VNHN - Hội đồng châu Âu đã chính thức thông báo chấp thuận hai hiệp định giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) và ủy nhiệm cho Ủy ban châu Âu ký kết với Việt Nam vào ngày 30/6 tại Hà Nội.
EVFTA và EVIPA là những thỏa thuận tiêu chuẩn và tham vọng cao nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển dựa trên quy định pháp luật.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU. Các dòng thuế còn lại sẽ được dỡ bỏ dần trong 10 năm tới và 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ. Bên cạnh việc mang lại những cơ hội kinh tế quan trọng, EVFTA cũng đảm bảo rằng thương mại, đầu tư và phát triển bền vững luôn song hành, bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn cao nhất về bảo hộ lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng.
Trong khi đó, EVIPA sẽ giúp bảo vệ và tăng đầu tư của EU vào Việt Nam. Điều này hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với thương mại hàng hóa trị giá gần 50 tỷ euro.
Được khởi động từ tháng 6/2012, đến cuối năm 2015, Việt Nam và EU đã kết thúc quá trình đàm phán và tích cực thực hiện công tác rà soát pháp lý nhằm tiến tới ký kết sớm EVFTA.
Tuy nhiên, tại EU đã xuất hiện một vấn đề có tính chất pháp lý về thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã phải đưa ra xin ý kiến của Tòa án công lý châu Âu. Tòa này sau khi xem xét đã đưa ra phán quyết của mình về định dạng mới cho các FTA giữa EU với các đối tác.
Tiếp đó, phải đến tháng 9/2017, EU mới chính thức đưa ra được một định dạng mới cho hiệp định sẽ ký kết với Việt Nam. EU đã đề xuất tách thành hai hiệp định độc lập là EVFTA và EVIPA.
Theo lịch trình, sau khi được ký kết, EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và Nghị viện 28 nước thành viên EU bỏ phiếu thông qua. Theo đánh giá, EVFTA sẽ được EP thông qua vào cuối năm 2019 hoặc đầu 2020. Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là hai năm để EP và Nghị viện của 28 quốc gia thành viên thông qua./.