14/10/2024 lúc 04:05 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch nông thôn Đà Nẵng - Nhìn từ Hoà Bắc

Đối với không ít người Đà Nẵng, cái tên Hòa Bắc những năm trước đây, nhất là khi chưa chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, được biết đến như là một xã miền núi thuộc loại “vùng sâu - vùng xa” của huyện Hoà Vang, huyện nông nghiệp duy nhất của thành phố Đà Nẵng. Nơi đây cũng được biết đến với những địa danh nghe rất “miền núi” và như thôn Tà Lang, Giàn Bí, nơi có sự cư ngụ của đồng bào dân tộc Cơ Tu…

Trước kia, nhất là khi Đà Nẵng chưa chia tách, tuy khoảng cách miền núi-đồng bằng, nông thôn-thành thị không phải là quá xa, nhưng có sự chênh lệch rất rõ về sự phát triển, đời sống vật chất và tinh thần. Giao thông từ Đà Nẵng đi Hoà Bắc không thuận tiện cho lắm, nhất là vào mùa mưa lũ, có những thời điểm để đến được các thôn “vùng xa” như Tà Lang, Gián Bí cũng gián đoạn do bị chia cắt bởi nước lũ vì chưa có hệ thống giao thông như cầu, đường kiên cố. Bên cạnh những cái khó, cái thua thiệt của Hoà Bắc so với các xã khác của huyện Hoà Vang do nguyên nhân khách quan và chủ quan thì Hoà Bắc cũng có những lợi thế mang tính tiềm năng mà thiên nhiên mang lại với “hình sông dáng núi” nên thơ, con người thuần hậu, chất phát, không những là người bản địa là đồng bào Cơ Tu mà cả những con người dưới xuôi, dưới phố lên đến định cư lập nghiệp, gắn bó bao đời nay. 

Từ khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, Hòa Bắc được thành phố và huyện Hòa Vang đặc biệt quan tâm bằng những chủ trương, chính sách hỗ trợ kinh tế-xã hội để Hòa Bắc phát triển nhằm từng bước tiến kịp với đồng bằng. Người dân Hòa Bắc, trong đó có đồng bào dân tộc Cơ Tu có cơ hội tiếp thu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những bước đi mang tính “xoá đói giảm nghèo”. Để đánh thức “Cô thôn nữ” còn “ngái ngủ” này trở nên tươi tắn và khoẻ đẹp phải là những bước đi uyển chuyển để phát huy lợi thế, tiềm năng vốn có về thiên nhiên, cảnh quan, vị trí địa lý của mảnh đất này cùng với những con người gắn bó, yêu thương Hoà Bắc, chấp nhận gian khó để vượt qua những gian truân trong quá trình phát triển, hiểu và hết mình với mảnh đất này.

Người viết đã không ít lần đến Hoà Bắc, nhất là sau khi Đà Nẵng trực thuộc TW. Và mỗi lần đến đây là một lần cảm nhận về sự tươi mới, những đổi thay theo hướng tích cực của Hoà Bắc, không những về cảnh quan, cơ sở hạ tầng mà còn là những con người nơi đây, từ cô nữ Bí thư Đảng uỷ xã Lê Thị Thu Hà, người gắn bó mấy nhiệm kỳ từ khi làm Chủ tịch xã đến Bí thư, lăn lộn gần gũi từ già làng đến người nông dân nghèo nhất; đến những cán bộ UBND xã, cán bộ hội đoàn thể, những người luôn gần gũi, đồng hành với người dân trong xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng. Và cũng không thể không nhắc đến những người dân Hoà Bắc “chính gốc”, các chủ Homestay, Farmstay và những người trẻ năng động, tâm huyết với mảnh đất mình công tác, sinh ra, lớn lên, trong đó có những bạn, dù đã học hành đỗ đạt vẫn quay về phục vụ quê hương với tất cả nhiệt huyết và tình yêu, ý thức trách nhiệm với nơi đây...Ít có nơi nào mà người lãnh đạo cao nhất của xã lại là chủ trang facebook mang tên “Hội quán Hoà Bắc”, lập ra để là nơi chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch,  tương tác, trao đổi thông tin, tâm tư tình cảm hàng ngày với người dân, các chủ Homestay, Farmstay và các bạn bè, du khách gần xa đến và yêu Hoà Bắc.

 

Có thể nói, nhờ có động lực từ các “nhân tố” nêu trên mà Hoà Bắc giờ đây không còn là nơi xa xôi, quạnh hiu nữa. “Cô thôn nữ” lam lũ nghèo khó như xưa nay đã từng ngày “thay da đổi thịt”, có sức quyến rũ du khách gần xa. Đã có một Hoà Bắc rất khác, phảng phất nét hiện đại nhưng không đánh mất bản sắc. Vườn mía vẫn xanh nhưng đã có sản phẩm mía sạch mang thương hiệu “Mía Hoà Bắc” đi vào các nhà hàng khách sạn “dưới phố”. Đã có những vườn cây trái hữu cơ để du khách đến trải nghiệm, chek-in và cả thưởng thức tại chỗ…Những vườn ổi, dưa lưới, bưởi được trồng theo phương pháp hữu cơ, công nghệ cao, những sản phẩm OCOP mang thương hiệu Hoà Bắc đã lan toả đến mọi nơi không chỉ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. 

