các chương trình đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng cho doanh nhân xã hội, các tổ chức trung gian, trường đại học, viện nghiên cứu; tạo dựng các cơ hội đầu tư, thực hiện các chiến dịch truyền thông quảng bá cho các DNXH, và xây dựng mạng lưới đối tác hợp tác công tư…

Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp vì mục đích phát triển” do Oxfam tại Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) cùng triển khai với sự hỗ trợ tài chính từ Mạng lưới các doanh nhân vì doanh nhân của Hà Lan, thông qua tổ chức Oxfam Novib tại Hà Lan và Quỹ GSRD Foundation. Trong hơn 6 năm (2015-2021) thực hiện, 60 doanh nghiệp SIB trong chuỗi giá trị nông nghiệp được hỗ trợ nâng cao năng lực; qua đó, các doanh nghiệp này đã góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hơn 5.000 lao động địa phương và thu mua thường xuyên sản phẩm của gần 50.000 nông dân nghèo và các nhóm yếu thế tại Việt Nam.

Chương trình “Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội - SDGs Innovation Incubator 2023” của Dự án Youth Co:lab Việt Nam được triển khai từ năm 2018 bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Quỹ Citi (Citi Foundation), nhằm xây dựng chương trình nghị sự chung cho các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu của Chương trình là đầu tư và trao quyền cho thanh niên thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) thông qua kỹ năng lãnh đạo, đổi mới sáng tạo, và tinh thần doanh nhân. Youth Co:Lab cũng hỗ trợ việc duy trì và thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp xã hội do thanh niên lãnh đạo. Chương trình xác định thanh niên là đối tượng chính để giải quyết những thách thức cấp thiết và đã kết nối với hơn 1.200 thanh niên khởi nghiệp tại Việt Nam, huấn luyện hơn 500 doanh nhân trẻ, và hỗ trợ ươm tạo 55 dự án khởi nghiệp tạo tác động xã hội. Hợp tác chặt chẽ với nhiều bên liên quan, Youth Co:Lab còn đóng góp vào việc củng cố hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy chính sách để tạo điều kiện tốt hơn cho những giải pháp mới của thanh niên đối với SDGs.

Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với Covid - 19” (Dự án ISEE-COVID), được tài trợ bởi Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada (GAC), đồng thực hiện bởi Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Dự án đặt mục tiêu hỗ trợ 300 SIB tiếp cận vốn ban đầu và thị trường, từ đó tạo ra 9.000 việc làm tiềm năng cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương; 90 SIB sẽ được hưởng lợi từ việc tăng doanh thu và xây dựng kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid - 19 và ứng phó các cú sốc tương tự trong tương lai; 105 SIB sẽ có kế hoạch kinh doanh lồng ghép giới, môi trường và biến đổi khí hậu. Đồng thời, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng hoặc sửa đổi ít nhất bốn chính sách đáp ứng giới, và thiết lập mạng lưới doanh nghiệp SIB với ít nhất 100 thành viên. Dự án góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB), qua đó hỗ trợ các nhóm yếu thế bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực và tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB; tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các SIB phát triển, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, dự án ISEE-COVID đã tăng cường năng lực về phát triển doanh nghiệp bền vững, mở rộng thị trường và tiếp cận tài chính cho hơn 600 SIB ở các giai đoạn đầu, giai đoạn phát triển và giai đoạn mở rộng, từ đó giúp tạo ra 14,500 việc làm, phần lớn dành cho phụ nữ và các nhóm yếu thế. Dự án cũng cải thiện hệ sinh thái các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB với hơn 50 tổ chức tham gia và hưởng lợi trực tiếp, kiến tạo một hệ sinh thái cởi mở và năng động, sẵn sàng kiến tạo và hợp tác. Đồng thời, dự án đã tăng cường năng lực xây dựng chính sách hỗ trợ SIB chú trọng yếu tố giới, bao trùm và minh bạch với hơn 260 cán bộ nhà nước được nâng cao năng lực về hỗ trợ SIB và thí điểm chính sách hỗ trợ SIB tại tỉnh Cao Bằng và Thừa Thiên Huế.

Có thể thấy, các chính sách và dự án hỗ trợ đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Các SIB ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của chính sách và việc tiếp cận các chính sách này trong quá trình phát triển. Đồng thời, xã hội cũng có cái nhìn đầy đủ hơn về hình ảnh và vai trò của SIB, cũng như những đóng góp của họ đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy vậy hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam nói chung và SIB nói riêng đang gặp nhiều thách thức để đạt được cả hai mục tiêu: Tạo ra doanh thu, đồng thời tạo ra những tác động tích cực cho xã hội. Phần lớn các chính sách đã được ban hành nhưng việc thực thi còn chậm, thiếu hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, những khó khăn, vướng mắc mà SIB gặp phải có thể kể đến: do thiếu hụt chiến lược kinh doanh dài hạn nên chưa đầu tư phù hợp cho hoạt động marketing và phát triển thương hiệu; nguồn lực tài chính và nhân sự còn hạn chế nên gặp nhiều vấn đề trong quản trị điều hành; thiếu hụt vốn do thiếu thông tin về thị trường vốn, không đáp ứng được các yêu cầu của bên cấp vốn và thiếu kỹ năng làm việc với nhà đầu tư; mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn yếu, thông tin về sản xuất và kiểm soát chất lượng từ người sản xuất đến SIB và người tiêu dùng chưa đầy đủ hoặc chưa thực sự minh bạch.

