08/11/2024 lúc 16:31 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch sông Hồng hấp dẫn du khách

Du lịch sông Hồng mới chỉ dành cho những người đam mê khám phá Hà Nội và các làng nghề ven sông. Vậy nên, tương lai, khi Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được đưa vào triển khai, đây sẽ là cơ hội để tiềm năng du lịch của con sông này phát huy hết lợi thế.

Du lịch sông Hồng mới chỉ dành cho những người đam mê khám phá Hà Nội và các làng nghề ven sông. Vậy nên, tương lai, khi Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được đưa vào triển khai, đây sẽ là cơ hội để tiềm năng du lịch của con sông này phát huy hết lợi thế.

Du lịch Sông Hồng làng cổ, đến nay không phải là loại hình xa lạ đối với người đam mê khám phá Hà Nội và các làng nghề ven Sông. Trên Sông Hồng ngày nay vẫn tồn tại nhiều kiểu làng với những xóm chài, làng chài nhỏ mang đậm sắc thái sông nước và làng nghề truyền thống từ lâu đời.

Sông Hồng ngày nay đang tồn tại những giá trị về du lịch và văn hóa tiềm tàng và chưa được khai thác hết. Dọc hai bên bờ sông hiện đang hiện hữu nhiều kiểu làng với những xóm chài mang đậm sắc thái sông nước và làng nghề truyền thống từ lâu đời. Từ bến Bạch Đằng, xuôi theo dòng sông Hồng, khách du lịch có thể ngắm nhìn những xóm chài, làng nghề tất bật nhộn nhịp hàng hóa và những ngôi đền cổ. Đền Dầm, đền Đại Lộ, đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung và những ngôi đình, chùa không chỉ gắn liền với cuộc sống điền viên, thôn dã theo cách thức quần cư dựa vào sông nước của người dân ven sông mà chúng còn mang trong mình lịch sử, tinh hoa văn hóa Bắc Bộ.

Ghé thăm làng nghề truyền thống Bát Tràng là điển hình trác tuyệt. Tiếp đó là những làng nghề đặc sắc gắn liền với dòng chảy bao đời nay của Thủ đô như giò Chèm, nem Vẽ của đất Đông Ngạc, xôi Phú Thượng, đào Nhật Tân, quất Nghi Tàm, cá cảnh Yên Phụ... Cùng bao tiềm năng khác, những tài nguyên này vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy hiệu quả.

Với những tiềm năng tự nhiên của sông Hồng còn phải kể đến những cây cầu kết nối đôi bờ sông Hồng, để giới thiệu cho du khách lịch sử cận đại và đương đại của Hà Nội. Người Hà Nội và khách phương xa vẫn ngày đêm đến với cầu Long Biên không chỉ bởi vẻ đẹp nhuốm màu thời gian, cây cầu như mang trên mình cả những thước phim về một chặng đường lịch sử Hà Nội. Chuyện cây cầu có tên Paul Doumer - vị toàn quyền Đông Dương sau này trở thành Tổng thống Pháp, nhưng người Hà Nội ngày ấy chỉ gọi nó bằng cái tên “cầu sông Cái”, có lẽ bởi bản thể cội nguồn còn lớn hơn cả chiếc cầu hiện đại nhất châu Á bấy giờ. Cây cầu còn là chứng nhân của sự kiện những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội ngày 10-10-1954, cũng như nó đã từng 2 lần bị bom Mỹ đánh phá mà “vết sẹo” vẫn in hằn trên đó cho đến hôm nay.

Và mỗi cây cầu sẽ có những câu chuyện riêng gắn liền và biểu hiện sát thực cho thời đại mà chúng ra đời. Chuyện những chuyên gia Liên Xô giúp đỡ dựng xây cầu Thăng Long. Cầu Chương Dương là cây cầu đầu tiên người Việt Nam tự thiết kế, thi công trong những năm gian khó... Cầu Nhật Tân do nước bạn Nhật Bản giúp Hà Nội dựng xây như một chỉ dấu cho sự khởi đầu mới của khát vọng vươn mình của Thủ đô ngàn năm tuổi... Đã bao giờ, những người làm du lịch biến những ký ức giản đơn và dung dị ấy trở thành những câu chuyện văn hóa cho du khách chưa nhỉ?

Tương lai đang vẫy gọi một thành phố mới hình thành hai bên bờ sông Hồng. Mong rằng ngày đó sẽ sớm đến để người Hà Nội và du khách có thể ngắm nhìn những kiến trúc hiện đại hội tụ ở đôi bờ từ những du thuyền xuôi ngược dòng sông. Thành phố không còn quay lưng lại với dòng sông, mà kiêu hãnh soi bóng đô thị hiện đại xuống dòng chảy bao đời. Hy vọng rằng hiện thực ấy sớm đến để du lịch Hà Nội có thêm một sản phẩm mới trong tương lai với những câu chuyện về sự thay da, đổi thịt của Thủ đô. Những nền móng của sự đổi thay bắt nguồn từ hôm nay. Khơi dậy tiềm năng từ thiên nhiên, truyền thống và ký ức Thủ đô bằng du lịch hai bên bờ sông có thể là một viên gạch góp phần dựng nên nền móng của sự đổi thay này.