Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức họp báo thông tin về hội thảo du lịch với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”.
Ảnh minh họa
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức về du lịch trong nước và quốc tế trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam giai đoạn “hậu COVID”; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện “bình thường mới”.
Diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ giữa năm 2019 đến thời điểm hiện tại, du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa cũng không thể triển khai khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ, “đóng băng” nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, khu nghỉ dưỡng…; hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp, gián tiếp trong ngành không có việc làm, không có thu nhập; nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cạn kiệt nguồn lực, phải giải thể…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, với các giải pháp đồng bộ, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt kết quả tích cực, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, các hành động thích ứng với trạng thái “bình thường mới” đã và đang được triển khai một cách mạnh mẽ nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế nhanh chóng hồi phục.
Thời gian qua, các bộ, ngành đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chấp thuận bằng những quyết sách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể duy trì và từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực du lịch, Bộ VHTT&DL đã đề xuất giảm thuế, giảm tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành; giảm tiền điện, tiền thuế đất đối với doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch; sẵn sàng phương án thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang)...
Tuy nhiên, những khó khăn đối với du lịch còn rất nặng nề, nhiều “điểm nghẽn” cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự chung tay của cộng đồng để tháo gỡ, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Với tinh thần đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội và Chương trình công tác năm 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức Hội thảo “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”, dự kiến vào tháng 12 tới tại tỉnh Nghệ An (trong trường hợp dịch bệnh đã được kiểm soát) hoặc tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và các đại biểu tham dự. Ngoài phiên thảo luận về những vấn đề chung của ngành du lịch, hội thảo có 3 phiên chuyên đề tập trung về các nội dung: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; xu hướng, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch; công nghệ số trong phục hồi, phát triển du lịch.
Thông tin đăng ký tham dự và gửi tham luận cho Hội thảo: Gửi tóm tắt tham luận, chậm nhất ngày 5/10; gửi tham luận toàn văn, chậm nhất ngày 29/10.
Tóm tắt tham luận không quá 500 từ; tham luận toàn văn không giới hạn độ dài.
Đăng ký, gửi tóm tắt và toàn văn tham luận trực tuyến theo địa chỉ website: https://hoithao.vietnamtourism.gov.vn; email: hoithaodulich2021@gmail.com;
bưu điện: Tổ Thư ký Hội thảo Du lịch năm 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.