VNHN - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-26/9.
Thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 3/2/1950, với bề dày lịch sử 67 năm, Hungary đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước. Những năm gần đây, quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng sâu sắc trên cơ sở tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, an ninh và quốc phòng. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao.
Cơ chế hợp tác song phương của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam - Hungary đã phát huy tốt vai trò thúc đẩy hợp tác song phương. Trong các ngày 22-23/3/2017, hai bên đã tổ chức Khóa họp thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam - Hungary tại Thủ đô Budapest.
Quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đã có những tiến triển đáng kể. Kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng trưởng mạnh. Năm 2016 đạt 266 triệu USD (tăng 36,28% so với năm 2015). Kim ngạch 6 tháng đầu năm 2017 đạt 145 triệu USD (tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hungary là: Dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng… Các mặt hàng xuất khẩu của Hungary sang Việt Nam là: Tân dược, máy móc, phụ tùng, hóa chất, thức ăn gia súc…
Tính đến năm 2016, Hungary có 15 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 50,66 triệu USD, đứng thứ 55 trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chế biến chế tạo, truyền thông, kinh doanh bất động sản với các hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh… Các dự án đầu tư tiêu biểu của Hungary tại Việt Nam như: Dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Crest Asia Việt Nam, cấp phép ngày 15/09/2008 tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, sản xuất da thành phẩm, da thô mộc và các sản phẩm từ da; Dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển White Stone, cấp phép ngày 26/08/2009 tại Hà Nội, tổng vốn đầu tư 2 triệu USD, thuộc lĩnh vực tư vấn bất động sản…
Về hợp tác phát triển, tháng 1/2016, hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác tài chính trị giá 60 triệu EUR cho Dự án đầu tư Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Tháng 1/2017, hai bên đã ký Hiệp định khung về Hợp tác tín dụng trị giá 440 triệu EUR trong các dự án liên quan đến lĩnh vực quản lý nước, dược phẩm-y tế, công nghệ thông tin, nông nghiệp, an ninh-quốc phòng để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển tại Việt Nam.
Lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Hungary là giáo dục-đào tạo. Trước đây, Hungary đã giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ader János vào tháng 11/2014, Hungary đã nâng số học bổng cấp cho sinh viên Việt Nam lên 100 suất/năm. Từ năm học 2017-2018, Hungary nâng lên 150 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Hungary học tập.
Hợp tác địa phương giữa hai nước được thúc đẩy. Quận Tây Hồ (Hà Nội) kết nghĩa với Quận 16 của Thủ đô Budapest; thỏa thuận kết nghĩa thành phố Hội An với thành phố Szentendre của Hungary; thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Cần Thơ và thành phố Káposvár.
Hai bên đã ký một số các hiệp định, thỏa thuận, nghị định thư, biên bản ghi nhớ như: Hiệp định Hợp tác khoa học-công nghệ, Hiệp định hợp tác về Môi trường để tạo khuôn khổ cho hợp tác song phương trong các lĩnh vực này; tránh đánh thuế trùng; khuyến khích và bảo hộ đầu tư; hợp tác phát triển; hợp tác nông nghiệp…
Cộng đồng người Việt Nam tại Hungary hiện có khoảng trên 4.000 người, sống tập trung chủ yếu tại Thủ đô Budapest, kinh doanh hàng may mặc tại các chợ, trung tâm thương mại châu Á, cuộc sống tương đối ổn định. Bà con luôn đoàn kết và hướng về Tổ quốc.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hungary Orbán Viktor nhằm khẳng định chính sách coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ nhiều mặt với Việt Nam, đưa hợp tác hai nước ngày càng phát triển hiệu quả và sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo, y tế, môi trường, an ninh-quốc phòng, văn hóa, du lịch; trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.