Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Chính phủ đã xác định vùng an ninh lương thực ĐBSCL là vùng trồng lúa trọng điểm của cả nước, với diện tích canh tác hiện nay là 1,7 triệu hecta và sản lượng hàng năm là 24 triệu tấn lúa. ĐBSCL hiện đã chủ động về mặt giống lúa, tuy nhiên vấn đề giá cả vẫn còn là mối quan tâm lớn đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Xác định rõ vấn đề này, lãnh đạo Ngành đã xác định các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang sẽ trở thành những địa phương thí điểm cho Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Theo đó, vào chiều 29/11, đoàn công tác Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã đến làm việc với Đồng Tháp để tham vấn về chính sách xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
Được biết, Đồng Tháp có tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 490.000ha (vụ đông xuân 190.000ha, vụ hè thu 186.000ha và thu đông 110.000ha), trong đó có 75% cơ cấu giống chất lượng cao được gieo trồng. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất lúa giảm giá thành mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó Dự án VnSat (diện tích 31.779ha) và dự án WB (diện tích 22.600ha) được xem là những vùng có đầu tư cơ sở hạ tầng và tập huấn nông dân sản xuất giảm giá thành, liên kết tiêu thụ hoàn chỉnh.
Những đề xuất của tỉnh Đồng Tháp được đánh giá là rất hữu ích cho quá trình xây dựng Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Và khi thực hiện Đề án này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu.
Theo đó, tỉnh cũng xác định chính sách hỗ trợ dài hạn để doanh nghiệp gắn bó và có sự đầu tư cho kế hoạch đầu tư xuất khẩu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ HTX, nông dân tham gia Đề án, quan tâm đầu tư những hạ tầng nhỏ để nông dân thuận tiện áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất một cách đồng bộ./.