VNHN-Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, công tác này phải mang tính thường xuyên, liên tục đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các cấp, các ngành.
Hướng dẫn về Luật Giao thông cho người dân
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực để triển khai phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân như: Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân”; Nghị quyết số 61/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về “Thực hiện Chỉ thị số 32”; Đề án 212 của Chính phủ về Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010; đặc biệt năm 2012 Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Tuy nhiên, ở một số địa phương hiện nay công tác truyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa được quan tâm đúng mức hoặc tổ chức thực hiện nhưng còn mang tính hình thức, đối phó; một số địa phương còn hiện tượng giao khoán trực tiếp cho cán bộ làm công tác tuyên truyền. Với “một rừng” những văn bản luật được ban hành trong thời gian qua đã làm cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xã khó được tiếp cận, hoặc được tiếp cận nhưng hiểu biết ở một mức độ còn hạn chế, nên vẫn còn các hiện tượng vi phạm pháp luật như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bạo lực gia đình, vi phạm quyền trẻ em, vi phạm luật giao thông đường bộ, đất đai… vẫn còn thường xuyên xảy ra. Từ đó dẫn đến các hiện tượng khiếu kiện kéo dài hoặc khiếu kiện vượt cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Để khắc phục tình trạng trên, các địa phương cần có các giải pháp và phải xác định coi công tác phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, được ưu tiên thực hiện hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Từ đó đề ra nhiều chủ chương, biện pháp để thực hiện một cách cụ thể, thiết thực, sát với điều kiện, thực tế của mỗi địa phương, đơn vị. Cụ thể:
Một là, cần phát huy tốt vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, do vậy phải có sự quan tâm, chỉ đạo từ khâu xây dựng kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện để đưa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vào nề nếp. Đồng thời, xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật từ khi mới phát sinh.
Hội thi tìm hiều Luật Trẻ em
Hai là, các địa phương cần có một khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để đảm bảo cho các hoạt động này đạt hiệu quả cao; cần tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí của các tổ chức, cá nhân quan tâm đến các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Tập trung thực hiện tốt công tác sơ, tổng kết để đánh giá lại những việc đã làm được, chưa làm được, đề ra phương hướng giải pháp và xác định nội dung tuyên truyền cho những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, kịp thời khen thưởng những tổ chức cá nhân làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phê bình, nhắc nhở những tổ chức, cá nhân thực hiện chưa nghiêm; kịp thời thay thế những cán bộ còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn hoặc không nhiệt tình trong thực hiện nhiệm vụ.
Ba là, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho từng đối tượng cụ thể bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, kết hợp nhiều loại hình tuyên truyền như: tổ chức hội nghị, sân khấu hóa, thi viết, phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa, tuyên truyền lưu động xuống tại các thôn, xóm,... với phương châm “Mỗi người dân trong cộng đồng dân cư là một tuyên truyền viên”; thực hiện tốt các hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật lưu động; hòa giải các tranh chấp nhỏ ngay tại cơ sở.
Một hội nghị tuyên truyền pháp luật
Bốn là, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tuyên truyền. Khuyến khích các tuyên truyền viên tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hàng năm phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các tuyên truyền viên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Năm là, cần phải phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng và thường xuyên hơn nữa giữa các cấp, các ngành đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là giữa đơn vị xã với Hội Luật gia huyện, phòng Tư pháp huyện, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước. Đổi mới và đẩy mạnh nâng cao chất lượng sinh hoạt của các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, phát huy có hiệu quả Trung tâm học tập cộng đồng, lựa chọn những nội dung sinh hoạt phù hợp với nội dung sinh hoạt theo từng chủ đề, để từ đó thu hút được nhiều hội viên và nhân dân tham gia./.