20/01/2025 lúc 04:44 (GMT+7)
Breaking News

Đưa các nghị quyết “khẩn” vào cuộc sống

Vừa qua , Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Ảnh minh họa

Tại kỳ họp thứ nhất khởi đầu nhiệm kỳ mới, với tinh thần đổi mới của Quốc hội, “vì một Quốc hội hành động”, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp có bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ để Chính phủ chủ động đối phó dịch.

Việc ban hành Nghị quyết 268 thể hiện rõ động thái rất khẩn trương, quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chung tay, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp chưa từng có.

Tại cuộc họp khẩn dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận khẩn trương và kỹ càng về một số nội dung quan trọng đề cập trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Chẳng hạn, về việc quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 (khoản 2 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết Chính phủ) quy định “Quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 đồng thời là giấy phép hoạt động” khác với quy định tại Điều 42 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 42 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: Điều kiện hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp. Qua thảo luận và bày tỏ tán thành nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung thời hạn hiệu lực của nội dung này (đến hết ngày 31/12/2022) và chỉ áp dụng trong trường hợp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo kịch bản ứng phó dịch và điều kiện thực tiễn tại mỗi địa phương.

Nội dung được quan tâm khác là tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ quy định: trình giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất, là khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14. Với nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo, kiểm tra chặt chẽ của cấp ủy ở các địa phương trong quá trình thực hiện, tránh việc lạm dụng quy định này để quyết định các nội dung không thật sự cấp bách, không trực tiếp liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Còn đối với biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nên quy định và phân cấp rõ cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp phạm vi và mức độ nguy cơ của dịch; giới hạn rõ thời hạn hạn chế tối đa là bao lâu, nếu vượt quá mức này thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đối với các biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, cần liệt kê cụ thể các biện pháp được áp dụng. Đề nghị Chính phủ cần nêu các biện pháp khác có thể được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp đối với tình hình dịch bệnh hiện nay hoặc viện dẫn điều, khoản cụ thể của các luật, pháp lệnh có liên quan; theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là các biện pháp đặc biệt, cần phải cụ thể, rõ ràng, vì có thể hạn chế quyền công dân trong một số trường hợp.

Tình hình dịch và chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Thực tiễn “thời chiến” chống giặc Covid không chỉ đòi hỏi sự bình tĩnh, quyết đoán, sáng tạo từ cơ sở mà còn đòi hỏi sự thống nhất, kỷ luật, đồng lòng trên dưới.

Với nghị quyết mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các biện pháp, giải pháp hành động ứng phó cấp bách phòng, chống dịch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong tình trạng khẩn cấp sẽ sớm được công bố chính thức, có hiệu lực pháp lý để triển khai, áp dụng trên toàn quốc.

Đây là thông lệ pháp luật áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia khi xảy ra tình huống khẩn cấp đòi hỏi cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trao thẩm quyền mạnh hơn cho Chính phủ để ứng phó nhanh, linh hoạt, tập trung thống nhất trong kiểm soát tình hình cấp bách trên cả nước.

Bên cạnh triển khai nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch, việc thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ sẽ kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương, của Quốc hội.