VNHNO - Đã trở thành thông lệ và nét văn hóa của địa phương mấy chục năm qua, năm nay cũng như mọi năm, những ngày đón Tết Độc lập, mừng Quốc khánh 2-9, hàng nghìn hộ dân xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi và xã Long Điền, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) lại tấp nập về Đền thờ Bác Hồ tại quê hương mình thắp nén hương, bày tỏ tấm lòng thành tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính mến!
Đông đảo cán bộ và nhân dân Bạc Liêu viếng Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới.
Nhân dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, chúng tôi trở lại xã Châu Thới anh hùng của huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) – nơi có Đền thờ Bác Hồ đẹp nhất so các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Đặc biệt, từ nhiều năm nay, nhiều hộ dân huyện Vĩnh Lợi và các huyện vùng sâu ở Bạc Liêu như Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân… dịp Quốc khánh 2-9. Vì vậy, đối với Đảng bộ và mỗi người dân nơi đây hết sức thiêng liêng, ý nghĩa, cao cả.
Việc làm bình dị, cao đẹp
Theo nhiều cán bộ, nhân dân xã Châu Thới, từ lâu, việc thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác đã trở thành truyền thống, tình cảm, là tấm lòng thành của mỗi gia đình, mỗi người dân vùng quê cách mạng này. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Lê Thị Đầm, hơn 50 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) tâm sự: “Hơn 30 năm nay, gia đình tôi và nhiều cán bộ xã như các đồng chí Nguyễn Thị Thạnh, Trương Hùng Vĩ và rất nhiều hộ cán bộ, nhân dân trên mảnh đất này, trong ngày 2-9, năm nào cũng bày một mâm cơm giản dị đặt lên bàn thờ Bác Hồ. Đây là tình cảm vừa thiêng liêng, vừa thể hiện trách nhiệm, tấm lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu – Người đã hy sinh suốt cả đời mình cho dân tộc, cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt đối với nhân dân miền nam. Khi còn sống, Bác Hồ luôn đau đáu nhớ thương, vì đối với Bác “Miền nam là thành đồng Tổ quốc; miền nam đi trước về sau!…”.
Trở lại xã Châu Thới anh hùng vào dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, chúng tôi tận mắt ghi nhận nhiều gia đình, từ cán bộ cho đến hộ dân thường đều bảy tỏ tấm lòng biết ơn công lao và tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực, chân thành. Đó là nhiều hộ dân mặc dù đời sống còn không ít khó khăn, song không vì thế mà quên ngày quan trọng - ngày giỗ Bác Hồ (ngày 2-9). Có người làm mâm cơm giản dị “cây nhà lá vườn” mang lên tận Đền thờ Bác Hồ ở ấp Bà Chăng (xã Châu Thới) cúng viếng Bác. Song, hầu hết các hộ dân sắp mâm cơn giản dị đặt lên bàn thờ Bác Hồ tại gia đình mình, cùng các con cháu thắp hương, bày tỏ tấm lòng thành đời đời khắc ghi công lao trời biển của mình đối với Bác Hồ vô vàn kính yêu!…
Ngoài ra, nhiều năm qua, các ngành đoàn thể của xã Châu Thới như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, cùng với nhân dân xây dựng và bảo vệ Đền thờ Bác Hồ tại ấp Bà Chăng những năm 1969-1970, vẫn giữ nét đẹp truyền thống sắp mâm cơm, hoặc mâm trái cây riêng của mình cúng Bác Hồ trong ngày 2-9. Tôi đã gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa), thương binh hạng 4/4, người suốt gần 50 năm qua – kể từ khi Bác Hồ qua đời (1969), là đội trưởng Đội bảo vệ Đền thờ Bác và cho đến hôm nay, ông Bảy Khoa vẫn hằng ngày bảo vệ, giữ gìn, thắp hương trong Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới.
Ông Bảy Khoa tâm sự: “Đối với bản thân tôi và hàng trăm hộ cán bộ, nhân dân nơi đây, từ trước đến nay luôn tâm niệm: Một mâm cơm, một mâm trái cây giỗ Bác, không chỉ có ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn Bác Hồ kính yêu, mà còn là dịp để những người cựu chiến binh, những phụ nữ trong “đội quân tóc dài” quả cảm, kiên trung của xã năm xưa cùng nhau ôn lại một thời máu lửa và đạn bom, là bài học sống động, thực tế để giáo dục truyền thống của cha ông năm xưa cho thế hệ trẻ hôm nay, về tấm lòng sắt son, thủy chung của mỗi người dân Châu Thới anh hùng này đối với Bác Hồ kính yêu!”.
Ông Bảy Khoa và PV Báo Nhân Dân Điện tử tại Đền Thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới.
