VNHN- Từ xưa đến nay, dân tộc ta luôn đoàn kết một lòng trong chống giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, tinh thần ấy càng được hun đúc thôi thúc và luyện rèn. Bẵng đi một thời gian dài chúng ta sống trong hòa bình nên khái niệm đoàn kết dân tộc có cảm tưởng như bị rạn vỡ. Nhưng không, qua đại dịch Covid 19 lại một lần nữa chứng minh rằng dân tộc ta luôn trên dưới một lòng, luôn đoàn kết chống lại mọi kẻ thù, trong đó có kẻ thù dịch bệnh.
Dịch Covid 19 diễn ra từ cuối năm 2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc) và nhanh chóng lan ra thành đại dịch toàn cầu chỉ trong thời gian ngắn đã khiến mọi hoạt động của thế giới bị đảo lộn. Để phòng chống dịch hiệu quả, mỗi quốc gia có cách xây dựng kế hoạch chống dịch riêng tùy theo năng lực về tài chính, y tế, chính sách và chiến lược quốc gia.
Tại Việt Nam, ngay khi có thông tin về dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thông điệp đến toàn dân là phải coi việc “chống dịch” như “chống giặc” và nó trở thành mệnh lệnh trước muôn dân phải lập tức đương đầu chống giặc dịch. Thừa lệnh ấy, các cấp, các ngành từ trung ương xuống địa phương đều phải ra sức làm tốt công tác phòng chống dịch, nơi nào lơ là thiếu trách nhiệm là nơi ấy phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
Nét đặc trưng của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid 19 là ngay từ đầu Đảng, Chính phủ kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc và huy động toàn dân chung tay phòng chống dịch một cách quyết liệt, triệt để; chấp nhận có sự thiệt hại về kinh tế để cứu người, coi tính mạng con người là trên hết.
Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao phó, ngày 9/2/2020, hãng hàng không Vietnam Airlines đã chọn 15 thành viên phi hành đoàn từ 100 phi công, tiếp viên, thợ kĩ thuật, nhân viên mặt đất và bác sĩ sản khoa đến vùng tâm dịch tại Vũ Hán để đón 30 công dân Việt Nam (du học sinh, người lao động, người đi du lịch, trong đó có một người phụ nữ đang mang thai) trên chuyến bay HVN68 trở về đất mẹ một cách an toàn.
Phi hành đoàn và đội ngũ chuyên gia trên chuyến bay khởi hành từ Nội Bài đêm 9.2
Trong tháng 3, hãng hàng không Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều chuyến bay đến các nước Âu - Mỹ (gồm Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan và Mỹ) để đưa hàng trăm công dân Việt Nam trở về quê hương an toàn.
Những ngày qua, mỗi ngày sân bay Nội Bài đón hàng ngàn hành khách trên các chuyến bay quốc tế và chủ yếu là người Việt Nam trở về quê hương - nơi có công tác y tế dự phòng được đánh giá là khá tốt so với nhiều nước có điều kiện kinh tế cao hơn, để chủ động phòng tránh dịch.
Mặc dù phải vào tâm dịch để đưa những người con của quê hương trở về đất mẹ, nhưng những người hùng là những phi hành đoàn, những cán bộ y tế, những thanh niên tình nguyện đã sẵn sàng lên đường mà không mảy may ngại ngần đến tính mạng của riêng mình. Điều này thể hiện rõ tình cảm tương thân tương ái, giúp nhau lúc hoạn nạn của dân tộc Việt. Không chỉ dừng lại việc dành thời gian và công sức cứu người, những tấm lòng vàng còn bỏ ra rất nhiều tiền như ca sỹ Hà Anh Tuấn tặng 3 phòng điều trị áp lực âm, trị giá 2 tỷ đồng cho 3 bệnh viện ở 3 miền đất nước; ca sỹ Tùng Dương và ca sỹ Phạm Thùy Dung tặng 2.000 bộ quần áo bảo hộ chống dịch; ca sỹ Chi Pu góp 1 tỷ đồng, ca sỹ Hồ Ngọc Hà tặng 3 tỷ đồng và đặc biệt là Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã tài trợ 20 tỷ đồng cho việc nghiên cứu chống virus gây dịch Covid 19. Tặng 140.000 khẩu trang cho 7 tỉnh biên giới (Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh). Ủng hộ 100 tỷ đồng trang thiết bị y tế, máy móc, hóa chất xét nghiệm chống Covid 19. Tặng 5 tỷ đồng cho Qũy phòng chống dịch.
Tuy còn số ít người do xa quê hương lâu ngày, thiếu thông tin về quê hương, đất nước nên đã có cái nhìn sai lệch, thậm chí khi đã được các chuyến bay đón về đất mẹ mà vẫn có tình trạng đòi hỏi vô cớ. Lẽ dĩ nhiên họ được bình đẳng kêu la như một đứa trẻ khi đứng trên đất mẹ, bởi đất mẹ đủ lòng bao dung cho tất cả những đứa con của mình.
Cuộc chiến chống dịch Covid 19 còn dài, mỗi người dân Việt chúng ta dù ở đâu trên quả địa cầu này thì cũng đều hướng về đất mẹ, đều có trong huyết quản dòng máu Lạc Hồng với 2 từ “quê hương”. Quê hương là đất mẹ. Đất mẹ mặn mòi sẽ luôn mở rộng vòng tay cưu mang tất cả những đứa con đất mẹ sinh ra. Và những người con sinh ra từ đất mẹ cũng cần hiểu rằng để có hình hài đất mẹ như ngày nay là công sức của biết bao thế hệ đã phải đánh đổi bằng cả máu xương mới có được. Yêu quê hương là phải hiểu rõ nguồn gốc lịch sử, văn hóa của quê hương mình./.