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong thời gian tới

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ SIB trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ hệ thống các chính sách, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức về SIB. Hiện tại, nhiều SIB vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và hiểu rõ các chính sách hỗ trợ hiện hành. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích và chính sách hỗ trợ SIB, tập trung vào các chương trình như Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Người khuyết tật, và các chương trình quốc gia, quốc tế liên quan đến SIB. Các hoạt động tuyên truyền cần phải hướng đến những điểm khác biệt quan trọng của SIB so với các doanh nghiệp thông thường. Sự tham gia của cộng đồng qua các hội thảo, sự kiện và phương tiện truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông điệp về tác động xã hội mà các SIB mang lại.

Thứ hai, cần đơn giản hóa thủ tục pháp lý và hỗ trợ đăng ký kinh doanh cho SIB. Luật Doanh nghiệp 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ cần được triển khai một cách linh hoạt và ưu tiên cho SIB. Đặc biệt, nên xây dựng các quy trình đăng ký và thành lập doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn cho các SIB, nhất là những doanh nghiệp do phụ nữ, người khuyết tật hoặc các nhóm yếu thế khác đứng đầu. Quy trình thủ tục pháp lý cần được tối ưu hóa. Việc số hóa các thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho SIB sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng là một giải pháp quan trọng giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ ba, để đảm bảo các SIB phát triển bền vững và đạt được tác động xã hội cao, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế. Các thỏa thuận hợp tác cần tập trung vào việc mở rộng quy mô các mô hình kinh doanh xã hội thành công, như việc hỗ trợ cho các SIB trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo vệ môi trường, và phát triển nông thôn. Chẳng hạn, các chương trình hợp tác nên tạo điều kiện để các SIB tiếp cận các quỹ hỗ trợ quốc tế, công nghệ tiên tiến, và các mô hình quản lý bền vững từ các đối tác nước ngoài có uy tín.

Thứ tư, tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối SIB với các thị trường tiềm năng, đặc biệt là các sản phẩm có yếu tố xã hội và môi trường nổi bật. Hỗ trợ các SIB phát triển mạng lưới phân phối gắn với mục tiêu tạo tác động xã hội, bao gồm các kênh thương mại điện tử, liên kết với các doanh nghiệp khác, và tham gia các hội chợ, sự kiện giới thiệu sản phẩm tại trong và ngoài nước.

Thứ năm, cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích các nhà đầu tư xã hội. Các nhà đầu tư xã hội thường quan tâm đến các doanh nghiệp có tác động tích cực đến cộng đồng và môi trường, nhưng cần có các cơ chế hỗ trợ tài chính và đầu tư cụ thể để thúc đẩy SIB. Việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình đăng ký đầu tư và cung cấp ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư vào SIB là cần thiết. Chính phủ nên tạo các quỹ đầu tư chuyên biệt cho SIB, bao gồm các khoản vay ưu đãi hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm xã hội, nhằm hỗ trợ các SIB trong giai đoạn đầu phát triển. Đặc biệt, các chính sách cần khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực mà SIB có tiềm năng tạo tác động lớn như giáo dục, y tế, và phát triển bền vững.

Thứ sáu, để tạo cơ hội cho công chúng và các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích của việc hợp tác và đầu tư vào SIB, có thể đưa mô hình này vào nội dung một môn học trong các trường đại học, cao đẳng khối kinh tế. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần lồng ghép khái niệm SIB một cách chính thức trong các văn bản, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB. Đồng thời, cần nghiên cứu những chính sách riêng dành cho SIB để có nguồn lực riêng cho mô hình kinh doanh tạo tác động tích cực cho xã hội này./.

ThS. Trần Toàn Trung

Học viện Hành chính Quốc gia

Email: [email protected]

Danh mục tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Quyết định số 1400/QĐ-BKHĐT ngày 18/10/2021 về việc phê duyệt Dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với Covid-19 (Dự án ISEE-COVID)” do Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (DFATD) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) viện trợ không hoàn lại.

2. Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Sách trắng Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam 2023.

3. Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) & Công ty Tư vấn Hội nhập và Phát triển (2022), “Báo cáo đầu kỳ: Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19”.

4. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – UNDP (2018), Báo cáo “Thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam”, Nxb. Công thương, Hà Nội.


[1] [2] Xem thêm định nghĩa, đặc điểm, hình thức của SIB tại Sách trắng Tổ chức kinh doanh tạo tác động tại Việt Nam 2023

[3] Theo Báo cáo Thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam, UNDP, Đại học Kinh tế quốc dân năm 2018

[4] Hoàng Thị Nhật Lệ (2024), Chiến lược xây dựng thương hiệu nhân văn trong doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 10 tháng 5 năm 2024.

...