26/12/2024 lúc 18:30 (GMT+7)
Breaking News

Dữ liệu mở của Chính phủ là tiêu chí quan trọng đánh giá Chính phủ điện tử quốc gia

Đó là thông điệp nổi bật tại hội thảo: “Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 14/7 tại Hà Nội.
Ảnh minh họa - Internet

Sửa đổi thay thế Luật Giao dịch điện tử phải đảm bảo tính thống nhất

Thông tin tại hội thảo cho biết, Luật Giao dịch điện tử (Luật GDĐT) 2005 có hiệu lực thi hành từ năm 2006, sau hơn 15 thi hành đã nảy sinh những bất cập. Vì thế, để đảm bảo hướng đến xây dựng một luật thống nhất, tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện để chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhất là trong bối cảnh hội nhập Luật GDDT 2005 cần thiết phải sửa đổi, thay thế.

Để bảo đảm tính thống nhất, Dự thảo Luật đã được rà soát với các luật khác trong cùng lĩnh vực và các lĩnh vực có liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thương mại, Luật Chứng khoán, Luật Công chứng.... Trong đó một số quy định của dự thảo Luật cũng đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các văn bản pháp luật này. Đáng kể, Dự thảo Luật sửa đổi cũng đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều điều ước quốc tế, hiệp định thương mại tự do, trong đó có nội dung liên quan đến giao dịch điện tử được quy định lồng ghép vào trong các cam kết về Thương mại điện tử như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc; Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc/Niu Di-lân; Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á -Âu; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).... Theo đó, một số quy định, cam kết trong các điều ước đã được cụ thể hóa trong toàn bộ dự thảo Luật GDĐT sửa đổi, thay thế Luật GDĐT năm 2005 nhằm bảo đảm thi hành các điều ước quốc tế và Hiệp định nêu trên. Đồng thời đảm bảo về nguồn nhân lực, tài chính để thi hành Luật sau khi được quốc hội ban hành.

Cần có thêm quy định việc thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

Góp ý đối với Dự thảo Luật GDĐT sửa đổi Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho rằng, hệ thống văn bản QPPL về kinh tế số rất phong phú, do nhiều cơ quan soạn thảo, nhưng chưa có sự thống nhất vì thiếu cơ quan cầm trịch, có cái nhìn tổng thể. Trong bối cảnh hiện nay, Quốc hội là cơ quan thích hợp nhất để chủ trì xây dựng cách tiếp cận tổng thể cho hệ thống văn bản QPPL về kinh tế số. USABC cũng cho rằng, Điều 4.5 có phạm vi quá rộng chủ yếu nói về mạng xã hội và nhằm quản lý kiểm soát nội dung trên nên tảng, chứ không liên quan nhiều đến bảo vệ hay tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử. Vì thế USABC đề xuất, nên xác định rõ các mô hình kinh doanh chính của các nền tảng số lớn và đưa ra các quy định quản lý cụ thể cho mỗi loại, nhóm nền tảng thay vì định nghĩa chung chung.

Bổ sung thêm điều mới, ông Phạm Đức Tiến, Giám đốc Marketing, Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam cho rằng, cần có thêm quy định việc thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, có lộ trình cấp phép và ban hành dữ liệu mở rõ ràng. Ví dụ như việc yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước đều phải lập danh mục và phân loại dữ liệu mở của cơ quan mình. Từ đó sẽ tạo ra được dữ liệu mở mang tính hệ thống, phân loại chặt chẽ theo từng lĩnh vực, ngành nghề kèm theo các quyền để sử dụng dữ liệu đó. Điều này sẽ giúp thúc đẩy dữ liệu mở phát triển và toàn dân có thể dễ dàng khai thác, ứng dụng dữ liệu mở vào phát triển kinh tế.

Phân tích về đề xuất này, ông Phạm Đức Tiến cho biết, trên thế giới, các nước phát triển như Mỹ, Anh đã công bố chính sách về dữ liệu mở từ nhiều năm trước. Những bộ luật này đều quy định rõ ràng về dữ liệu mở Chính phủ và lợi ích của nó, cụ thể là giúp giảm thiểu sự thiếu minh bạch, tham nhũng.

Còn theo báo cáo của Ủy ban hạ tầng quốc gia Vương quốc Anh, việc công bố dữ liệu cho công chúng có thể giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian tương đương giá trị từ 15 - 58 triệu bảng Anh mỗi năm. Tại Tây Ban Nha, có ít nhất 150 công ty kinh doanh các dịch vụ dựa trên dữ liệu mở với quy mô khoảng 4000 nhân công bỏ ra từ 330 đến 550 triệu Euro mỗi năm để tái sử dụng dữ liệu mở nhằm phục vụ kinh doanh. Cùng với đó, hiện các quốc gia ở châu Á cũng đã sớm công bố dữ liệu mở. Vào năm 2014, theo số liệu khảo sát của Đại học Waseda - Tokyo Nhật Bản, có 38 quốc gia đã cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ để phục vụ người dân và DN thông qua cổng dữ liệu Chính phủ. Tại Hàn Quốc, Chính phủ của họ đã triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở Chính phủ. Hàn Quốc cũng là nước dẫn đầu trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về tính khả dụng và khả năng tiếp cận của dữ liệu mở Chính phủ. Từ năm 2014 đến 2017, Hàn Quốc đã đẩy mạnh nhiều chương trình, chính sách để phát triển và ứng dụng dữ liệu mở chính phủ. Theo Báo cáo thị trường ngành công nghiệp dữ liệu do Cơ quan dữ liệu Hàn Quốc (KDA), thị trường dữ liệu Hàn Quốc đã tăng 14.304,7 tỷ won vào năm 2017, tăng 4,0% so với năm 2016. Mức tăng ổn định với tốc độ hàng năm là 7,5% kể từ năm 2010.

Một ví dụ rất điển hình nữa là hệ thống mua sắm công của Chính phủ Hàn Quốc cho phép các tổ chức, DN kết nối API để khai thác miễn phí các thông tin mua sắm công trên Hệ thống, định dạng dữ liệu là XML và JSON đều là những định dạng phổ biến. DN sẽ được khai thác miễn phí các thông tin thống kê về thị trường mua sắm công và những thị trường mua sắm khác tại nước này.

Theo báo cáo đánh giá của Liên Hợp Quốc, hiện trên thế giới đã có 80% các nước đã xây dựng Cổng dữ liệu để cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ để phục vụ người dân và DN. Đáng kể, việc cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá Chính phủ điện tử của các quốc gia. Điều này cho thấy, vai trò của dữ liệu mở Chính phủ, dữ liệu mở của cơ quan nhà nước với sự phát triển của nền kinh tế số. Cũng như quyền sử dụng, quyền tiếp cận dữ liệu mở Chính phủ của nhiều nước đều được quy định rõ ràng trong Luật. Chính vì vậy, trong bộ luật về Giao dịch điện tử của Việt Nam rất cần thiết phải đề cập chi tiết về giấy phép, quy trình mở dữ liệu của cơ quan nhà nước. Cũng như bổ sung nội dung quy định cơ quan quản lý nhà nước cần đảm bảo năng lực hoạt động của hệ thống, cổng thông tin của cơ quan mình, không được cấm người dân và DN truy cập các dữ liệu công khai, dữ liệu mở bằng bất cứ hình thức nào./.

Thanh Loan - Tổng Cục Thuế 

...