05/01/2025 lúc 05:40 (GMT+7)
Breaking News

Gia Lai: Ấn tượng một vùng đất " bản sắc văn hoá dân tộc phong phú"

Ở mảnh đất Tây Nguyên xanh ngút ngàn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những cảnh quan hùng vĩ, những thác nước, núi rừng, biển hồ đẹp tựa như tranh. Gia Lai trong tôi, trong mỗi người dân đã từng ghé qua hay sinh sống lâu năm đều mang cho mình một sự lưu luyến, những ấn tượng sâu sắc về bản sắc văn hoá dân tộc nơi đây.

Ở mảnh đất Tây Nguyên xanh ngút ngàn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những cảnh quan hùng vĩ, những thác nước, núi rừng, biển hồ đẹp tựa như tranh. Gia Lai trong tôi, trong mỗi người dân đã từng ghé qua hay sinh sống lâu năm đều mang cho mình một sự lưu luyến, những ấn tượng sâu sắc về bản sắc văn hoá dân tộc nơi đây.

Không mang một vẻ đẹp hoa mỹ, tráng lệ, Gia Lai đẹp hoang sơ bình dị với những rừng thông xanh mướt, với những đồi chè, vườn cà phê màu mỡ. Đã có ai nói với tôi rằng, đồng bào các dân tộc Gia Lai là những người rất giàu có, bởi vì sao ư.? Vì họ sở hữu những tinh hoa di sản văn hóa rất riêng, đó là những lễ hội truyền thống được gìn giữ bao đời ngân vang nhịp chiêng rộn ràng hòa cùng điệu xoang của các chàng trai, cô gái miền sơn cước, còn cả những thác ghềnh kỳ vĩ nằm ở các khu rừng nguyên sinh níu chân người lữ khách phương xa.

Rộn ràng hòa cùng điệu xoang của các chàng trai, cô gái miền sơn cước. 

Về với Gia Lai là về với buôn làng truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên địa bàn, chủ yếu là cộng đồng người Jrai và Bahnar. Nét đặc trưng tạo nên thương hiệu được thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua các lễ hội truyền thống, y phục và nhạc cụ. Đặc biệt hơn là tại các làng đồng bào trên địa bàn tỉnh đều có một di sản chung, quý giá, to đẹp hơn cả - chính là ngôi nhà rông kỳ vĩ, uy nghi giữa buôn làng. Nhiều ngôi làng đồng bào dân tộc Jrai thanh bình còn nguyên vẹn dấu ấn, là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tìm về với những buôn làng đậm chất Tây Nguyên.

Gia Lai còn được biết đến là vùng đất cổ xưa, di chỉ khảo cổ Biển Hồ là minh chứng cho quá trình hình thành, định cư lâu dài của người bản địa trên vùng đất cao nguyên hùng vĩ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất Gia Lai vẫn giữ cho mình nền văn hóa truyền thống đặc trưng, đa dạng thể hiện qua tôn giáo đa thần (Tô Tem), chế độ mẫu hệ của người bản địa… Ngoài ra trong các lễ hội mừng lúa mới, đâm trâu.. cũng không thể thiếu tiếng cồng tiếng chiêng, những vòng xoang, ché rượu cần, ánh lửa bập bùng giữa núi rừng đại ngàn.

Chị em thiếu nữ vui mừng khoác trên mình bộ trang phục của quê hương trong ngày chợ phiên Cửa khẩu Lệ Thanh 6/10/2019 (Ảnh: Phương Mai).

Bên cạnh cồng chiêng trong văn hóa tinh thần của người bản địa, người Bahnar còn có kho tàng sử thi đồ sộ. Những bản hùng ca tráng lệ, mang cảm hứng lãng mạn trong lao động, chiến đấu và trong cuộc sống đời thường. Được phát hiện từ sau những năm 1980 nhưng từ đó đến nay kho tàng sử thi đã không ngừng được bổ sung qua quá trình sưu tầm như: Đăm Noi, Bia Brâu…Đây là niềm tự hào của người Bahnar và là cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu cho những người say mê văn hóa, truyền thống của dân tộc này. Sử thi Bahnar vẫn còn nhiều điều bí ẩn kỳ thú đang chờ du khách đến khám phá.

Thật là thiếu sót, khi đến với Gia Lai ta lại không thưởng thức bản cồng chiêng. Một trong những đoạn mô tả tiếng cồng chiêng của núi rừng Tây Nguyên trong Sử thi Đam San đã in sâu trong tâm trí của những nghệ nhân, ghi dấu ấn đối với thính giả. “Hãy đánh những cái chiêng kêu thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ! Đánh cho tiếng chiêng luồn qua sàn lan đi xa. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất! Đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ, cho tất cả chỉ còn lắng nghe tiếng chiêng của Đam San!...".

