24/04/2024 lúc 19:52 (GMT+7)
Breaking News

FECON (FCN) huy động 150 tỷ đồng từ trái phiếu

CTCP FECON (HOSE: FCN) dự kiến phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu, đảm bảo bằng cổ phần của hai công ty con.
FECON (FCN) huy động 150 tỷ đồng từ trái phiếu

Nghị quyết HĐQT FECON (HoSE: FCN ) vừa thông qua phát hành 150.000 trái phiếu riêng lẻ với mệnh giá 1 triệu đồng/đơn vị. Tổng mệnh giá lên đến 150 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trái phiếu của Fecon được phát hành vào ngày 13/6/2022, đáo hạn vào ngày 13/9/2023. Lãi suất cố định 11%/năm.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo và không phải nợ thứ cấp. Tài sản đảm bảo cho việc phát hành lô trái phiếu này bao gồm bên đảm bảo là Công ty CP FECON với 22.723.563 số cổ phần/cổ phiếu thế chấp tại Công ty CP đầu tư FECON và 15.604.000 số cổ phần/cổ phiếu thế chấp tại Công ty CP Công trình ngầm FECON. Đây là 2 công ty con của Fecon.

Toàn bộ số tiền thu được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo nghĩa vụ phải thanh toán khi triển khai các hợp đồng thi công.

Về tình hình kinh doanh quý I/2022, FCN ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 14% về 502 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động tài chính đạt gấp đôi cùng kỳ, hơn 10,5 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí tài chính cũng tăng mạnh từ 29 tỷ đồng lên 47 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí QLDN giảm không đáng kể, hoạt động khác lỗ 1,2 tỷ đồng.

Kết quả, FCN lỗ sau thuế hơn 6,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 17 tỷ đồng - Đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp này thua lỗ kể từ khi hoạt động.

Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp, doanh thu và lợi nhuận gộp bị giảm so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay tăng do công ty điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng có dự án điện gió đi vào vận hành thương mại cuối tháng 10/2021.

Tại thời điểm 31/3, nợ vay tài chính của Fecon ở mức 2.389 tỷ đồng, giảm 3,3% so với số đầu năm trong đó 53,7% là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 2.655 tỷ đồng.

Năm 2021, doanh thu của Fecon đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 10% so với 2020; lợi nhuận sau thuế 71 tỷ đồng, giảm 47%. Công ty không hoàn thành kế hoạch đề ra khi thực hiện lần lượt 89% mục tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này trong 10 năm trở lại đây. Tính tới cuối năm 2021, dư nợ trái phiếu của công ty là 150 tỷ đồng.

Mới đây tại ĐHĐCĐ năm 2022, FCN đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng doanh thu thêm 44% lên mức 5000 tỷ, lợi nhuận tăng 296% lên mức 280 tỷ đồng.

Trên thị trường, chốt phiên 10/6 cổ phiếu FCN giảm 3,45% về mức 16.800 đồng /cp, giảm hơn 40% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 1.

Châu Hiệp