17/01/2025 lúc 03:13 (GMT+7)
Breaking News

Động lực mới thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - CH Séc

VNHN - Theo phóng viên tại CH Séc, việc Nghị viện châu Âu (EP) chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) với số phiếu ủng hộ cao đã mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện giữa Việt Nam và EU, các nước Trung - Đông Âu, trong đó có Séc.

VNHN - Theo phóng viên  tại CH Séc, việc Nghị viện châu Âu (EP) chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) với số phiếu ủng hộ cao đã mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện giữa Việt Nam và EU, các nước Trung - Đông Âu, trong đó có Séc.

Hàng may mặc Việt Nam tiếp tục được thị trường Séc ưa chuộng

Nghị quyết của EP đã nhận được sự hưởng ứng và phản hồi tích cực trong dư luận EU nói chung và Séc nói riêng.

Nghị sỹ châu Âu của Séc, Phó Chủ tịch EP Dita Charanzová hoan nghênh việc EP thông qua EVFTA và cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) đã đàm phán thành công một thỏa thuận rất chất lượng, tạo điều kiện mở ra một thị trường mới cho các công ty của Séc và một thỏa thuận thương mại với một quốc gia như Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu của Séc. Sau khi EVFTA được thông qua, các công ty Séc có thể tiết kiệm được 900 triệu Korun (hơn 900 tỷ đồng).

Theo Phó Chủ tịch EP, Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống của Séc và đây là điều kiện thuận lợi lớn đối với các công ty của Séc trong cạnh tranh thương mại.

Các chuyên gia kinh tế Séc nhận định EVFTA sẽ mang lại cơ hội lớn để Việt Nam và Séc thúc đẩy mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại song phương vì theo hiệp định, hầu như tất cả các rào cản thuế quan sẽ từng bước được gỡ bỏ. Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Séc xuất khẩu hàng hóa trong các lĩnh vực mà Séc có thế mạnh như công nghiệp dệt may, thủy tinh, ô tô, cơ khí, kỹ thuật điện tử, thực phẩm và hóa chất... Đáng chú ý, theo Bộ Ngoại giao CH Séc, EVFTA sẽ giúp các sản phẩm cơ khí của Séc xuất khẩu sang Việt Nam tăng hơn 30% trong những năm tới và các công ty của Séc cũng có cơ hội tiếp cận dịch vụ mua sắm công của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Séc, ông Borivoj Minar đánh giá: “EVFTA mang lại lợi ích quan trọng cho các doanh nghiệp Séc, bởi vì khoảng 85% số lượng hàng xuất khẩu của Séc sang Việt Nam sẽ được miễn thuế. Chúng tôi muốn xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để phục vụ sản xuất. EVFTA cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang Séc”.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông Trần Hiệp Thương - nguyên Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Séc, nhận định: “EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi mới cho các doanh nghiệp của Việt Nam, Séc nói riêng và EU nói chung vì theo cam kết của hiệp định này, tất cả những dòng thuế có lộ trình gần như trở về không. Điều đó có nghĩa là hàng hóa Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông sản và thủy sản có điều kiện tiếp cận thị trường châu Âu”.

Đặc biệt, dư luận tại Séc kỳ vọng EVFTA sẽ tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Các phương tiện truyền thông và báo lớn ở Séc như Truyền hình Séc, Thời báo Kinh tế Séc, báo Tin tức Séc... đã đưa tin về việc EP thông qua EVFTA, trong đó nêu bật tầm quan trọng và lợi ích của EVFTA đối với nền kinh tế EU nói chung và Séc nói riêng, trong đó nhấn mạnh, ngay sau khi có hiệu lực EVFTA sẽ tạo điều kiện mở rộng thương mại, thúc đẩy việc làm và tăng trưởng kinh tế cho cả hai bên thông qua lộ trình loại bỏ dần 99% tất cả các dòng thuế.

Trong bối cảnh Việt Nam và Séc đang hướng tới các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (2/1950-2/2020), việc EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua và sớm đi vào thực hiện có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực mới góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước lên tầm cao mới./.