15/01/2025 lúc 17:12 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch Cái Chiên: Tiềm năng được đánh thức

Xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, từ một xã đảo hoang sơ, Cái Chiên đã thực sự bừng sáng giữa trùng khơi, và là điểm đến hấp dẫn của du khách.

Xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, từ một xã đảo hoang sơ, Cái Chiên đã thực sự bừng sáng giữa trùng khơi, và là điểm đến hấp dẫn của du khách.

Cái Chiên có 3 bãi biển còn hoang sơ là Cái Chiên, Vụng Bầu và Đầu Rồng. Mỗi bãi cát có một vẻ đẹp khác nhau. Dọc bờ biển là rừng phi lao thẳng tắp ôm lấy bờ cát, cây vươn cao, tán lá dày khép vào nhau... Khung cảnh trên đảo còn nhiều nét hoang sơ, chưa có sự can thiệp nhiều của bàn tay con người nên càng có sức thu hút đối với du khách. 

Xã đảo Cái Chiên vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ

Không chỉ có cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, bãi biển đẹp, ẩm thực nơi đây vô cùng phong phú với các loại hải sản tươi ngon, được khai thác từ biển. Người dân nơi đây hiền lành, chất phác, giản dị. Cơ sở hạ tầng của xã không ngừng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Nối tiếp thành công của các dự án đưa điện lưới ra xã đảo, đáp ứng mong mỏi của người dân, cộng với những kinh nghiệm đã tích lũy được từ những dự án trước, tỉnh đã tiếp tục triển khai giai đoạn 1 của dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần (Cô Tô) và đảo Cái Chiên (Hải Hà), với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Tháng 4/2016, xã đảo Cái Chiên đã có điện lưới quốc gia. Việc có điện lưới quốc gia đã thực sự làm thay đổi mọi mặt về KT-XH của nơi đây. 

Đồng thời, đây cũng là nền tảng quan trọng để người dân mạnh dạn đầu tư cơ sở lưu trú trên địa bàn xã, đa dạng hóa các dịch vụ, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Đến nay, toàn xã có hàng chục hộ dân đầu tư phát triển du lịch homestay với hàng trăm phòng nghỉ, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Trần Văn Tặng, chủ nhà nghỉ Thanh Tặng, thôn Cái Chiên, xã Cái Chiên cho biết: Cái Chiên có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch biển, song do không có điện lưới nên nhiều người dân không dám đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú khang trang bởi chi phí về xăng dầu chạy máy phát điện rất lớn. Vì vậy, ngay sau khi có điện lưới quốc gia, năm 2017, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà nghỉ tiện nghi và quy mô. Đồng thời, phục vụ các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí theo nhu cầu của từng đoàn khách. Vào mùa du lịch, nhà nghỉ của gia đình thường xuyên kín phòng, mang lại thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho 3-4 lao động địa phương.

Nhà nghỉ khang trang của gia đình ông Trần Văn Tặng, Chủ nhà nghỉ Thanh Tặng, thôn Cái Chiên, xã Cái Chiên

Cũng trong năm 2016, Hải Hà đã công bố giới thiệu Quy hoạch 1/2.000 của xã đảo Cái Chiên. Quy hoạch phân khu trung tâm đảo Cái Chiên thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái với 180ha và 4 phân khu chính. Tháng 6/2019, Khu du lịch Cái Chiên đã được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy du lịch xã đảo cất cánh, thay đổi cơ bản diện mạo xã đảo, thu hút đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, một loạt các dự án cơ sở hạ tầng khác đã được đầu tư đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân như: Xuồng cao tốc hoặc phà tự hành chạy từ bến Ghềnh Võ, xã Quảng Điền, trạm xử lý nước sạch, kè chống sạt lở... Hiện, dự án đường xuyên đảo Cái Chiên đang được gấp rút hoàn thành trong năm nay. Các dự án được đưa vào sử dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, mà còn hoàn thiện hạ tầng du lịch, thay đổi diện mạo địa phương, tạo tiền đề thu hút đầu tư.

Thời gian qua, Cái Chiên cũng đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư. Trong đó phải kể đến dự án khu dịch vụ vui chơi giải trí nghỉ dưỡng Đầu Rồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Lâm Ngọc Dương đang được thực hiện. Dự án có tổng đầu tư 578 tỷ đồng, trên diện tích 20,1ha, đầu tư các dịch vụ nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 4-5 sao, đảm bảo hài hòa giữa phát triển với bảo vệ, gìn giữ cảnh quan.

Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư vào du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với đời sống nhân dân địa phương, vận động thành lập chi hội du lịch... Từ đó, đưa kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng  dịch vụ, du lịch - nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.