Trở lại xã Châu Thới anh hùng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh, đồng thời kỷ niệm 49 năm - ngày Bác Hồ qua đời, chúng tôi rất xúc động được tận mắt chứng kiến dòng người khắp nơi trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu nối nhau về Đền thờ Bác Hồ tại ấp Bà Chăng, xã Châu Thới để được tự tay thắp lên bàn thờ Bác Hồ một nén tâm hương, nhân dịp ngày giỗ Bác lần thứ 49 này. Trên bàn thờ Bác, những mâm cơm đầy ắp nghĩa tình, những bông hoa tươi, những món đặc sản của quê hương Bạc Liêu được mọi người, mọi nhà mang đến dâng lên Bác với tấm lòng của những người con, người cháu dành cho người ông, người cha của mình.
Tự hào luôn có Bác
Về dự lễ giỗ Bác tại Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới hôm nay, bản thân tôi cũng như bao người dân Bạc Liêu thật sự bùi ngùi, xúc động, không kìm nén được, nước mắt cứ trào dâng, lòng tự hào dân tộc, quê hương, tự hào vì luôn có Bác lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết! Đặc biệt, chứng kiến Đền thờ Bác Hồ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu luôn đặc biệt quan tâm, đầu tư nâng cấp khang trang, đẹp mắt, được đánh giá là Đền thờ Bác đẹp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, xứng tầm là Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Điều tự hào nữa, từ nhiều năm nay, cứ vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, không chỉ cán bộ, nhân dân, nhiều đoàn viên thanh niên, học sinh trong tỉnh Bạc Liêu, mà các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang và đông đảo du khách từ mọi miền Tổ quốc, không ít đoàn khách nước ngoài đến tham dự lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi. Đền thờ Bác Hồ nơi đây đã trở thành “địa điểm đỏ” để các thế hệ về nguồn, nhất là địa chỉ cụ thể, sinh động, hấp dẫn, chân thật để giáo dục truyền thống cách mạng và học tập về tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mỗi cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh...
Rời xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), chúng tôi trở lại xã Long Điền (huyện Đông Hải), thăm Đền thờ Bác Hồ được đặt trong khu nhà truyền thống xã vùng giáp biển này. Cũng như nhân dân xã Châu Thới, nhân dân xã Long Điền vào những dịp Quốc khánh 2-9 này, cũng tổ chức làm mâm cơm giản dị giỗ Bác Hồ ngay trong nhà, có người mua hoa tươi, trái cây đến Đền thờ thắp hương cúng viếng Bác.
Nhiều cán bộ, nhân dân Bạc Liệu tổ chức giỗ Bác Hồ ngày 2-9.
Bí thư Huyện ủy Đông Hải (Bạc Liêu) Phan Hùng Việt cho chúng tôi biết: Đối với cán bộ và người dân Giá Rai, Đông Hải (trước đây chung huyện Giá Rai), từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp như thế là niềm tự hào, là vinh dự được thể hiện tấm lòng của cán bộ, nhân dân vùng quê xa xôi với Bác. Đã trở thành thông lệ, vào dịp Quốc khánh 2-9, Huyện ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Hải tổ chức Lễ báo công dâng hương Bác Hồ kính yêu tại Đền thờ bác tại xã Long Điền. Nhân dịp này, Huyện ủy báo cáo những thành tích đạt được của huyện thời gian qua trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền… Đồng thời, cũng mạnh dạn nêu những mặt còn hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, trên cơ sở đó, hứa với linh hồn Bác sẽ cố gắng nhiều hơn nữa. Đặc biệt, nhân dịp này Huyện ủy, UBND huyện hạ quyết tâm toàn Đảng bộ và mỗi người dân trong huyện tiếp tục ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ kính yêu để thiết thực báo công lên Người”.
Không chỉ ở Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), Long Điền (huyện Đông Hải), nhiều hộ dân ở thị xã Giá Rai, các huyện vùng sâu như Phước Long, Hồng Dân… (Bạc Liêu) từ nhiều năm nay vẫn duy trì đều đặn mâm cơm, hoặc mâm trái cây cúng Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm ngày sinh hay ngày mất của Người. Một bàn thờ Bác trong nhà, một mâm cơm đậm chất quê hương miền Tây Nam Bộ đã trở thành truyền thống, tâm niệm giúp mỗi người dân Bạc Liêu thêm niềm tin yêu, niềm hạnh phúc vì cuộc đời này luôn có Bác trong tim.
Đặc biệt, theo nhiều người dân Bạc Liêu, hình ảnh Bác Hồ luôn đặt trang trọng trên bàn thờ uy nghi, linh thiêng trong nhiều gia đình không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với Bác, đồng thời luôn niệm được Bác phù hộ, dõi theo những việc làm tốt đẹp, sự tiến bộ vươn lên trong làm ăn, học tập, công tác của cán bộ, nhân dân, các cháu học sinh trong mỗi gia đình. Đó cũng là bài học giáo dục truyền thống tốt đẹp, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa đối với các thế hệ mai sau. Và cũng là điều nhắc nhở hàng ngày đối với mỗi nhiều cán bộ, người dân, học sinh về việc noi gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó sống cho xứng đáng với Bác, với quê hương, đất nước.