Đó là về mặt nông nghiệp-nông thôn. Một lĩnh vực khác mới mẻ nhưng hiện đại làm cho Hoà Bắc trở thành một điểm đáng đến của du khách gần xa, đó là du lịch cộng đồng. Những năm trước đây, nhất là trước khi có dịch COVID-19, để trải nghiệm ở Hoà Bắc chỉ có Yên Retreat, một khu du lịch sinh thái nằm bên bờ sông Cu Đê, nổi bật với vẻ đẹp đơn giản nhưng tinh tế. Đến năm 2019 “dấu ấn” Du lịch cộng đồng bắt đầu hiện hữu thì có Homstay đầu tiên của anh A Lăng Như với cái tên Homestay Alăng Như ra đời. Một Homstay cũng khá đặc biệt khi chủ nhân là người Cơ Tu, toạ lạc ở thôn Giàn Bí, nơi có đa số đồng bào Cơ Tu sinh sống. Đến đây, du khách có thể được thăm quan làng Cơ Tu và tìm hiểu về lịch sử và văn hóa địa phương; trải nghiệm dệt thổ cẩm và đan lát cùng các nghệ nhân và thưởng thức các món ăn đặc sản như bánh sừng trâu, rau rừng và cá suối... tham gia trekking và khám phá suối Vũng Bọt và Khe Đương cũng rất thú vị. Sau Yên Retreat là một loạt các Homstay, Farmstay ra đời, không rập khuôn đơn điệu mà có những nét cuốn hút riêng, gần gũi với thiên nhiên nhưng cũng không “thua chị kém em” nếu so với đồng bằng và đô thị. Đơn cử như Homestay Nam Yên của cô Đỗ Thị Huyền Trâm, một địa điểm du lịch cộng đồng khá đặc biệt, khi là một trung tâm học tập cộng đồng, nơi tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, kết nối rất rộng rãi với cộng đồng để phát triển sản phẩm và đặc biệt thành công với sản phẩm giáo dục trải nghiệm cho học sinh các cấp tiểu học đến sinh viên các viện, trường, trung tâm đào tạo trong và ngoài nước về các giá trị thiên nhiên, du lịch sinh thái và văn hóa Cơ Tu…Rồi là Homestay Hòa Bắc Ecologe với các hoạt động văn hoá-văn nghệ được tổ chức xuyên suốt như chương trình  ca nhạc Giai điệu trẻ tuổi; ca nhạc Có hẹn với thanh xuân tại Làng Mê, viết thư pháp tại Homestay Hoa Chín, triển lãm tranh sơn dầu tại Yên Retreat, trình diễn nghệ thuật “Tung Tung Za Zá” tại Homestay Zơrâm Thị Hồng, Alăng Như...

Cách đây chưa lâu, chúng tôi được trải nghiệm ở một Farmstay mới có cái tên dễ thương là “Hương Bưởi Farm”. Chủ nhân nơi lưu trú này, cũng như đa số các chủ Homstay, Farmstay khác của Hoà Bắc, dù là người đồng bào, người địa phương hay người từ nơi khác đến, ai ai cũng nhiệt tình, chu đáo, mến khách, chuyên nghiệp và không kinh doanh theo kiểu chụp giựt. Đa số các điểm đến đều được bài trí gần gũi với thiên nhiên, hoà mình trong màu xanh của vườn cây, sông suối, tạo cho du khách cảm giác thật dễ chịu. Chỉ tiếc rằng do đặc điểm địa lý và khí hậu nên bắt đầu từ cuối tháng 9 các điểm du lịch gần sống suối phải thu dọn lều trại và các công trình bán kiên cố hoặc mang tính dã chiến để phòng tránh lũ lụt để rồi từ khoảng tháng 1 sang năm lắp dựng lại để đón khách.

Hôm nay, đã có một Hoà Bắc mới với những chủ nhân tâm huyết và trách nhiệm. Hoà Bắc của năm 2024 đã có nhiều nét đổi thay, hạ tầng tốt và quy củ hơn, cảnh vật được “vun vén”, bài trí bắt mắt, khang trang, xanh sạch, hiện đại nhưng vẫn không làm mất đi cảnh sắc thiên nhiên vốn có. Nhìn ánh mắt những người dân Hoà Bắc mà tôi bắt gặp và tiếp xúc trong thời gian tuy không nhiều, nhưng vẫn cảm nhận được tình yêu quê hương, niềm tin và hy vọng vào sự phát triển của quê hương của họ./.

Diệp Dân Hùng 

(Nguyên Trưởng phòng Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng) 

...