24/12/2024 lúc 05:30 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch Đức Cơ (Gia Lai): Về miền biên cương

Là huyện vùng biên, Đức Cơ được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều thắng cảnh thiên nhiên hữu tình, cùng với các di tích lịch sử văn hóa tâm linh. Huyện Đức Cơ đã và đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nhằm “đánh thức” tiềm năng phát triển du lịch vùng biên.

Đức Cơ là trung tâm tam giác phát triển Campuchia – Lào - Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh với những điểm đến hấp dẫn như: Thác Ông Đồng, suối Đôi, cây Đa làng Ghè – Cây di sản Việt Nam, thác Ia Xeh, thác Glong; các làng dệt thổ cẩm của người Jrai... Các di tích lịch sử văn hóa tâm linh như: Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty, Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ, Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Biên phòng, đường hành lang Bắc-Nam của Quân Giải phóng và đặt biệt là vùng biên giới với dòng sông Sê San chạy dọc theo biên giới giữa Việt Nam và Campuchia kéo đến lòng hồ thuỷ điện Sê San mênh mông.

Đức Cơ là trung tâm tam giác phát triển Campuchia – Lào - Việt Nam.

Để phát huy hết tiềm năng phong phú này, UBND huyện Đức Cơ đã ban hành kế hoạch phát triển Du lịch giai đoạn 2021 – 2025. Trước tiên, huyện Đức Cơ xác định mục tiêu chung là đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện gắn với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi thu hút đầu tư hình thành các điểm tham quan du lịch trọng tâm; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về phát triển du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển du lịch kết hợp chặt chẽ với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa; bảo đảm an ninh chính trị, củng cố quốc phòng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh với những điểm đến hấp dẫn.

Tập trung đầu tư xây dựng các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn huyện trở thành các điểm du lịch trọng tâm; phấn đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 2-3 điểm du lịch trọng tâm trong không gian phát triển du lịch huyện Đức Cơ. Tăng tỷ lệ tăng trưởng hàng năm lượng du khách trong và ngoài nước đến Đức Cơ lên trung bình hơn 10% trong 5 năm đến. Phát triển các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn đón du khách quốc tế từ đáp ứng không đáng kể lên dự kiến 15% lượng du khách trong nước và 8 % lượng du khách quốc tế đến Đức Cơ đến năm 2025. Nâng cao tính chuyên nghiệp và có qua đào tạo của lao động phục vụ trong ngành du lịch Đức Cơ, tăng tỷ lệ lao động trực tiếp cao hơn tỷ lệ lao động gián tiếp phục vụ trong ngành du lịch huyện.

Đặt biệt là vùng biên giới với dòng sông Sê San chạy dọc theo biên giới giữa Việt Nam và Campuchia 

Triển khai thực hiện Đề án phát triển Du lịch huyện Đức Cơ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Huyện sẽ đầu tư xây dựng hình thành các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn huyện: Điểm du lịch tham quan Thác ông Đồng, xã Ia Pnôn; điểm du lịch sinh thái Suối Đôi xã Ia Dom và điểm du lịch cộng đồng Cây Đa làng Ghè, xã Ia Dơk (được Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam). Đồng thời, kết nối, khai thác Điểm du lịch trọng tâm Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, khai thác một số điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái như: Di tích lịch sử Chiến Thắng Chư Bồ - Đức Cơ; Di tích lịch sử chiến thắng Chư Ty và điểm du lịch Rừng Giáng Hương – xã Ia Kriêng. Du lịch khám phá trải nghiệm dọc theo dòng sông Sê San nối với điểm lòng hồ thuỷ điện Sê San chạy dọc theo tuyến biên giới và thưởng thức các món ăn đặc sản của miền sông nước vùng biên.

 Lòng hồ thuỷ điện Sê San.

Để đẩy mạnh nền “công nghiệp không khói” này huyện Đức Cơ sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hoạt động du lịch, liên kết và hợp tác trong phát triển du lịch…một trong những vấn đề mà huyện nhà đặc biệt quan tâm đó là phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.

Để tăng cường khuyến khích hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch, huyện Đức Cơ sẽ kết hợp các sở, ban, ngành của tỉnh để tổ chức tập huấn về các loại hình du lịch phù hợp (sinh thái, cộng đồng, tham quan mua sắm, nghỉ dưỡng...) cho những người trực tiếp tham gia, tiếp xúc với du khách, hiểu biết về những kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tiếp đón khách du lịch, các biện pháp bảo vệ môi trường trong kinh doanh lưu trú; vấn đề đảm bảo an ninh và an toàn cho khách du lịch... nhằm phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa.

Dự án du lịch cộng đồng tại địa điểm cây đa làng Ghè...

Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các dự án phát triển du lịch như: khách sạn đạt tiêu chuẩn đón khách trong và ngoài nước tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, hoặc vận động đồng bào dân tộc Jrai cùng tham gia dự án du lịch cộng đồng tại địa điểm cây đa làng Ghè... Đồng thời bảo vệ, tôn tạo thắng cảnh; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian được phát triển đúng cách và bền vững.

 Hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách.

Để không lãng phí nguồn tài nguyên vồn có, phát huy hết tiềm năng du lịch, ngoài sự nỗ lực của các phòng, ban, đoàn thể…người dân của huyện rất cần sự đồng hành, hỗ trợ hợp tác từ các cơ quan, ban ngành, các huyện, tỉnh lân cận và cả nước bạn Campuchia, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trước hết là hợp tác với huyện IA HRAY, huyện IA HDRAY của tỉnh Kon Tum nhằm khai thác tốt dòng sông Sê San và hồ Sê San. Đây hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách vì cùng bơi trên một dòng sông ngắm bình minh và hoàng hôn của hai nước. một dòng sông làm đường biên độc đáo mà ít nơi nào có được.../.

Huỳnh Yên