Cồng chiêng Tây Nguyên đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia. 

Cồng chiêng Tây Nguyên được đứng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Cùng với các tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai đã và đang có nhiều nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị của kiệt tác di sản truyền khẩu phi vật thể đại diện của nhân loại. Cồng chiêng Tây Nguyên đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, từ đó thế giới biết đến một không gian văn hóa cồng chiêng gắn bó với người dân Tây Nguyên trọn một vòng đời từ Lễ thổi tai cho đứa bé mới chào đời đến Lễ trưởng thành và kết thúc là Lễ Bỏ mả.

Cùng đến đây khám phá trang phục ngày hội với trang trí hoa văn nhiều màu sắc thần bí, các điệu múa dân gian với âm thanh vang vọng của các loại nhạc cụ riêng của từng dân tộc như: tù và, đàn đá…, được tham quan nhà rông, những khu nhà mồ với nhiều bức tượng người, thú, những nghi lễ còn rất hoang sơ, nguyên thủy. Bên cạnh đó, những món ăn đặc sản nổi tiếng ở Gia Lai trên cao nguyên đất đỏ bazan luôn khiến du khách đến đây phải thổn thức, ẩm thực địa phương với đặc trưng là điểm nhấn không thể thiếu trong hành trình tham quan khi ghé qua vùng đất này. Bởi đây còn là yếu tố quan trọng giữ chân và tạo dấu ấn đối với du khách về điểm đến. Ngoài những món ăn, thức uống đã trở thành thương hiệu từ phở hai tô, gà nướng cơm lam, bò một nắng, cà phê… thì không thể thiếu các món ẩm thực của nhiều vùng miền hội tụ về đây với phong vị rất riêng cũng sẽ làm hài lòng những thực khách khó tính nhất.

Gia Lai phát triển nhanh bền vững, giàu bản sắc và trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên vào năm 2030. 

Bản sắc văn hóa các dân tộc tại Gia Lai được tôi luyện, đúc kết qua các thế hệ nối tiếp nhau trong lịch sử, như dòng phù sa bồi tụ những gì tinh túy nhất làm nên sức sống trường tồn của dân tộc. Qua quá trình phát triển, chắt lọc, thử thách của thời gian, những đặc điểm dân tộc in dấu ấn vào các sáng tạo văn hóa; dần dần lắng đọng, định hình tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc. Nó tạo nên cốt cách, bản lĩnh, sức sống của một dân tộc, từ cội nguồn đó làm nảy sinh và hoàn thiện ý thức dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa. Các yếu tố đó đã gắn kết, quy tụ các thành viên cộng đồng, tạo nên thế và lực của dân tộc.

Tất cả các quốc gia hiện nay đều chú trọng nghiên cứu di sản văn hóa của dân tộc mình, họ ý thức được rằng nếu không đề cao bản sắc văn hóa dân tộc thì tính đa dạng của văn hóa thế giới sẽ bị cạn kiệt do sự lai căng, pha tạp của các nền văn hóa. Bước vào nhiệm kỳ mới 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đặt ra mục tiêu đưa Gia Lai phát triển nhanh bền vững, giàu bản sắc và trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên vào năm 2030. Cùng với việc tiếp thu tiến bộ khoa học – kỹ thuật hiện đại, “hòa nhập không hòa tan” tỉnh Gia Lai đã có nhiều nỗ lực trong việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đồng chí Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai khoác trên mình bộ trang phục bản sắc của người Tây Nguyên trong dịp đại hội dân tộc thiểu số tại Gia Lai.

Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản chính là tôn trọng tính đa dạng của văn hóa, làm cho luật pháp khi đi vào cuộc sống kết hợp nhuần nhuyễn với luật tục, tri thức địa phương kết hợp chặt chẽ với tri thức khoa học. Tri thức địa phương là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong khai thác và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh, trật tự, chăm sóc sức khỏe, lao động, sản xuất... Do đó, tôn trọng tính đa dạng văn hóa dân tộc phải gắn liền với phát huy tri thức địa phương để phục vụ cho quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.

Còn rất nhiều điều khiến tôi ấn tượng với vùng đất Gia Lai này nhưng trước tiên vẫn là bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây, cùng những nỗ lực của chính quyền địa phương. Hi vọng có thể đóng góp chút tài năng và trí lực để cùng chung tay xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng trở nên giàu đẹp, văn minh, giữ gìn và phát huy chất “riêng” này./.