22/01/2025 lúc 20:35 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch Thanh Hoá và những giải pháp vượt qua khó khăn trước đại dịch Covid-19

Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến hoạt động du lịch cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nói riêng gần như rơi vào tình trạng “đóng băng”. Trước khó khăn trên, Thanh Hoá đã và đang từng bước tìm hướng tháo gỡ với nhiều giải pháp thiết thực nhằm sớm trở lại “đường đua” với nhiều thách thức mới, vận hội mới.

Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến hoạt động du lịch cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nói riêng gần như rơi vào tình trạng “đóng băng”. Trước khó khăn trên, Thanh Hoá đã và đang từng bước tìm hướng tháo gỡ với nhiều giải pháp thiết thực nhằm sớm trở lại “đường đua” với nhiều thách thức mới, vận hội mới.

Ngay khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4, ngành du lịch cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều địa phương đã đầu tư lớn về mọi mặt, sẵn sàng đón khách trong mùa du lịch hè 2021. Tại Thanh Hóa, các nhà hàng, khách sạn ở các điểm du lịch như: SầmSơn (TP Sầm Sơn); Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa); Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn); Pù Luông (huyện Bá Thước).. đã chỉnh trang, đầu tư mới cơ sở vật chất, huy động nguồn nhân lực, thực phẩm..sẵn sàng đón khách bước vào đợt nghỉ lễ cao điểm đầu tiên trong năm  (kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5). Cùng với đó, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đã ký kết thành công hàng loạt hợp đồng. Song, mọi sự chuẩn bị của các đơn vị kinh doanh dịch vụ, mọi kế hoạch tổ chức các chương trình kích cầu tại các khu du lịch buộc phải dừng lại trước giờ “G” (ngày 28-4).

Thành nhà Hồ là một trong những thành lũy bằng đá ít ỏi sót lại cho đến ngày nay trên thế giới 

Từ cuối tháng 4 đến nay, không có khách du lịch, đồng nghĩa với không có doanh thu, trong khi nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch vẫn phải duy trì hoạt động cầm chừng. Các khoản trả lãi suất ngân hàng, nộp thuế, thuê mặt bằng, chi phí điện nước, đóng bảo hiểm xã hội, trả lương nhân viên.. là những gánh nặng mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt. Ngoài ra, việc giữ chân nguồn nhân lực có chất lượng và kinh phí tái đầu tư khi dịch bệnh được kiểm soát là bài toán chưa có lời giải đối với hầu hết các doanh nghiệp du lịch.

Bãi Đông với bờ biển trắng mịn một điểm du lịch gần đây được nhiều du khách quan tâm

Theo thống kê sơ bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đến thời điểm hiện nay, có gần 600 cơ sở lưu trú tại các khu du lịch biển đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng; nhiều khách sạn đã ngừng cung cấp các dịch vụ bổ trợ để hạn chế nhân lực và sự lây lan của dịch bệnh. Số lượng phòng lưu trú không được đặt giảm mạnh, giảm hơn 47,2% so với cùng kỳ năm 2020; công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 20 - 30%/năm, giảm gần 50% so với các năm. Cụ thể, tính đến cuối tháng 7, số lượng phòng; bị hủy khoảng 65.000 phòng, ước tính thiệt hại khoảng 43 tỷ đồng; thiệt hại về ăn uống du lịch khoảng 60 tỷ đồng... Về phía lữ hành, tính từ đầu năm đến nay, có  hơn 250 đoàn với 12.500 khách báo hoãn, hủy tour, ước thiệt hại tiền đặt cọc dịch vụ lên đến hơn 40 tỷ đồng. Toàn ngành du lịch có khoảng 15.000 lao động  bị mất việc làm  trong 6 tháng đầu  năm 2021.

Tuy  nhiên  đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa vẫn duy trì chương trình kích cầu đã ký kết từ đầu năm 2021, sẵn sàng tái khởi động trở lại khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Cùng với sự cố gắng, nỗ lực của doanh nghiệp, Sở VHTTDL đã xây dựng sẵn chương trình, kế hoạch trong công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các gói kích cầu du lịch tại các địa phương là thị trường trọng điểm của du lịch Thanh Hóa. Đồng thời tiếp tục tổ chức một số sự kiện VHTTDL để thu hút khách. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa thông qua hình thành các liên minh kích cầu du lịch, với các sản phẩm dịch  vụ ưu đãi, chất lượng cao. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động quảng bá, xúc tiến, quản lý và kinh doanh dịch vụ du lịch hậu COVID-19.

Pù Luông điểm du lịch đẹp đến nao lòng

Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh trong việc tuyên truyền, quảng bá và quản trị doanh nghiệp.

Mới đây, ngày 1-7-2021, Chính  phủ đã ban hành Nghịquyết 68/NQ-CP về  một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Với những gói chính sách hỗ trợ cụ thể này, Chính phủ đã kịp thời động viên, chia sẻ những khó   khăn với doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; tạo thêm niềm tin, sức mạnh để doanh nghiệp và người lao động vượt qua những khó khăn trước mắt; tiếp tục duy trì hoạt động và giữ người lao động yên tâm gắn bó với nghề, sẵn sàng  khởi động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Những khó khăn trong hoạt động du lịch vẫn chưa dừng lại, bởi dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến đặc biệt phức tạp. Ở thời điểm “chống dịch như chống giặc” hiện nay, việc cần làm của các khu, điểm, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh là tập trung phòng, chống dịch bệnh, giữ chắc thành quả “Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, sẵn sàng trở lại “đường đua” với nhiều thách thức mới, vận hội mới./.