Chuỗi sự kiện tại Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL đã giúp Cà Mau giới thiệu, quảng bá những giá trị các ngành hàng thủy, hải sản; những sản vật nổi tiếng, đặc sắc của địa phương như: cua, ba khía, cá bổi, mật ong,…
Cà Mau là 1 trong 4 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, và là tỉnh ven biển duy nhất của Việt Nam có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển là 254km. Cà Mau có ngư trường rộng lớn (trên 80.000km2) và một vùng đất ngập mặn ven biển màu mỡ, rất thích hợp cho nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm.
Đến với Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023, với chủ đề: “Festival Tôm Cà Mau - Tự hào thương hiệu Việt” là thông điệp khẳng định thương hiệu Tôm Cà Mau - Tôm Việt, đồng thời thể hiện niềm tự hào và khát vọng phát triển thương hiệu tôm Cà Mau nói riêng và tôm Việt Nam nói chung lên tầm cao hơn; thể hiện quyết tâm của tỉnh Cà Mau trong việc khẳng định vị thế tôm Cà Mau trên thị trường cả về số lượng và chất lượng; với thế mạnh từ hình thức nuôi tôm sinh thái, nuôi xen canh tôm - rừng, luân canh tôm – lúa, không nơi nào có được. Bên cạnh đó, lan tỏa hình ảnh con tôm, giá trị của con tôm, văn hóa ẩm thực đa dạng và đặc sắc từ tôm đến với du khách trong và ngoài nước, bạn bè và đối tác quốc tế.
Theo thống kê, trong năm 2023 GRDP tỉnh Cà Mau ước tăng 7,78% so cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước. Ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những loại hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm – lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, cả nước đã có gần 9.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng ĐBSCL đã có trên 1.300 sản phẩm. Theo đó, Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,65 tỷ USD; đưa thủy sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, trong đó, giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực chính là con tôm.
Với vị trí địa chính trị, địa lý, đặc điểm khí hậu, điều kiện tự nhiên độc đáo đã đem lại cho Cà Mau nhiều sản vật đặc sản nhất trong vùng Bán đảo Cà Mau cũng như vùng ĐBSCL; nhiều sản vật đặc sản của Cà Mau được đánh giá thơm, ngon hơn sản vật cùng loại ở các nơi khác trong vùng; nhiều loài tôm, cua, cá của Cà Mau đã nổi tiếng từ lâu và được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng. Bên cạnh đó, Cà Mau còn giữ được nhiều diện tích rừng đước, rừng tràm nguyên sinh, được ví như Nàng tiên còn say ngủ; đây cũng chính là niềm đam mê của du khách khi đến với Cà Mau, là tiềm năng mà tỉnh Cà Mau đang mời gọi các nhà đầu tư cùng khai thác.
Chuỗi sự kiện tại Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL đã giúp Cà Mau giới thiệu, quảng bá những giá trị các ngành hàng thủy, hải sản; những sản vật nổi tiếng, đặc sắc của địa phương như: cua, ba khía, cá bổi, mật ong,… đã trở thành những sản phẩm OCOP vô cùng độc đáo, mang nhiều giá trị văn hoá bản địa đã theo chân người đi mở cõi, khai phá vùng đất Cà Mau; sự kiện cũng giới thiệu những sản phẩm OCOP chủ lực của các địa phương trong khu vực ĐBSCL và các tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh đó, Tỉnh Cà Mau cũng mong muốn tạo điều kiện để các nhà đầu tư có cơ hội khảo sát, tiềm hiểu, nghiên cứu tham gia, phát triển sản xuất, kinh doanh tại Cà Mau; góp phần đưa thương hiệu Tôm Cà Mau và nhiều sản vật tiềm năng của Cà Mau và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL vươn ra thế giới, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Với những kết quả tích cực cùng sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của người nông dân. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, đặc biệt là ngành hàng tôm vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là giống, vật tư đầu vào; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí mê tan gây ô nhiễm môi trường...
Qua đó, Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, trước hết là xây dựng cho được chuỗi kết nối từ đầu vào cho nghề nuôi tôm đến hệ thống thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; nhằm đa dạng phong phú về sản phẩm, nâng cao năng suất, ổn định chất lượng, sản lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường… Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau và của vùng ĐBSCL.