Tại phiên điều chỉnh chiều ngày 11/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng 1.490 đồng mỗi lít xăng E5 RON 92, tăng 1.550 đồng xăng RON95. Như vậy, giá xăng hôm nay là 28.950 đồng một lít (với E5 RON92) và 29.980 đồng (RON95). Riêng loại xăng RON95 V (loại xăng cao cấp) giá đã vượt 30.000 đồng.
Đây là đợt tăng giá liên tiếp từ cuối tháng 4 và sau đợt tăng này, giá xăng RON95 đã lập đỉnh mới, cao hơn mức thiết lập hồi giữa tháng 3 là 160 đồng/lít. Còn E5 RON92 thấp hơn mức đỉnh hồi tháng 3 khoảng 30 đồng/lít.
Dầu hoả là 25.160 đồng/lít, tăng 1.340 đồng. Dầu diesel là 26.650 đồng/lít, tăng 1.120 đồng. Riêng dầu madut giữ nguyên giá bán, là 21.560 đồng/kg.
Cơ quan điều hành tiếp tục không chi Quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng, dầu diesel. Mức chi quỹ với dầu hoả tăng lên 300 đồng/lít (kỳ trước là 0 đồng), dầu madut là 33 đồng (kỳ trước là 0 đồng). Mức trích quỹ bình ổn với xăng RON95, xăng E5 RON92 và dầu diesel là 100 đồng/lít. Dầu hoả, dầu madut không trích vào quỹ.
Hiện một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang âm Quỹ bình ổn. Như tại Petrolimex, doanh nghiệp chiếm khoảng 48% thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước, tới trước 15 giờ hôm nay đang âm 53 tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động lớn trước những bất ổn địa chính trị và việc EU đưa ra đề xuất cấm vận với xăng dầu từ Nga, hay OPEC không tăng sản lượng như đề xuất của EU. Việc Mỹ công bố mua thêm 60 triệu thùng dầu thô bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp cũng khiến nguồn cung dầu khan hiếm hơn.
Các yếu tố này đẩy giá xăng dầu thành phẩm tăng cao. So với tuần trước, giá xăng RON92 - loại dùng pha chế E5 RON92 tăng thêm gần 8,3% mỗi thùng, RON95 tăng 8,2%, dầu diesel 5%...
Hiện nay, Việt Nam có 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (3 doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu bay), hơn 300 doanh nghiệp phân phối xăng dầu đóng vai trò tạo nguồn cho hệ thống đại lý, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chiếm khoảng 45-50% thị phần, các doanh nghiệp đầu mối còn lại chiếm 50-55% thị phần.
Các doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu chủ yếu từ nguồn của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và phần còn lại được nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và khu vực ASEAN theo thuế suất FTA (có mức thuế thấp hơn so với thuế nhập khẩu ưu đãi MFN).