30/04/2024 lúc 18:16 (GMT+7)
Breaking News

Dù phải gồng mình chống chọi dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn xuất siêu 2,8 tỷ USD

VNHN - Trong thời gian qua, kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 hiện đang lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, trong quý I năm nay, xuất siêu của nước ta vẫn ước đạt 2,8 tỷ USD.

VNHN - Trong thời gian qua, kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 hiện đang lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, trong quý I năm nay, xuất siêu của nước ta vẫn ước đạt 2,8 tỷ USD.

Số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, kết thúc quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%, trong đó xuất khẩu đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Cụ thể, trong tháng 3/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Tính chung quý I/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, chiếm 31,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 40,43 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 68,4%.

Trong quý I, cả nước có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 12,4 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng còn lại là điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15,5 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN,Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ở chiều ngược lại, quý I/2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, xuất siêu quý I năm nay đạt 2,8 tỷ USD. Kết quả này có được là sự quyết tâm đồng bộ của các bộ ngành. Trong đó Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện việc ứng phó với dịch Covid-19 trên tinh thần rất chủ động, quyết liệt đồng bộ cả trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo quốc gia và trong công tác triển khai các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Xuất siêu đạt 2,8 tỷ USD trong quý I/2020. Ảnh: Internet

Với tinh thần không chủ quan với dịch, các giải pháp đã được Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt. Trong đó có việc triển khai mạnh các giải pháp để khơi thông xuất khẩu, đặc biệt là xử lý các vấn đề ở các cửa khẩu để thúc đẩy lưu thông xuất nhập khẩu với Trung Quốc, song song với đó là tìm thị trường thay thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, tới nay hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ và đi vào hoạt động thuận lợi hơn.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa. Nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội do Hiệp định này mang lại. Chỉ đạo các Thương vụ tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới cho doanh nghiệp và hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế, tới đây, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng, các bộ, ngành liên quan, trực tiếp là Bộ Công Thương cần tiếp tục chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.

Tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới cho doanh nghiệp và hàng hóa xuất nhập khẩu... Bên cạnh đó, cần chú trọng khai thác các lợi thế từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do. Thống kê cho thấy, trong năm 2019, mặc dù Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đưa vào thực thi chưa đủ 1 năm, kim ngạch của Việt Nam với các nước trong thị trường CPTPP có mức tăng trưởng khá, đặc biệt 2 thị trường trước đây chưa có Hiệp định thương mại tự do là Canada và Mexico đều tăng ở mức từ 26-29%.

Trước đây, với tổng thể thị trường CPTPP, Việt Nam nhập siêu ở mức 0,9 tỷ USD, năm 2019 xuất siêu 1,6 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 của cả nước có sự đóng góp tích cực của quá trình thực thi CPTPP. Do vậy, việc tiếp tục tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đang tham gia như CPTPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là vô cùng quan trọng. Trong đó, cần coi trọng Hiệp định EVFTA để tập trung nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội trong thời gian tới.