VNHN- Trải qua gần một phần tư thế kỷ hoạt động (1919-1943), những bài học kinh nghiệm và đường lối cách mạng của Quốc tế Cộng sản để lại vẫn còn nguyên giá trị đối với các đảng cộng sản và phong trào cách mạng thế giới, đấu tranh vì các mục tiêu của thời đại hiện nay.
V.I. Lênin đã chỉ rõ, có “Ba kẻ thù nguy hiểm”: Bệnh kiêu ngạo cộng sản, tệ quan liêu nhà nước và nạn hối lộ (tham nhũng). Nếu không thanh toán được những kẻ thù đó thì CNXH sẽ thất bại.
Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tạm lâm vào thoái trào, các thế lực thù địch, phản động đã tận dụng cơ hội này lại đưa ra điệp khúc: chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, Quốc tế cộng sản và chủ nghĩa xã hội (CNXH) đã đi vào hồi kết... Những luận điệu ấy chẳng có gì mới. Trong thực tế, tư tưởng của Quốc tế cộng sản vẫn tiếp tục khẳng định sức sống mãnh liệt và tác động sâu sắc đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Quốc tế Cộng sản do V.I. Lênin sáng lập và lãnh đạo đã không ngừng đấu tranh vì sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động tất cả các nước.
1. Những vấn đề về đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng của Quốc tế Cộng sản là ngọn cờ tư tưởng cho việc hoạch định, bổ sung, phát triển đường lối đổi mới của Đảng ta.
Dưới ngọn cờ của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra Cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng nhằm giải quyết vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, độc lập dân tộc và CNXH, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại và đã giành được những thắng lợi vĩ đại, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH. Qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã kiên trì thực hiện đường lối đổi mới xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đảng ta đã hình thành được hệ thống quan điểm lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đảm bảo cho công cuộc đổi mới phát triển nhanh, bền vững, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã khẳng định sự đúng đắn và giá trị lớn lao của Quốc tế Cộng sản.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn dương cao ngọn cờ Quốc tế Cộng sản, thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
2. Vấn đề khả năng phát triển lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa của các nước lạc hậu, Đảng ta đã chỉ rõ: “…bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”(1). Quá độ lên chủ nghĩa xã hội đối với nước ta là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh quyết liệt, phức tạp, lâu dài giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hiện nay, tình hình quốc tế và các nhân tố thời đại có sự biến đổi phức tạp, mau lẹ, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu hướng lớn tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội nước ta. Vận dụng sáng tạo di sản, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn tiếp tục được làm rõ, trong đó có “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa” là “bỏ qua cái gì?” và “cái gì không được bỏ qua”?,“bỏ qua mà vẫn tuân theo lôgic lịch sử - tự nhiên” là như thế nào?… ; giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế, giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
3. Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản đã thông qua 21 điều kiện kết nạp, những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân; Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của mình; vai trò của đảng cộng sản trong hệ thống chuyên chính vô sản; tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng…
Đồng thời, Quốc tế Cộng sản đã đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, chủ nghĩa cơ hội “hữu khuynh” và “tả khuynh” trong các đảng cộng sản mới ra đời; sự yếu ớt, thiếu kiên định tính đảng cộng sản; sự “non kém” về nhận thức và giải quyết các vấn đề cơ bản của cách mạng đối với đảng cộng sản.
Trước yêu cầu nhiệm vụ đổi mới trong tình hình mới, bên cạnh những thành tựu to lớn, Đảng ta còn bộc lộ không ít những hạn chế trong lãnh đạo và cầm quyền, nhất là tình trạng tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đang có nguy cơ đe dọa sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Để ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng là Đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy, ủy thác của nhân dân, Đảng ta cần phải thường xuyên lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, coi trọng việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, tiếp thu và vận dụng đúng đắn, sáng tạo những kinh nghiệm của Quốc tế Cộng sản, đề ra đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, lãnh đạo công cuộc đổi mới thắng lợi.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đã, đang và sẽ tiếp tục chống phá Đảng ta cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức, thực hiện “diễn biến hòa bình” với những âm mưu, thủ đoạn và hành vi hiểm độc. Tính chất độc hại, nguy hiểm của nó đã gây nên sự mơ hồ, ngộ nhận, lẫn lộn về nhận thức, dao động về tư tưởng, hoài nghi, suy giảm niềm tin của nhiều người vào sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có cả những cán bộ, đảng viên.
Vì thế, việc đấu tranh chống các tư tưởng, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động là vấn đề có tính nguyên tắc, một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên trong tổ chức và hoạt động lãnh đạo của Đảng ta hiện nay. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện triệt để Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về kiện toàn sắp xếp bộ máy Đảng, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Coi trọng thực hành dân chủ rộng rãi, phát huy trí tuệ tập thể, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp, chống bệnh kiêu ngạo độc đoán, cửa quyền, quan liêu, hối lộ, tham nhũng, lãng phí… trong Đảng và Nhà nước.
4. Quốc tế Cộng sản đã để lại bài học quý báu về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Quốc tế Cộng sản đã đào tạo và bồi dưỡng cho Việt Nam gần 100 cán bộ, trong đó có những cán bộ đã trở thành lãnh tụ chính trị, chiến sĩ cộng sản xuất sắc như: Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… Nhờ đó mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã được đội ngũ cán bộ này truyền bá vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta từng bước trưởng thành vững chắc về lý luận cách mạng, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi to lớn, giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ nước ta đang có sự chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Bởi vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, có đủ phẩm chất và năng lực, ngang tầm nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đến công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới. Chủ trương, nguyên tắc, quan điểm về công tác cán bộ của Đảng cần được thể chế, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ và chính xác hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và chính sách cán bộ phải được thực hiện theo quy hoạch, chặt chẽ, đúng quy chế, quy định và nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn. Cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với người tham gia đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực xã hội, quan liêu, tham nhũng…; mặt khác, phải kiên quyết xử lý những những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, “chạy chức, chạy quyền, bè phái, cục bộ, gia trưởng, quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm…”. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác cán bộ, ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những hành vi tiêu cực.
5. Giương cao ngọn cờ chủ nghĩa quốc tế vô sản trong hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Với khẩu hiệu chiến lược: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”, Quốc tế Cộng sản đã giương cao ngọn cờ chủ nghĩa quốc tế vô sản, nhằm tập hợp, đoàn kết đảng cộng sản, giai cấp công nhân, lực lượng tiến bộ cách mạng ở các nước thành mặt trận thống nhất đấu tranh chống đế quốc phong kiến, chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội thế giới.
Trung thành với những vấn đề có tính nguyên tắc về chủ nghĩa quốc tế vô sản (nay gọi là chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân), Đảng ta khẳng định: Trước sau như một, ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại. Trong tình hình mới, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục quán triệt sâu sắc những vấn đề có tính nguyên tắc trong thực hiện chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân để bổ sung, phát triển đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn, kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, giữa lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích quốc tế. Có thể nói, thực hiện chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân là nguyên lý, đồng thời là quy luật của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
Tài liệu tham khảo:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.84.
TRUNG TƯỚNG, PGS. TS. NGND. NGUYỄN ĐÌNH MINH
ĐẠI TÁ, PGS. TS. LÊ XUÂN THỦY